Brazil: Chính sách đối ngoại gây tranh cãi của ông Bolsonaro

Nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của Brazil đang bày tỏ nỗi thất vọng và bất bình trước chiều hướng đi ngược lại truyền thống trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Chưa đầy 6 tháng kể từ khi ông lên nắm quyền, nhiều sự thay đổi kỳ lạ đã diễn ra tại Bộ Ngoại giao dẫn đến việc Brazil không còn được tôn trọng như ngọn cờ đầu của Nam Mỹ hay nhóm BRICS nữa.

Cựu đại sứ Brazil tại Mỹ Rubens Ricupero ra mặt bày tỏ sự bất bình về chính sách đối ngoại hiện nay của đất nước. Ông Ricupero cũng là một trong những người chỉ trích gay gắt nhất chính sách đối ngoại gây tranh cãi của Tổng thống Bolsonaro.

Nắm quyền gần 6 tháng qua, Tổng thống Bolsonaro đã chỉ đạo đội ngũ hoạch định chính sách đối ngoại gỡ bỏ hoàn toàn các chính sách đối ngoại truyền thống của đất nước, thay vào đó là những chính sách hoàn toàn mới: tung hô những nhà chính trị hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa, như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Steve Bannon, thay đổi quan điểm với Trung Quốc và từ bỏ vị thế của mình là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Chưa hết, bộ sậu đối ngoại mới của ông Bolsonaro còn chọc giận các đối tác quen thuộc ở khu vực Trung Đông bằng cách bắt tay thân thiện với Israel và dọa sẽ dời Đại sứ quán Brazil từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Bản thân ông Bolsonaro vốn đã gây tranh cãi từ khi chưa lên nắm quyền bằng những tuyên bố và hành động nghiêng về Tổng thống Mỹ Donald Trump một cách lộ liễu. Bởi thế, khi thông báo sẽ đến thăm nước Mỹ vào tháng 5-2019, ông đã vấp phải sự phản đối của hàng ngàn người Brazil vốn không ưa ông Trump và khi ông Bolsonaro chuẩn bị thực hiện chuyến thăm, nhiều vụ biểu tình phản đối đã nổ ra rầm rộ khắp nơi, từ Brazil cho đến nước Mỹ, khiến ông phải hủy chuyến thăm.

Bên cạnh đó, Tổng thống Bolsonaro còn khiến giới ngoại giao bất bình khi trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là việc ông công khai cảnh báo cử tri Argentina “đừng bỏ phiếu cho bà Cristina Kirchner” và tuyên bố “Brazil ủng hộ các nỗ lực lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro”.

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Ernesto Araujo.

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Ernesto Araujo.

Giọng điệu và những động thái ngoại giao gây tranh cãi của ông Bolsonaro đã làm tổn hại nghiêm trọng đến “quyền lực mềm” mà các tổng thống tiền nhiệm đã cất công tạo dựng trong hàng chục năm qua.

Các nhà ngoại giao kỳ cựu của Brazil giờ đây cảm thấy bối rối, khó chịu và mất mặt bởi những thay đổi theo chiều hướng xấu đi, trái ngược với truyền thống danh giá của ngành ngoại giao Brazil hàng trăm năm nay. Cựu đại sứ Brazil tại Trung Quốc và Đức Roberto Abdenur còn cho rằng ông có cảm giác như đất nước Brazil đang thụt lùi rất xa về quá khứ, khi ngành ngoại giao chưa được định hình. Marcos Azambuja, cựu Tổng Thư ký Văn phòng Bộ Ngoại giao cũng bày tỏ sự kinh ngạc và xấu hổ với những gì đang diễn ra tại cơ quan này.

