BQL Cảng cá Phan Thiết: Có gây khó cho ngư dân?

KTNT- Cảng Phan thiết, tỉnh Bình Thuận được quy hoạch với tổng diện tích 27ha trong đó 17ha là diện tích mặt biển, 10 ha là đất liền nằm dọc theo bờ sông Ca Ti và cửa biển gồm có 2 bến, bến 400cv và bến 40 cv cho các tàu thuyền trong và ngoài tỉnh Bình Thuận vào ra để thu mua Hải sản, nhiên liệu và tiếp ứng hậu cần.

Trong nhiều năm qua việc quy định tàu thuyền vào ra lên, xuống hàng hóa rất thuận lợi mang tính khoa học, hợp lòng ngư dân đảm bảo và giữ vững an ninh, tật tự cho các ngư dân và thương lái trong khu vực Cảng.

Tuy nhiên, ngày 25/7/2012 BQL Cảng có thông báo số 233 quy định Tàu thuyền cập bến bốc dỡ nước đá để bảo quản Thủy sản đã gây nhiều sự bất bình cho các chủ tàu thuyền, ngư dân mua bán thủy sản, các trạm cung cấp xăng dầu và các nhà cung cấp thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn ông Phan Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn khai thác Bình Hưng Đại diện cho hàng trăm chủ ghe và các thương lái cho biết: “Việc BQL Cảng có thông báo về quy định vị trí tàu thuyền vào ra để lên xuống hàng hóa chúng tôi không hề nhận được thông báo. Mặt khác khi BQL Cảng quy định như vậy gây ra rất nhiều khó khăn cho bà con, trước đây khi tàu thuyền của bà con ngư dân vào bến 40cv để bán thủy sản, trong khoảng thời gian xuống hàng thì tranh thủ bơm dầu, lấy đá, lấy thực phẩm để tiếp tục ra khơi. Nhưng hiện nay chỉ được phép xuống hàng rồi sau đo chạy về bến 400cv để mua nhiên liệu và thực phẩm, việc quy định này đã làm mất quá nhiều thời gian bởi bến 400cv là khu vực các tàu thuyền lớn vào ra và neo đậu, nhưng có những tàu đậu ở đó cả mấy ngày gây cản trở nhưng BQL Cảng không hề có ý kiến gì (!?) mỗi một tàu lấy dầu trên chục tấn chỉ cần 2 tàu lớn lấy dầu là có khi chúng tôi phải chờ hơn cả tiếng đồng hồ cũng chưa đến lượt để vào bơm dầu và thu mua lương thực, những hôm có gió to, sóng lớn là tàu thuyền chúng tôi luôn phải chịu cảnh bị va đập vào tàu lớn nên ảnh hưởng rất nặng nề nên đành phải cho anh, em xách can đi về bến 40cv để mua dầu. Xong phải chạy về nơi quy định để lấy đá cây, việc quay trở tàu thuyền gặp rất nhiều khó khăn chứ đâu phải như chiếu xe ở trên bờ đâu.

Theo ông Hiếu, từ lúc có thông báo của BQL Cảng về việc quy định tàu thuyền phải lên xuông hàng hóa cho đến này Cảng Phan Thiết không còn là Cảng của Nhà nước nữa mà là Cảng của tư nhân, có những trạm cung cấp xăng dầu và một số vựa thu mua thì số lượng tàu thuyền vào ra quá nhiều luôn luôn bị chen chúc, dành giật chổ đậu nên đã gây ra xô đẩy, va chạm và mật tật tự… bên cạnh đó có những Trạm xăng dầu và một số vựa thua mua ở bến 40cv thì vắng như “chùa Bà Đanh”.

Trả lời về vấn đề này ông Nguyễn Hoài Tiến, Trưởng phòng Khai thác điều hành BQL Cảng cho biết: “Việc BQL Cảng có thông báo và đã gửi thông báo cho các chủ ghe và các thành phần kinh doanh mua bán trong khu vực Cảng. Nhằm mục đích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cà tàu thuyền vào ra, lên, xuống hàng hóa được thuận lợi. Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận khi tàu thuyền vào bến 40cv xuống xong hàng hóa thì phải chạy ra bến 400cv để lấy đá cây, dầu và thực phẩm… vào giờ cao điểm thì lượng tàu thuyền nhiều nên phải chờ đợi và cũng có những và chạm giữa tàu này với tàu kia”.

Qua khảo sát thực tế Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn nhận thấy việc phản ảnh của các ngư dân là có căn cứ, bởi trong khu vực bến 40cv chỉ cách nhau chưa đến 100m nhưng có chổ thì luôn luôn tấp nập tàu thuyền ra vào, chen chúc xô đẩy lẫn nhau nhưng có chổ thì rất trống vắng.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng ở tỉnh Bình Thuận và BQL Cảng Phan Thiết nên nhìn nhận một thực tế để tìm ra một giải pháp thuận lợi nhất, hài hòa, hợp với lòng ngư dân nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tàu thuyền khi vào ra các bến để thu, mua hàng hóa tiết kiệm được thời gian và tránh chuyện phải chạy tư bến này qua bến khác để rồi dẫn đến nhiều hệ lụy./.

Hải Hà

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/bql-cang-ca-phan-thiet-co-gay-kho-cho-ngu-dan-post14569.html