BOT Pháp Vân sẽ giảm phí và thời gian: Tin được không?

Sau những gian dối 'thành tiền lệ', anh lại lấy số liệu của anh, doanh thu của anh để điều chỉnh thời gian, mức vé thì ai tin được?

Doanh thu nào? Lưu lượng nào?

Trước các thông tin trạm BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có doanh thu vượt xa dự toán, ngày 18/6, đại diện lãnh đạo nhà đầu tư đã có báo cáo về doanh thu gửi báo Đất Việt và cho biết, thời gian thu và mức thu sẽ được điều chỉnh dựa vào lưu lượng, số thu thực tế.

BOT Pháp Vân điều chỉnh mức phí và thời gian thu phí thế nào? Ảnh: TPO

BOT Pháp Vân điều chỉnh mức phí và thời gian thu phí thế nào? Ảnh: TPO

Sự chủ động của nhà đầu tư dù được đánh giá cao song vẫn khiến giới chuyên gia trăn trở.

GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội đặt câu hỏi: "Nhà đầu tư muốn giảm thời gian thu và mức thu thế nào?".

"Nhà đầu tư nói, từ năm 2017 Bộ GTVT đã đồng ý để nhà đầu tư giảm số năm thu phí từ 17 năm 3 tháng xuống còn 15 năm 7 tháng. Ngoài ra, thời gian thu phí thực tế sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh căn cứ vào lưu lượng và doanh thu thực tế, được cập nhật thường xuyên vào phương án tài chính.

Ở đây doanh thu là doanh thu nào, lưu lượng là lưu lượng nào? Nếu là doanh thu và lưu lượng do nhà đầu tư báo cáo thì đã tin tưởng được chưa?", GS Đặng Đình Đào nói thẳng.

Giải thích cho lập luận trên, GS Đặng Đình Đào cho rằng, BOT Pháp Vân là trạm thu phí được ví như "siêu trạm" vì có doanh thu khủng nhưng cũng lại là trạm bị điều tra về hành vi gian dối.

Nếu không có cơ quan thanh tra, kiểm toán, ngân sách đã mất tới 800 triệu mỗi ngày do chủ đầu tư khai báo chưa đúng (thu 1,9 tỷ đồng /ngày nhưng báo cáo về Bộ là 1,2 - 1,4 tỷ đồng/ngày).

Cho tới thời điểm này, dù trạm có lượng phương tiện qua lại tăng nhanh theo báo cáo là tăng 20-25%, nhưng doanh thu nhích lên rất khiêm tốn, chỉ đạt 1,93 tỷ đồng/ngày, không cao hơn nhiều so với thời điểm năm 2016. Như vậy, ai sẽ bảo đảm, số liệu thống kê của nhà đầu tư là chính xác, trung thực?

"Ngay cả Tổng Cục đường bộ, Bộ GTVT cũng đang giám sát, kiểm tra doanh thu dựa trên trích xuất dữ liệu lưu trữ của trạm thu phí và dựa trên số liệu ghi chép theo sổ sách của nhà đầu tư. Điều này đã được chứng minh sau vụ việc xảy ra tại BOT Trung Lương hay BOT Ninh Lộc.

Trong khi đó, BOT Pháp Vân cũng từng bị đe dọa phải đóng cửa, không cho thu phí do chưa lắp đặt đầy đủ hệ thống sao lưu giữ liệu giám sát. Như đã nói, trạm này cũng đã từng dính tiền lệ báo cáo doanh thu thiếu trung thực.

Với hàng loạt điểm mờ như vậy, giờ anh lại lấy số liệu của anh, báo cáo của anh, doanh thu của anh để điều chỉnh thời gian, mức vé thì khó thuyết phục được ai", vị GS thẳng thắn.

Làm rõ lợi ích nhóm

Những khó hiểu tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa sáng tỏ, trong khi lại xuất hiện đề xuất tăng mức phí theo định kỳ 3 năm một lần tại nhiều trạm thu phí khác. Việc này càng khiến dư luận băn khoăn, tăng thêm thêm nghi ngờ có yếu tố lợi ích nhóm.

"Phải chăng BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và nhiều trạm thu phí khác đang là cái "rốn" thu tiền nên ai cũng muốn bảo vệ, che giấu để hưởng lợi?", GS Đặng Đình Đào chất vấn.

Từ những bức xúc trên, GS Đặng Đình Đào kiến nghị Bộ GTVT thực hiện thanh tra độc lập tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

"Muốn công khai minh bạch phải thực hiện thanh tra, kiểm toán độc lập tại trạm này. Không nên để Bộ GTVT thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi, tránh những băn khoăn như BOT Ninh Lộc (tỉnh Khánh Hòa). Thanh tra xong, kiểm đếm xong đều không phát hiện sai phạm nhưng vẫn chưa thể khiến dư luận yên tâm, tin tưởng hoàn toàn", vị GS nói rõ.

Điều lạ lùng tại BOT Pháp Vân: Có che giấu gì?

Phải quy trách nhiệm rõ ràng

Cũng bày tỏ bức xúc chung, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, những lùm xùm tại trạm BOT Pháp Vân là kết quả của quá trình làm dự án chưa minh bạch.

"Dự án bộc lộ bất cập ngay từ khâu làm dự án, xây dựng dự án, quản trị dự án dẫn tới việc dự án phải bán cho người này, nhượng cho người kia. Đó là trách nhiệm của Bộ GTVT", ông Liên nói rõ.

Theo ông Liên, tất cả những vấn đề như xây dựng, vận hành, quản lý cho tới các dự báo về lưu lượng phương tiện qua lại tăng hay giảm, mức phí điều chỉnh thế nào đáng lẽ đều nằm trong phương án tài chính được xây dựng trước. Việc này thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT.

"Rõ ràng là do Bộ GTVT không quan tâm một cách đầy đủ, thiếu cơ chế giám sát, trong khi đó lại có xu hướng thiên vị, thân thiện với nhà đầu tư,mới dẫn tới sự bất ổn, lộn xộn tại các trạm BOT. Bộ GTVT phải nhìn nhận trách nhiệm và phải xử lý minh bạch, triệt để việc này", ông Liên nói.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bot-phap-van-se-giam-phi-va-thoi-gian-tin-duoc-khong-3382324/