Bớt khô cứng, tăng hiệu quả

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường phổ thông được Sở GD-ĐT tăng cường triển khai những năm học gần đây đã mang lại tín hiệu tích cực trong xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, giảm bớt tình trạng học sinh vi phạm pháp luật.

TS tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em kết nối TP.Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Đồng Nai về chủ đề phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: C. Nghĩa

TS tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em kết nối TP.Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Đồng Nai về chủ đề phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: C. Nghĩa

Sau những giờ học trên lớp, học sinh Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành) còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động kỹ năng bổ ích khác như: câu lạc bộ (CLB) âm nhạc, tiếng Anh, bóng rổ, pháp luật... Các hoạt động này vừa giúp thư giãn tinh thần, vừa tăng cường sự kết nối giữa các nhóm học sinh với nhau.

* Tăng kết nối

Vào cuối tuần ở Trường THPT Long Thành đều có từ 1-2 CLB kỹ năng duy trì hoạt động đều đặn. Thành viên các CLB đến tham gia sinh hoạt rất sôi nổi và hào hứng. Nguyễn Hoàng Trọng là học sinh lớp 10 của trường cho biết: “Em mới được “kết nạp” vào CLB âm nhạc của trường nhờ biết chơi đàn guitar từ khi còn là đội viên sinh hoạt tại Nhà thiếu nhi huyện Long Thành. Được cùng các anh chị trong CLB tập luyện và biểu diễn trong các buổi sinh hoạt khiến em rất phấn khích và thoải mái”.

TS tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em kết nối TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Học sinh hiện nay vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng, do đó các em rất dễ bị tổn thương. Điều này có trách nhiệm từ gia đình và cả nhà trường. Các em chưa tìm được sự đồng cảm và chia sẻ của người lớn và chưa thực sự được người lớn quan tâm. Do đó, muốn các em có kỹ năng cần phải có sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía, tạo cơ hội cho các em trải nghiệm thực tế”.

Nói về những hữu ích đem lại từ các CLB, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành Từ Ngọc Long cho biết: “Các CLB kỹ năng đều do học sinh lập ra bằng niềm đam mê. Nhiều thầy cô cũng tham gia rất nhiệt tình cùng các em. Có những buổi sinh hoạt gần như 100% học sinh và giáo viên tham dự như: phiên tòa giả định hay bán hàng gây quỹ từ thiện… Hoạt động này không chỉ giúp môi trường học tập trở nên nhẹ nhàng, thân thiện hơn mà học trò cũng trang bị thêm được các kỹ năng, tăng tính kết nối, tránh được các tệ nạn xã hội”.

Trường THCS Trường Sa (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) dù mới thành lập được hơn 2 năm nay nhưng luôn được đánh giá là điển hình về các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh. Mỗi lớp học ở ngôi trường này đều có một tên gọi rất đặc biệt và ý nghĩa. Ngoài số thứ tự lớp bằng số, mỗi lớp đều được gắn với tên một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, như lớp 6/1 Tốc Tan, lớp 7/1 Sinh Tồn… Tên lớp học đã giúp học sinh hiểu hơn về quần đảo Trường Sa thiêng liêng mà ngôi trường được vinh dự mang tên.

Em Phạm Thị Bảo Ngọc, học sinh lớp 7/1 Sinh Tồn chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về truyền thống để chúng em tham gia như: thi làm báo tường, thi kể chuyện về Trường Sa, kể chuyện về Bác Hồ… Những hoạt động này không chỉ giúp chúng em yêu hơn môn Lịch sử mà còn thêm yêu Tổ quốc”.

Trong khi đó, tại Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, một ngôi trường ngoài công lập tại phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), hoạt động giáo dục kỹ năng sống luôn được chú trọng. Cô Đỗ Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Để có những buổi sinh hoạt kỹ năng sống thực sự sinh động, nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm về nói chuyện. Nhờ chuyên gia vừa có kiến thức chuyên sâu lại có kỹ năng truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu nên các em theo dõi và đặt nhiều câu hỏi, chia sẻ ý kiến và quan điểm cá nhân mà bình thường chưa mạnh dạn trao đổi với thầy cô của mình”.

