BR-VT: Tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nhập khẩu phế liệu

Ngày 19/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu) đã tổ chức hội nghị tham vấn với 20 doanh nghiệp (DN) là đại diện các DN xuất nhập khẩu, DN kinh doanh cảng và các hãng tàu liên quan đến các khó khăn trong việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép trao đổi với DN tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Huế

Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép trao đổi với DN tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhiều khó khăn

Tại hội nghị, đại diện Chi cục Hải quan CK Cảng Cái Mép đã thông tin đến các DN các chính sách mới đối với hàng phế liệu nhập khẩu (NK) cũng như các nỗ lực của cơ quan Hải quan trong việc giải quyết hàng phế liệu là nguyên liệu sản xuất của DN còn tồn đọng tại cảng theo các quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong việc giải phóng hàng tồn tại cảng, ổn định sản xuất.

Đồng thời, Chi cục Hải quan Cảng Cái Mép và các DN cũng đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến việc xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng và việc NK các đơn hàng mới phục vụ sản xuất của DN.

Theo phản ánh của các DN tại hội nghị, các DN vẫn còn gặp một số khó khăn liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu trong đó nổi bật là việc nhiều DN dù đã đặt hàng từ các đối tác nước ngoài nhưng lại không thể nhận hàng do các hãng tàu từ chối vận chuyển.

Điển hình, Theo ông Lê Viễn Đông, Phó tổng giám đốc Công ty Lam Trân, Hiện DN không thể chủ động trong sản xuất vì DN đã đặt hàng các đối tác tại nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất nhưng các hãng tàu lại từ chối vận chuyển. Nguyên nhân là do các hãng tàu còn e ngại về các chính sách đối với hàng phế liệu NK và tình trạng tồn đọng phế liệu tại các các cảng của Việt Nam thời qua.

Theo ông Đông, DN đã rất khó khăn trong một thời gian dài do bị vướng mắc về chính sách đối với hàng phế liệu NK. Hiện nay chính sách đã thuận lợi, thông thoáng nhưng DN lại gặp khó khăn từ phía hãng tàu. Nếu khó khăn này không được tháo gỡ thì DN sẽ rơi vào tình trạng đình đốn do không có nguyên liệu sản xuất.

Tương tự, đại diện Công ty Việt Nhật và Công ty Khánh Quỳnh cũng cho rằng, các DN NK phế liệu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì gánh nặng chi phí lưu công, lưu bãi quá nặng do hàng phế liệu NK về cảng bị ách tắc trong thời gian qua. Cùng với đó, chi phí NK các lô hàng phế liệu hiện nay cũng tăng lên khá nhiều so với trước do tiền ký quỹ tăng… Do vậy, đề nghị các hãng tàu có cái nhìn thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho DN.

Hãng tàu vẫn e ngại “kẹt” cảng

Phản hồi thông tin từ các DN NK phế liệu, đại diện các hãng tàu Maersk Line, Jang Ming, Cosco, CMA… cũng đã ghi nhận các khó khăn của các DN trong việc thực hiện các đơn hàng mới. Tuy nhiên các hãng tàu cũng bày tỏ sự e ngại về các chủ trương, chính sách với hàng phế liệu NK, đặc biệt là năng lực giải phóng hàng tồn cho các các DN.

Cũng theo thông tin từ một số hãng tàu, trong thời gian qua do sự bất ổn về chính sách đối với hàng phế liệu NK cũng như tình trạng kẹt cảng trầm trọng tại một địa phương, nhiều hãng tàu đã từ chối vận chuyển một số mặt hàng phế liệu về Việt Nam trong đó chủ yếu là phế liệu nhựa. Đặc biệt, nhiều hãng tàu cũng cho biết, các hãng tàu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro đối với việc tồn đọng hàng phế liệu tại cảng cũng như năng lực và uy tín của các DN NK. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân được các hãng tàu đưa ra cho việc từ chối vận chuyển hàng từ phía các DN NK là do một số cảng tại Việt Nam cũng đã từ chối tiếp nhận một số mặt hàng phế liệu.

