Botulinum trong pate Minh Chay là chất độc khét tiếng số 1 thế giới

Botulinum có trong sản phẩm pate Minh Chay là chất độc khét tiếng số 1 thế giới. Chỉ cần liều 0,004μg/kg cân nặng, nó sẽ giết chết một người trưởng thành.

Một số sản phẩm Pate Minh Chay chứa vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người

Một số sản phẩm Pate Minh Chay chứa vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người

Botulinum – Chất độc khét tiếng số 1 thế giới có trong sản phẩm pate Minh Chay

Mới đây, Bộ Y tế đã phát đi thông báo khẩn liên quan đến việc một số sản phẩm Pate Minh Chay chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và dễ gây tử vong. Người tiêu dùng tạm thời không mua và sử dụng các sản phẩm của công ty này.

Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, botulinum là protein độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết.

Trong y học, với liều lượng kiểm soát, độc tố botulinum type A được sử dụng để trị các chứng co cứng cơ. Trong thẩm mỹ, chất này được ứng dụng để xóa nếp nhăn trên mặt bằng tiêm botox vào các cơ. Liều gây chết trung bình (LD50) của độc tố này ước tính 3.000 U đối với người lớn (khoảng 70 kg). Do đó, liều điều trị giãn cơ cho người bệnh trong khoảng 60-400 U.

Bác sĩ Trần Văn Phúc – khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho VTC News biết, botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, có thể xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.

“Tất cả các bác sĩ, các chuyên gia thực phẩm, bất cứ ai cũng kinh hãi khi nói tới vi khuẩn Clostridium botulinum và độc tố của nó là botulinum. Botulinum là chất độc khét tiếng số 1 thế giới. Chỉ cần liều 0,004μg/kg cân nặng, nó sẽ giết chết một người trưởng thành. Tương đương với 1kg botulinum đủ giết chết 1 tỷ người”, BS Phúc nói.

Độc tố botulinum có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái theo thứ tự từ A đến G, riêng loại C gồm hai loại phụ, như vậy tổng cộng có 8 chất độc tất cả. Nhiễm độc ở người loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến loại E và F, 4 loại còn lại ít gặp hơn.

Vi khuẩn Clostridium botulinum có thể xâm nhập vào cơ thể người qua những con đường nào?

Botulinum được tìm thấy trong trực khuẩn clostridium botulinum. Đây là trực khuẩn có khả năng biến hình, ở điều kiện khắc nghiệt chúng biến thành nha bào vô cùng chắc chắn. Vi khuẩn clostridium botulinum tồn tại trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất và phân, nước ao, nước sông hồ, thậm chí trong các hạt bụi bẩn, ở động vật đều có.

Ngoài đường ăn uống, bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng, tạo ra môi trường yếm khí, các bào tử có thể tái hoạt động và sản sinh ra chất độc botulinum. Ở trẻ nhỏ, bào tử vi khuẩn này có thể phát triển trong đường ruột và dẫn tới ngộ độc.

Botulinum là chất độc khét tiếng số 1 thế giới.

Các biểu hiện và triệu chứng ngộ độc botulinum

Khi ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn clostridium botulinum, điều kiện thông khí trong ruột của con người không tốt, độ axit tương đối nhỏ, là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại, sinh sôi và phát triển gây ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau bữa ăn từ 12 – 36h, tuy nhiên cũng có thể kéo dài tới vài ngày, thậm chí là 4 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, độc tố càng nhiều, bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong càng cao.

Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát ngộ độc botulinum bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày ruột khác, nhưng lượng độc tố ít thì triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.

Sau đó, độc tố của vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào các dây thần kinh sọ ngoại biên. Biểu hiện rõ nhất là tổn thương liên quan đến mắt (nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng). Biểu hiện các cơ hàm mặt (liệt mặt, rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ).

Nặng hơn nữa là các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới. Đầu tiên là không nhấc đầu lên được. Sau đó không đứng hay ngồi dậy được. Nặng lên có biểu hiện liệt toàn thân, với trương lực cơ toàn thân giảm, tắc ruột cơ năng. Giai đoạn cuối là khó thở, rối loạn nhịp thở, tử vong ở giai đoạn này từ 30-60% do suy hô hấp.

Cách phòng tránh ngộ độc botulinum

Trả lời PV VTC News, BS Trần Văn Phúc cho biết, ngộ độc botulinum không phải là cá biệt, do vi khuẩn tồn tại tương đối phổ biến, ngộ độc chủ yếu vẫn xảy ra ở thịt bảo quản trong điều kiện thiếu không khí. Tuy nhiên, ngộ độc có thể vô tình xảy ra ở bất cứ thực phẩm nào, bất cứ công ty nào, ngay cả những quốc gia văn minh nhất và tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm tốt nhất vẫn có thể xảy ra. Do vậy, việc phòng tránh ngộ độc botulinum là rất quan trọng.

Chính vì vậy, để phòng tránh, người dân và các công ty chế biến thực phẩm cần giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngay từ khâu nuôi trồng đến chế biến và vận chuyển, cuối cùng là ăn uống, phải được kiểm soát chặt chẽ và thực hành sạch sẽ.

Mặc dù clostrium botulinum có độc tính cao nhưng lại có đặc tính rất sợ axit, nhiệt độ, và điểm yếu lớn nhất của vi khuẩn này là kị khí. Do đó, nó sẽ không phát triển mạnh ở những nơi có thông gió tốt, đặc biệt là môi trường đủ oxy vi khuẩn sẽ không thể hoạt động. Ngược lại càng thiếu không khí và oxy nó cảng sinh sôi nảy nở mạnh.

Theo BS Phúc, botulinum cũng không chịu được nhiệt, để phòng lây nhiễm clostrium botulinum, vì thế người dân nên thực hiện đúng ăn chín, uống sôi. Thực phẩm, nước uống nên đun trong nhiệt độ cao (trên 121 độ C) trong hơn 30 phút để loại bỏ các nha bào. Thức ăn thừa sau khi ăn không nên để bên ngoài, mà phải đậy kín, để vào tủ lạnh với nhiệt độ dưới 10 độ C. Bởi môi trường nhiệt độ này, clostrium botulinum không thể sinh sản hoặc tạo ra chất độc.

BS Phúc khuyến cáo, điều quan trọng nhất là người dân cần hiểu về ngộ độc botulinum để phòng tránh và biết được những dấu hiệu ngộ độc sau ăn. Qua đó kịp thời khám bác sĩ để phát hiện và xử trí sớm tình trạng ngộ độc, thì không có gì đáng ngại và lo lắng.

Ngoài ra, do vi khuẩn Clostridium botulinum có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch nên BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng khuyến cáo người dân nên rửa sạch các vết thương ngoài da sau khi bị thương, thoa dung dịch sát khuẩn và yêu cầu chăm sóc y tế trong quá trình điều trị.

Nguyệt Hà (T/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/botulinum-trong-pate-minh-chay-la-chat-doc-khet-tieng-so-1-the-gioi-105398-9.html