BOT lại mệt vì… tiền chẵn!

Mấy tháng trước BOT Cai Lậy từng hỗn loạn vì tài xế trả tiền lẻ, cách phản ứng được nhiều người đánh giá là văn minh này khiến chủ đầu tư phải đóng cửa trạm một thời gian. Hôm qua (30/11) sau một thời gian im ắng, BOT Cai Lậy hoạt động trở lại. Lần này cánh tài xế vẫn dùng tiền để phản ứng nhưng đó là những tờ tiền Việt Nam đồng có mệnh giá lớn nhất.

Nỗi khổ mà các nhân viên trạm thu phí phải đếm tiền lẻ cũng không khác mấy so với nhiệm vụ phải lục tìm và đếm thật kỹ mấy trăm nghìn đồng tiền thối lại. Hiệu ứng “làm khó” của tờ tiền mệnh giá lớn không thua kém những đồng tiền lẻ bị vò lại bỏ vào chai nhựa.

Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) tiến hành thu phí trở lại sau 3 tháng xả cửa cho xe qua. Ảnh: PLO

Lần đầu tiên thu phí đường bộ phải được bảo đảm bởi lực lượng an ninh, đó chẳng khác nào “cố đấm ăn xôi”, bất chấp tất cả miễn thu được tiền. Làm cách ấy chỉ có nhà đầu tư được lợi, còn vô vàn cái hại khác cơ quan chức năng và người dân phải gánh chịu.

Có thể bạn quan tâm

Trả tiền lẻ qua BOT là phạm luật?

05:13, 09/10/2017

Từ Bắc chí Nam trạm BOT rất nhiều nhưng không phải nơi nào người ta cũng phản ứng dữ dội như ở Cai Lậy. Đây không còn là vấn đề làm sao để thu được tiền, tránh “bể kèo” với nhà đầu tư mà là bài học làm sao để được lòng dân chúng. Bán lòng tin của dân chúng để lấy vài nghìn tỷ đồng chẳng khác nào đem mớ tôm đổi lấy vài con tép.

Chuyện tính toán mật độ đặt trạm không phải đến bây giờ mới được đặt vấn đề nhưng đó là chìa khóa để giải quyết sự chống đối, thậm chí người ta còn nghi ngại có bóng dáng của lợi ích nhóm đằng sau cái gọi là “đầu tư, khai thác, chuyển giao”. Từng có lời giải thích thiếu tiền cho đền bù giải tỏa BOT Cai Lậy, nhưng nếu bỏ tiền để an yên dân chúng cũng đáng đồng tiền bát gạo.

Bản thân BOT là một loại hình dịch vụ ra đời từ hợp tác giữa nhà nước và nhà doanh nghiệp. Nếu dùng lực lượng vũ trang để buộc người dân phải móc túi là hết sức phản cảm. Nó chẳng khác nào một sự ép buộc và người ta cũng có lý do để tự vấn phải chăng lực lượng an ninh mà người dân đóng thuế để nuôi dưỡng lại đứng về phía số ít doanh nghiệp!?

Người dân phải được lắng nghe nhiều hơn chứ không phải chỉ nhìn vào túi tiền của họ. Vì chỉ có người dân mới là đối tượng sau cùng quyết định sự tồn tại của BOT. Là khách hàng sử dụng dịch vụ nên đương nhiên có quyền mặc cả đắt, rẻ. Và vì không còn con đường nào khác ngoài đường BOT nên họ mới chọn cách phản đối.

Người ta có đủ cách thức dùng tiền để thu được tiền nhưng cái giá phải trả không thể tính được bằng tiền. Mấy tháng nay những rắc rối mang tên BOT khiến xã hội xôn xao bàn tán, đó là nguồn cơn của những luồng dư luận không tốt về hình ảnh của cơ quan chức năng.

Để giải quyết những rắc rối liên quan đến BOT không thể thiếu bàn tay của Bộ GTVT. Còn nếu để người dân và doanh nghiệp tự xử thì hậu quả không lường trước được. Nhưng trên hết vẫn phải làm sao cho hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Hoàng Giang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/bot-lai-met-vi-tien-chan-121091.html