BOTV chối 'không liên quan' đa cấp và thủ lĩnh nhóm thề kiếm triệu USD

Dù tham gia truyền thông cho hoạt động tuyển chọn thành viên đa cấp, BOTV vẫn chối bỏ mọi liên quan với mô hình hứa hẹn mang lại thu nhập khủng với vốn 0 đồng.

Ngày 26/4, sau bài viết phản ảnh về mô hình đa cấp nhắm vào mơ ước kiếm tiền từ YouTube của nhiều người Việt, nhóm lãnh đạo của BOTV đã đến đối chất với Zing.vn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện pháp luật của BOTV cho rằng công ty ông không liên quan đến các hoạt động đa cấp. Đồng thời, ông Tuấn cũng chối bỏ trách nhiệm với các phát ngôn kêu gọi thành viên tham gia đa cấp của ông Lý Phương Ngọc (thủ lĩnh nhóm tuyên bố kiếm triệu USD ở phố đi bộ Nguyễn Huệ), Nguyễn Tiến Dũng, Nở Võ… dù trước đó những người này hoạt động tích cực để lôi kéo thành viên tham gia BOTV.

Tuy nhiên, ông Tuấn không lý giải được vì sao hệ thống của mình có liên kết với fanpage Facebook đăng tải video mời gọi tuyển dụng theo mô hình đa cấp. Ông Tuấn cũng tỏ ra "không biết" về nhóm telegram chuyên tuyển mộ thành viên và hưởng hoa hồng 7 cấp mà chính BOTV chia sẻ cho cộng đồng khách hàng của mình.

Chối bỏ liên quan đến hoạt động tuyển lựa thành viên đa cấp

“Các sự kiện truyền thông và hoạt động tuyển chọn đa cấp của những người này BOTV không quản lý và không chịu trách nhiệm”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, việc nhóm người này sử dụng tên tuổi BOTV tuyển chọn mạng lưới đa cấp ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của công ty.

Lý Phương Ngọc luôn xuất hiện tại các sự kiện của BOTV.

Lý Phương Ngọc luôn xuất hiện tại các sự kiện của BOTV.

“BOTV là công ty làm truyền thông và giải trí. Công ty hoàn toàn không xây dựng cộng đồng mà chỉ làm dịch vụ quản lý, quảng bá cho kênh YouTube”, ông Tuấn nói thêm.

Cụ thể, theo ông Tuấn, công ty chỉ bán dịch vụ giúp kênh YouTube của khách hàng được bật kiếm tiền và đạt 50.000 lượt đăng ký trong 8 tháng với giá trên 23 triệu đồng. Để làm được việc này, BOTV liên kết với Win102.

Win102 là mạng lưới tuyển lựa thành viên đa cấp, trả thưởng theo 7 cấp. Lượng thành viên này sẽ trực tiếp đóng góp lượt xem và đăng ký cho các kênh của BOTV.

Vì vậy, ông Tuấn cho rằng BOTV "không liên quan gì Win102, họ chỉ là đối tác của chúng tôi".

Mối liên hệ cá nước giữa BOTV và đa cấp Win102

Dù chối bỏ trách nhiệm với các hoạt động đa cấp, công ty BOTV và Win102 lại có mối quan hệ rất khắng khít.

Người tham gia có thể sử dụng tài khoản tạo trên mạng lưới đa cấp Win102 để đăng nhập vào BOTV xem video và đăng ký kênh, tuyển cấp dưới để nhận thưởng. Bên cạnh đó, ứng dụng do BOTV phát hành trên nền tảng Android cũng miêu tả đang phục vụ cho dự án “BOTV - Win102”.

Trên trang chính thức của BOTV, công ty giới thiệu nhiều video liên quan đến hoạt động đa cấp do Lý Phương Ngọc thực hiện.

Đặc biệt, trang web chính thức của BOTV cũng đăng tải, chia sẻ các video khuyến khích các hoạt động tuyển chọn thành viên theo mô hình đa cấp với thu nhập khủng. Bên cạnh đó, có những bài đăng về việc sẽ phát hành BO Coin - một loại tiền số dùng để trả thưởng cho thành viên.

Cũng trong website chính thức Botv.com.vn, đường dẫn đến fanpage Facebook BOTV cũng được đính kèm.

Trang Facebook này thường xuyên chia sẻ các phát ngôn của những "thủ lĩnh đa cấp" về giấc mơ kiếm "thu nhập bị động" lên đến hàng chục nghìn USD mà không cần bỏ vốn.

"Với BOTV, mỗi người có thể kiếm được 115 triệu mỗi tháng từ việc tuyển thành viên tham gia mà không cần bỏ vốn", Lý Phương Ngọc, một thủ lĩnh của BOTV nói tại sự kiện của công ty.

Xây dựng cộng đồng "cày view", nhưng BOTV lại dùng chính lượt tương tác này để mở dịch vụ kênh bán cho người đầu tư.

Người này còn thông báo quỹ đầu tư Lotus Capital đầu tư 5 triệu USD vào BOTV. "Bánh vẽ" này được tạo ra nhằm tạo lòng tin cho những người tham gia.