* Không để khoảng trống kỹ năng

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho rằng, hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, kỹ năng sống cho học sinh ngày càng có vai trò quan trọng, giúp các em thêm trưởng thành và tự tin. Nếu không làm tốt công tác này thì nguy cơ học sinh bị lôi kéo, kích động theo những thông tin xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước có thể xảy ra. Những nguy cơ này là có thật khi trên mạng xã hội luôn đầy rẫy các thông tin xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch chống phá mà không phải em nào cũng đủ tỉnh táo nhận ra.

Theo Sở GD-ĐT, năm học 2019-2020 Sở đặt ra mục tiêu có trên 700 ngàn lượt học sinh từ tiểu học đến THPT được tham gia các buổi sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống. Nội dung trọng tâm được Sở hướng đến cho các em là kỹ năng tham gia mạng xã hội, phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em, tác hại của ma túy…

Theo nhiều thầy cô làm cán bộ quản lý giáo dục, lứa tuổi học sinh THCS-THPT có mức độ tiếp cận với internet, mạng xã hội ở mức cao, trong khi đó kỹ năng còn thiếu, vì vậy rất dễ bị ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý, đạo đức, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.

Bà Đỗ Thanh Tâm, cán bộ phụ trách giáo dục chính trị tư tưởng học sinh thuộc Văn phòng Sở GD-ĐT cho rằng, cần phải tăng cường giáo dục kỹ năng tiếp cận internet cho học sinh, giúp các em chủ động tiếp cận với những thông tin tích cực và từ chối “click” vào các thông tin tiêu cực. Nhà trường cần dành những khoảng thời gian nhất định để tổ chức sinh hoạt kỹ năng sử dụng mạng xã hội, hay thầy cô cũng cần tham gia vào mạng xã hội, coi đó là kênh nắm bắt tâm lý, tư tưởng của học sinh. Việc thầy cô tham gia mạng xã hội cùng với học sinh còn là cách dẫn dắt và bảo vệ kịp thời các em trên môi trường ảo nhưng luôn có thật những mối nguy hiểm.

Ngay trong đầu năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT tổ chức hoạt động tập huấn giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho trên 800 cán bộ quản lý các trường trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn bao gồm nhiều hoạt động giáo dục trong trường học như: giáo dục chính trị tư tưởng, an ninh mạng, tâm lý học đường, phòng chống ma túy, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống bạo lực học đường, hướng nghiệp… Sau khi tập huấn, các cán bộ quản lý sẽ là những báo cáo viên về truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho học sinh của đơn vị mình.

Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) sinh hoạt kỹ năng phối hợp nhóm. Ảnh: C.N

Theo Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh, có những kỹ năng hiện nay không chỉ học sinh cần mà chính cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo cũng rất cần được trang bị đầy đủ, trong đó có kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Bởi thực tế có những thông tin xấu, thông tin trái chiều được phát tán công khai dễ nhận diện, nhưng cũng có những thông tin được “cài cắm” rất tinh vi để đầu độc người sử dụng mạng xã hội mà không “tỉnh” sẽ khó nhận ra. Nếu người sử dụng, nhất là học sinh mức độ nhận thức còn chưa đầy đủ, sẽ rất dễ tin, từ đó bị lôi kéo kích động.

Bà Đỗ Thanh Tâm cho biết thêm, trong năm học này Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục mời các chuyên gia ở 7 lĩnh vực có liên quan đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh về tận các trường phổ thông để tổ chức các buổi sinh hoạt. Những trường nằm ở vùng sâu, vùng xa, trường có đông học sinh sẽ được ưu tiên tổ chức trước.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201909/giao-duc-ky-nang-song-trong-truong-hoc-bot-kho-cung-tang-hieu-qua-2965317/