Làn sóng phản đối chính sách đối ngoại Brazil bắt đầu với chính những con người trực tiếp thúc đẩy chính sách đối ngoại mới của ông Bolsonaro. Đó là Bộ trưởng Ngoại giao Ernesto Araujo, con trai Tổng thống, Eduardo Bolsonaro - người được xem như “Bộ trưởng Ngoại giao trên thực tế” và Olavo de Carvalho, một nhà luận chiến đang sống tại Mỹ, là thầy của Ernesto Araujo và Eduardo Bolsonaro. Ba con người này phối hợp cùng nhau tạo thành một bộ sậu đối ngoại đầy tai tiếng.

Cựu đại sứ Ricupero cho rằng việc bổ nhiệm Araujo đã trở thành một bê bối chính trị, bởi ông này không được giới ngoại giao Brazil đón nhận mà chủ yếu do ông ta nịnh bợ ông Bolsonaro hết mình để được chọn. Hầu hết giới chức và nhân viên ngoại giao Brazil hiện tại đều chối bỏ bộ trưởng của mình, xem ông ta là “thành phần cực đoan” của Bộ Ngoại giao nước này.

Với vai trò của Eduardo Bolsonaro, sự bực mình càng lớn hơn. Nghị sĩ 34 tuổi này gần đây được “ông trùm hữu khuynh” Steve Bannon chỉ định là đầu đàn khu vực Nam Mỹ cho nhóm cực hữu do ông ta sáng lập mang tên The Movement. Điều khiến giới chức ngoại giao Brazil buồn bực nhất chính là việc Eduardo Bolsonaro năm ngoái đã hào hứng cho phép Bannon can thiệp vào việc hoạch định chính sách của đất nước Brazil.

Lối ngoại giao tiềm ẩn nguy cơ thương tổn đến mối quan hệ song phương với Trung Quốc, quốc gia được xem là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, chính là điều đang khiến cho giới ngoại giao nước này mất ngủ nhiều nhất. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Bolsonaro đã liên tục công kích Bắc Kinh, còn Ngoại trưởng Araujo vốn là người nổi tiếng “ghét” Trung Quốc. Cựu đại sứ Abdenur cảnh báo kiểu ngoại giao đối đầu như thế có thể làm tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ Brazil - Trung Quốc.

Thêm một điều tối kị nữa, đó là việc ông Bolsonaro quá “thần tượng” Tổng thống Mỹ Donald Trump và điều này có thể tác động xấu đến quan hệ với Trung Quốc. Dưới thời các tổng thống thiên tả vừa qua, Brazil luôn duy trì được mối quan hệ tốt với Mỹ mà không cần phải thể hiện quá lố để làm tổn thương quan hệ với Trung Quốc. Đây là một cách khôn ngoan để giữ thế cân bằng trong đối ngoại với các nước lớn. Việc Tổng thống Bolsonaro quá gần gũi với đường lối của Tổng thống Donald Trump được đánh giá là kém khôn ngoan.

Ngoài ra, ông Bolsonaro cũng tạo những mối quan hệ gần gũi với lãnh đạo các quốc gia vốn đang được đánh giá là dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở các nước Ba Lan và Hungary có thể khiến cho Brazil bị xa lánh bởi các quốc gia châu Âu khác, vốn là những đối tác mà Brazil rất cần cho phát triển kinh tế, đối ngoại đa phương. Trên thực tế, lối đối ngoại cực đoan chủ nghĩa như thế đã khiến ông Bolsonaro bị các quốc gia châu Âu xem là “kẻ kỳ thị chủng tộc, nhà lãnh đạo độc tài”.

Hậu quả của lối đối ngoại “từ thua chí thua” này là đội ngũ các nhà ngoại giao Brazil hiện nay cực công lo sửa chữa hình ảnh, sửa chữa những chỉ trích, phê phán của quốc tế đối với Tổng thống Brazil hơn là xây dựng thêm những ảnh hưởng tích cực của “quyền lực mềm” Brazil từng có.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/brazil-chinh-sach-doi-ngoai-gay-tranh-cai-cua-ong-bolsonaro-551967/