Kèm với việc tuyển chọn thành viên theo mô hình đa cấp, BOTV còn truyền thông về việc bán dịch vụ kênh YouTube với cam kết sau 8 tháng nếu kênh YouTube không đạt 50.000 đăng ký sẽ đền gấp đôi số tiền mua kênh.

Ngoài ra trang Facebook này còn chia sẻ các hội nhóm Telegram, hỗ trợ, kêu gọi xây dựng mạng lưới đa cấp cho BOTV.

Trả lời vấn đề này, Nguyễn Minh Tuấn cho rằng ông không hay biết. “Những phát ngôn, hoạt động đa cấp trước đây của ông Lý Phương Ngọc chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Tôi không quản lý kênh Facebook trên”, ông Tuấn nói.

Tuy vậy, những hoạt động truyền thông đa cấp trên vẫn đang tiếp diễn trên cả website, fanpage và nhiều hội nhóm của BOTV. Đồng thời, BOTV chưa có phát ngôn chính thức nào thông báo đến các nhà đầu tư việc công ty không liên quan đến các hoạt động đa cấp của nhóm Lý Phương Ngọc, Nở Võ, Long Việt…

Bán dịch vụ kênh YouTube cho các thành viên trong mạng lưới đa cấp

Như vậy, BOTV cùng WIN 102 xây dựng cộng đồng để xem và đăng ký kênh YouTube. Tuy nhiên, không có đối tác sử dụng dịch vụ, BOTV triển khai gói truyền thông cho kênh YouTube. Chính lý do này khiến BOTV bị cộng đồng làm YouTube tại Việt Nam lên án.

BOTV cam kết sau 8 tháng, kênh YouTube người mua dịch vụ sẽ đạt 50.000 lượt đăng ký, được bật kiếm tiền và sẽ mua lại kênh với giá gấp đôi nếu người đầu tư không muốn tiếp tục quản lý.

Sau 8 tháng, nếu kênh không đủ 50.000 đăng ký và bật kiếm tiền BOTV sẽ đền hợp đồng gấp đôi.

Ngoài ra, BOTV còn "khéo léo" trong việc đưa ra bảng giá kênh. Cụ thể, giá cho 100 kênh đầu tiên là 1.000 USD, những kênh sau đó được bán với giá lên đến 1.500 USD.

“Đây là cách tạo tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out - nỗi sợ bị bỏ lỡ một cơ hội) cho nhà đầu tư. Mọi người sẽ cảm thấy lo lắng sẽ bỏ qua một cơ hội làm giàu”, ông Khiêm Vũ, quản trị viên nhóm chuyên về YouTube lớn nhất Việt Nam với 170.000 thành viên nói với Zing.vn.

"Tay không" đi làm dịch vụ YouTube

Khi được hỏi về việc dựa vào đâu để công ty thực hiện hợp đồng dịch vụ giúp kênh YouTube 50.000 đăng ký và được bật kiếm tiền, đại diện BOTV chỉ cho biết sẽ hợp tác với các bên đã xây dựng cộng đồng trong đó có mô hình đa cấp Win102.

Trong chính sách của YouTube ghi rõ, việc bán các chỉ số như lượt xem, lượt thích, nhận xét hoặc bất kỳ chỉ số nào của YouTube bao gồm cả “sub chéo” - trao đổi lượt đăng ký được xem là hành vi spam.

Hiện BOTV không sở hữu nội dung nào như website ngang nhiên đăng tải, đóng logo lên những video này.

Như vậy, BOTV đang kinh doanh một dịch vụ trái với quy định trong chính sách của YouTube. “Việc kênh YouTube 50.000 nhưng không đầu tư nội dung từ đầu thì xác suất bật kiếm tiền gần như bằng không”, Hữu Nhật, người làm YouTube lâu năm với nhiều kênh nhận nút bạc cho biết.

Về mặt nội dung, BOTV không chứng minh được đã sản xuất được bất kỳ video nào. Ông Minh Tuấn chỉ đưa ra hai kênh YouTube, mỗi kênh một video và nói đây là nội dung của BOTV thực hiện mà không hề có bằng chứng.

Trên website chính thức, đa số nội dung đều phát lại từ các kênh YouTube khác. Như vậy, BOTV hiện chưa nắm nội dung nào trong tay. Các video được phát trên ứng dụng BOTV đa phần lấy từ các buổi giới thiệu của công ty và video đăng lại từ nền tảng khác. Nhiều kênh trong đó đã vi phạm bản quyền và bị cộng đồng báo cáo với YouTube.

Ngoài ra, nền tảng của BOTV cũng xuất hiện nhiều điểm bất cập khi tính sai về các chỉ số như lượt xem, đăng ký. Ứng dụng và trang web thường xuyên trong tình trạng quá tải. Tài khoản Win102 đăng nhập vào BOTV xem video nhận thưởng thường xuyên bị khóa…

BOTV bán 'bánh vẽ' trái quy định YouTube theo hình thức đa cấp Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người, BOTV đang bán các dịch vụ kênh trái quy định của YouTube với giá nghìn USD.

Bình Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/botv-choi-khong-lien-quan-da-cap-va-thu-linh-nhom-the-kiem-trieu-usd-post940500.html