BOT Thái Nguyên-Chợ Mới cầu cứu Quốc hội: Không chấp nhận được...

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, việc nhà đầu tư cầu cứu Quốc hội, muốn hoàn vốn lại cho doanh nghiệp là điều hết sức phi lý, không thể chấp nhận được.

Công ty CP Tập đoàn Cienco 4, một thành viên trong liên danh nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 đoạn Km75 đến Km100, vừa có đơn gửi Chủ tịch Quốc hội trình bày về nguy cơ phá sản của mình và kiến nghị cần giải quyết để dự án được hoàn vốn theo đúng hợp đồng.

Theo nhà đầu tư BOT Thái Nguyên-Chợ Mới, doanh thu từ thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án chỉ bằng 13% chi phí lãi vay và vận hành của doanh nghiệp dự án.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nhận xét, việc nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới gửi đơn cho Chủ tịch Quốc hội xin xem xét kiến nghị để đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư là cực kỳ vô lý.

Phân tích cụ thể, đại biểu Hòa cho rằng, hình thức hợp đồng BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Vì lẽ đó, thông thường, các dự án BOT có một phần vốn Nhà nước, còn lại đa phần là vốn của doanh nghiệp đầu tư.

Trạm thu phí BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

"Nói một cách sòng phẳng, đối với doanh nghiệp đầu tư, khi anh làm dự án đầu tư BOT, không ai ép anh cả. Để làm dự án đó, doanh nghiệp cũng phải tính toán, làm báo cáo tiền khả thi, có hiệu quả thì mới đầu tư, không có doanh nghiệp nào đã tính toán, biết trước làm dự án sẽ bị lỗ mà vẫn đầu tư hết.

Chính vì thế, việc nhà đầu tư BOT Thái Nguyên-Chợ Mới cầu cứu Chính phủ, Quốc hội, muốn trả dự án lại cho Nhà nước và hoàn vốn lại cho doanh nghiệp là điều hết sức phi lý, không ai chấp nhận được.

Cả nước có rất nhiều dự án BOT, có những dự án hiệu quả và những dự án không hiệu quả. Bây giờ chủ đầu tư dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới cầu cứu thì những dự án khác sẽ xử lý như thế nào?", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Vị đại biểu thẳng thắn, trong làm ăn kinh tế, doanh nghiệp phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu, không thể có kiểu lời thì doanh nghiệp ăn, còn lỗ thì Nhà nước, nhân dân chịu.

"Trong hoạt động sản xuất kinh doanh không ai chấp nhận điều đó, thậm chí cả DNNN. Nếu DNNN lỗ cũng phải chịu, làm thất thoát tài sản Nhà nước phải bị truy cứu trách nhiệm.

Dĩ nhiên, trong hoạt động kinh tế vẫn có thể xảy ra việc đầu tư sai lầm, vấn đề là người nào ra quyết định đầu tư thì phải chịu trách nhiệm. Ở đây doanh nghiệp ra quyết định đầu tư, là chủ đầu tư thì lời doanh nghiệp hưởng, lỗ doanh nghiệp cũng phải chịu vì doanh nghiệp đã tính toán từ trước. Không thể nào có chuyện lời doanh nghiệp hưởng, lỗ thì san sẻ cho ngân sách Nhà nước, mà ngân sách Nhà nước là tiền của nhân dân.

Thực tế, hiện nay có những doanh nghiệp làm ăn rất hiệu quả, có doanh nghiệp không hiệu quả, họ cố gắng gánh vác, tìm đối tác khác hoặc có giải pháp để bù đắp lại chi phí, bù đắp lại cho dự án.

Bên cạnh đó, dự án có sự xét duyệt của địa phương, của Bộ GTVT nên các đơn vị trên cũng cần tạo điều kiện giúp đỡ về thủ tục, quy định... để doanh nghiệp khắc phục được tình trạng lỗ để phấn đấu vươn lên.

Ấy là chưa kể có doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng có lỗ thật hay không? Phải xem xét thấu đáo vấn đề này.

Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra 40 dự án "có vấn đề" và kiến nghị giảm 120 năm thu phí. Như vậy, có tình trạng dự án kê đội vốn, đội thời gian thu phí lên. Khi Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí, nếu kiến nghị được chấp thuận thì chủ đầu tư của các dự án đó phải chịu. Nguyên tắc là làm không đúng, không tốt thì phải khắc phục", đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.

Tái khẳng định chủ trương BOT là đúng đắn nhưng quá trình thực hiện có sơ hở, sai sót, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, khi dự án không hiệu quả thì nhà đầu tư và người ký hợp đồng với nhà đầu tư phải cùng nhau gánh trách nhiệm với dự án đó, tìm cách khắc phục chứ không thể bắt người dân gánh chịu.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bot-thai-nguyen-cho-moi-cau-cuu-quoc-hoi-khong-chap-nhan-duoc-3358705/