Thừa nhận việc này, đại diện Cảng TCIT cho biết, do lượng hàng tồn quá nhiều (có thời điểm tại Cảng Cái Mép tồn trên 11.000 teu) đặc biệt là hàng phế liệu giấy chiếm đến 2/3. Nhiều DN cũng đã không giải phóng hàng theo cam kết, nên từ 14/1/2019, cảng TCIT đã ngưng nhận hàng giấy phế liệu NK để chuyển xà lan về Bình Dương.

Ngoài ra, từ tháng 6/2018, toàn bộ hệ thống cảng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã ngưng tiếp nhận hàng phế liệu nhựa và hiện nay vẫn chưa có thông báo mới. Tuy nhiên, đối với hàng giấy phế liệu làm thủ tục trực tiếp tại Cảng Cái Mép thì vẫn tiếp nhận nếu khách hàng cung cấp đầy đủ chứng từ theo quy định, cảng CTIT cũng tiếp nhận các lô hàng phế liệu nhựa với điều kiện DN có giấy tiếp nhận mặt hàng này của cảng TCCT và cảng TCCT có công văn cho cảng CTIT về việc tiếp nhận các lô hàng này.

DN nêu khó khăn về hoạt động NK phế liệu. Ảnh: Nguyễn Huế

Đề nghị hãng tàu hỗ trợ DN nhập khẩu

Trước e ngại các hãng tàu, về phía đại diện các DN cho biết, hiện nay các chính sách và thủ tục đối với việc NK phế liệu đã rất thông thoáng, đơn giản và thuận lợi, không còn vướng mắc gì. Các DN cũng ghi nhận nỗ lực rất lớn của cơ quan Hải quan các DN cảng và hãng tàu và các cơ quan chức năng khác trong việc hỗ trợ DN giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các chính sách về NK phế liệu giúp DN nhanh chóng giải quyết các lô hàng bị kẹt tại cảng trong thời gian qua để ổn định sản xuất. Đối với việc NK các lô hàng mới, đại diện các DN đề nghị các hãng tàu có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cụ thể, các DN đề nghị các hãng tàu cần có cái nhìn thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho các DN làm ăn chân chính có đủ năng lực và uy tín trong hoạt động NK phế liệu. Ngoài ra, các DN cũng đề nghị các hãng tàu nên tăng cường kiểm soát rủi ro từ khách hàng để phòng ngừa các rủi ro không đáng có tránh ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính.

Cùng quan điểm như trên, sau khi chất vấn các hãng tàu về nguyên nhân từ chối vận chuyển phế liệu NK cho các DN, đại diện Chi cục Hải quan cảng Cái Mép đề nghị, các hãng tàu nên nới rộng các quy định vận chuyển phế liệu, đưa hàng về các cảng đã xử lý tốt vấn đề hàng tồn đọng như cảng Cái Mép để tạo thuận lợi cho các DN NK. Bên cạnh đó, cũng không nên đánh đồng tất cả các DN để tránh gây khó khăn cho các DN làm ăn chân chính vì số lượng DN NK phế liệu được các cơ quan chức năng xác nhận đủ điều kiện NK phế liệu không nhiều.

Cũng theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép, hiện nay số lượng hàng phế liệu tồn trên 90 ngày tại khu vực cảng Cái Mép chỉ còn khoảng trên 1.400 container và khả năng giải phóng hàng tồn là rất khả quan nên các hãng tàu cũng không cần e ngại về hàng tồn đọng đối mặt hàng phế liệu. Về phía các DN, với các quy định hiện hành, cơ quan Hải quan hoàn toàn có thể kiểm soát được các DN đủ điều kiện NK phế liệu.

Bên cạnh đó, các chính sách đối với hàng phế liệu NK hiện nay rất cởi mở và thông thoáng các DN đủ điều kiện NK sẽ được tạo điều kiện tối đa trong việc NK nguyên liệu sản xuất. Về phía Chi cục, để hỗ trợ cho các DN, chi cục cũng đã phối hợp với các DN cảng có giấy xác nhận cho các DN đủ năng lực và uy tín gửi các hãng tàu. Do vậy, đề nghị các hãng tàu tạo điều kiện vận chuyển các lô hàng mới giúp DN ổn định hoạt động sản xuất./.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/br-vt-thao-go-kho-khan-vuong-mac-ve-nhap-khau-phe-lieu-101352.html