Brazil bàn giao pháo phản lực bắn loạt cho Indonesia

Chuyến tàu chở các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) Astros II Mk-6 và đạn rocket từ Brazil đã cập cảng Tanjung Priok ở Jakarta, Indonesia.

Lục quân Indonesia biên chế dòng vũ khí này với 2 sư đoàn pháo binh chủ lực từ năm 2012. Trong thời gian trên, hệ thống MLRS Astros II Mk-6 hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu trực chiến của quân đội xứ vạn đảo.

Trước tình hình tác chiến mới, Lục quân Indonesia quyết định thành lập sư đoàn MLRS Astros II Mk-6 thứ 3 vào năm 2018 và đặt mua 27 hệ thống vũ khí này từ nhà thầu quốc phòng Avibras của Brazil.

 Một số hệ thống MLRS Astros II Mk-6 tại cảng Tanjung Priok của Indonesia. Ảnh: Def Post.

Một số hệ thống MLRS Astros II Mk-6 tại cảng Tanjung Priok của Indonesia. Ảnh: Def Post.

Công tác bàn giao muộn hơn so với kế hoạch bởi tình hình virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Indonesia trước kia và Brazil trong những tháng qua.

Được phát triển từ đầu những năm 1960 nhưng dòng MLRS Astros II vẫn liên tục được nâng cấp và cải tiến. Xe chiến đấu có trọng lượng 24 tấn, chiều dài 9,9m, chiều rộng 2,8m và chiều cao 3,2m, kíp xe 4 người.

Riêng biến thể MLRS Astros II Mk-6 thiết kế riêng cho Indonesia sử dụng khung gầm ô tô Tatra 6x6 với cabin bọc giáp cho xe chiến đấu thay vì xe Tectran VBT-2028 như ở bản tiêu chuẩn.

Xe chiến đấu của hệ thống MLRS Astros II Mk-6. Ảnh: Def Post.

Nếu so sánh với các mẫu MLRS khác như BM-21 Grad của Nga hay M142 HIMARS của Mỹ, dòng MLRS Astros II không quá nổi bật nhưng nó có một lợi thế mà các mẫu MLRS khác trong không có đó là khả năng triển khai nhiều dòng đạn rocket khác nhau cho từng loại nhiệm vụ nhất định.

Dù dòng MLRS Astros II có thể bắn 4 loại đạn rocket là SS-30 cỡ 127mm (tầm bắn 30km), SS-40 180mm (35km), SS-60 300mm (60km) và SS-80 300mm (85-90km), nhưng quân đội Indonesia đã chọn loại đạn tiêu chuẩn SS-80 mang đầu đạn chùm. Trên bệ phóng của xe chiến đấu bố trí 4 ống phóng.

Xe radar-chỉ huy thuộc hệ thống MLRS Astros II Mk-6. Ảnh: Def Post.

Bên cạnh đó, các thành phần của hệ thống MLRS Astros II còn có xe trinh sát và xe radar-chỉ huy cho phép các đơn vị phối hợp với nhau hiệu quả hơn, nhất là khi khí tài này được trang bị đạn rocket dẫn đường.

Tới nay, khu vực Đông Nam Á chỉ có hai nước trang bị dòng MLRS Astros II là Indonesia và Malaysia. Đây cũng được xem là vũ khí pháo binh mạnh nhất của hai quốc gia này khi họ không sở hữu các loại tên lửa tấn công chiến thuật.

PHẠM HUY (theo Army Recognition)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/brazil-ban-giao-phao-phan-luc-ban-loat-cho-indonesia-623904