'BOT làm đúng thì nhân dân không phản đối'

Việc xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT là cần thiết. Song, việc triển khai như thế nào để hiệu quả và chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người trả phí giao thông là điều quan trọng nhất.

BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hiện nay.

"BOT Cai Lậy nếu đúng thì dân không phản đối"

Chiều 17.10, báo Pháp luật TPHCM phối hợp với cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Logistics tổ chức hội thảo "BOT - Từ góc nhìn đa chiều".

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính kinh tế, cho biết những nước đang phát triển rất cần đầu tư hạ tầng, vì vậy cần nhiều nguồn lực.

Do đó, BOT là mô hình được nhiều nước trên thế giới phát triển từ những nước Bắc Mỹ cho đến châu Âu và châu Á. Tại Đài Loan hạ tầng giao thông cực kỳ phát triển và đây là đất nước khá thành công khi đầu tư theo hình thức BOT.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (thứ hai từ trái qua) - chuyên gia tài chính kinh tế chia sẻ tại hội thảo.

Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia thất bại về BOT, như Mexico có trên 50 dự án được triển khai rầm rộ, nhưng không có tính nghiêm túc nên chỉ có vài dự án thành công, số còn lại Chính phủ Mexico phải “ôm” lên tới 8 tỉ USD.

“BOT là mô hình thích hợp cho các nước đang phát triển, nhưng để thành công phải có tính chuyên nghiệp khi lập dự án”, ông Hiển nói.

Dẫn chứng các dự án BOT ở Việt Nam mang lại hiệu quả, ông Hiển cho biết, cao tốc TPHCM - Trung Lương hay cao tốc TPHCM - Long Thành – Dầu Giây đã kết nối được TPHCM với các tỉnh miền Tây và miền Đông, đem lại lợi ích lớn cho xã hội.

“Tuy nhiên cũng có BOT mà theo tôi là sai như BOT Cai Lậy, bởi nếu nó đúng thì nhân dân không phản đối”, ông Hiển nói.

Để tránh người dân và doanh nghiệp phản ứng về BOT, ông Đinh Thế Hiển cho rằng phải chọn những dự án trọng điểm để hiệu quả và chặt chẽ. Việc đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người trả phí giao thông là điều quan trọng nhất.

“Chúng ta không lợi dụng tính cần thiết của BOT mà làm tràn lan, nhiều tuyến đường tính không kỹ càng làm tăng gánh nặng cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và người dân” – ông Hiển nói.

Thiếu kinh nghiệm trong BOT Cai Lậy

Tại hội thảo, trả lời câu hỏi nguyên nhân tài xế phản ứng tại một số dự án BOT, giải pháp nào tốt nhất để giải quyết hài hòa? Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, năm 2016, Thủ tướng đã có tổng kết các dự án BOT cho thấy trước đây khi triển khai các dự án BOT thì lúc đó luật chưa có, chỉ dựa Nghị định 108/2007/NĐ-CP năm 2007 của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (thứ hai từ trái qua) phát biểu tại hội thảo.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Nhật, khi triển khai các dự án BOT, tất cả các đơn vị đều chưa có kinh nghiệm trong tất cả các vấn đề. Ví dụ BOT Cai Lậy thay vì phải lấy ý kiến của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chỉ lấy ý kiến của Tiền Giang.

“Từ năm 2016, Bộ GTVT đã dừng 13 dự án, hiện tôi đã tiếp 112 đoàn Thanh tra Chính phủ, kiểm toán, Đoàn giám sát của Quốc hội… và có tới 108 kết luận. Chúng tôi cho kiểm toán và rà soát hết các dự án BOT theo Chỉ thị 35 của Chính phủ. Đối với những dự án không đạt tiến độ, kém chất lượng thì khâu nào sai, khâu đó chịu trách nhiệm trong 1 công trình có các khâu thiết kế, thi công, giám sát.”

Đối với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết dự án này không phải BOT mà vay của Nhật.

"Hiện tuyến cao tốc này thanh tra đang vào kiểm tra xem hư hỏng chỗ nào, do thiết kết hay tư vấn, thi công… Về chất lượng, trước mắt Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Chúng tôi không đùn đẩy cho ai”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.

MINH QUÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/bot-lam-dung-thi-nhan-dan-khong-phan-doi-636624.ldo