BOT Hòa Lạc - Hòa Bình: Đang mất tiền tỷ vì 1km đường

Theo chủ đầu tư, tình hình xả trạm kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công ty và đời sống cán bộ, nhân viên và công tác liên quan. Được biết, trung bình 1 ngày trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình thu được khoảng 230 triệu đồng.

Người dân tập trung phản đối việc thu phí tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình gây ách tắc và mất trật tự ATGT. Ảnh: PV

Người dân tập trung phản đối việc thu phí tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình gây ách tắc và mất trật tự ATGT. Ảnh: PV

Đi vài trăm mét cũng phải mất phí

Liên tiếp những ngày qua, hàng trăm người dân thuộc 2 xã Yên Quang và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) tụ tập tại trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình phản đối chính sách thu phí. Hàng chục ôtô dừng đỗ ở cả 6 làn thu phí (4 làn ôtô, 2 làn xe thô sơ) khiến giao thông quanh khu vực tê liệt.

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, lý do người dân địa phương tiếp tục phản đối bởi nhà đầu tư chỉ giảm 50% cho các chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân nằm trong phạm vi bán kính 5 km của trạm thu phí. Ông Lê Văn Điệp (xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn) cho biết, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được xây mới hoàn toàn. Tuy nhiên khi đường chạy ngang qua khu vực xóm Văn Minh, xã Yên Quang lại đè lên tỉnh lộ 446 trước nay người dân vẫn sử dụng khoảng hơn 1 km. Đáng nói, ở đoạn đường đè lên này, nhà đầu tư đã cho đặt trạm thu phí, tạo thành thế độc đạo, khiến phương tiện nào cũng phải đi qua và trả phí oan.

“Trạm thu phí cắt đôi xóm Văn Minh, UBND xã, trường học, trạm y tế nằm ở phía bên kia. Giờ chúng tôi muốn đưa con đến trường hay đi đâu dù chỉ vài trăm mét cũng phải mất phí. Cả đi và về là 34.000 đồng rất tốn kém”, ông Điệp cho biết.

Trong khi đó, phần đường còn lại của tỉnh lộ 446 xuống cấp nghiêm trọng cũng khiến người dân bức xúc. Theo người dân địa phương, trong quá trình thi công cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, nhà đầu tư đã sử dụng đường 446 để vận chuyển nguyên vật liệu, gây xuống cấp. “Họ nói thi công xong sẽ hoàn trả tỉnh lộ 446 đẹp hơn, tuy nhiên đến nay vẫn không làm gì”, ông Nguyễn Minh Hợp, người dân xóm Văn Minh nói.

Quan sát tại tỉnh lộ 446 đoạn qua huyện Kỳ Sơn, phóng viên dễ dàng bắt gặp nhiều điểm đã xuống cấp nặng. Mặt đường mấp mô, bị cày nát tạo thành nhiều ổ voi, ổ gà, bề mặt lại xuất hiện nhiều đá sỏi cỡ lớn, gây mất an toàn giao thông. “Cháu tôi sang năm đi học lớp 1, tôi tính xin cho nó học trường làng thay vì ra ngoài xã. Trường xã nằm trên đường 446 khó đi quá, ngày mưa thì nước ngập, người lớn đi còn trơn ngã, nắng thì mịt mù bụi, rồi ổ voi, ổ gà, nguy hiểm lắm”, bà Tuyết, người dân xóm Văn Minh bày tỏ.

Theo ghi nhận của phóng viên chiều 16/6 tại trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, dưới thời tiết nắng nóng, người dân không còn tập trung ở trạm thu phí để phản đối như những ngày đầu tuần. Tuy nhiên họ vẫn đỗ ô tô tại khu vực soát vé của trạm thu phí và căng thêm hai tấm băng rôn với khẩu hiệu “Trả lại đường 446 cho dân”. Các phương tiện lưu thông qua trạm sẽ đi vào làn dành cho xe thô sơ và không phải trả phí. Một số nhân viên soát vé vẫn túc trực, xung quanh không còn sự xuất hiện của lực lượng chức năng.

Lo ngại vỡ phương án tài chính

Tỉnh lộ 446 qua huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, chính sách miễn giảm giá vé được Bộ GTVT và UBND tỉnh Hòa Bình họp và thống nhất thực hiện, nhà đầu tư làm đúng quy định đang được áp dụng cho nhiều tuyến BOT khác. Tuy vậy, trước tình hình mất an ninh trật tự, ATGT tại Km 17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 881 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép người dân trong vùng dự án được hưởng lợi và được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc địa phận huyện Kỳ Sơn và Trạm Km 42+730 tuyến Quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Lương Sơn đối với toàn bộ phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật, trong khu vực 5km xung quanh trạm BOT.

Phương án 2 cho riêng Trạm Km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình là xây dựng hoàn trả tuyến đường 446 để người dân đi lại được thuận lợi. Tuy nhiên, phương án 2 này khó có thể thực hiện vì theo nhà đầu tư, khu vực đó có một bên là vực, một bên là núi cao nên không thể có chi phí xẻ núi xây hoàn trả đường cũ cho người dân.

Theo ông Bát, Trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình trung bình 1 ngày thu được khoảng 230 triệu đồng. Trước tình hình xả trạm kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công ty và đời sống cán bộ, nhân viên và công tác khác liên quan. Nhà đầu tư này cũng lo ngại, việc liên tiếp phải xả trạm, không thu phí được có thể ảnh hưởng, làm vỡ phương án tài chính.

Đề nghị miễn vé của người dân địa phương là hợp lý

Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, ông Trần Đăng Ninh (Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hòa Bình) thừa nhận đề nghị của người dân về việc miễn vé qua trạm là hợp lý. Bởi trạm BOT này được quyết định đầu tư từ lâu nhưng lại có hơn 1 km trùng vào đường 446 của tỉnh khiến người dân trong khu vực này đi lại khó khăn. Đây là tuyến độc đạo, người dân muốn đi tỉnh lộ 446 phải qua trạm thu phí này.

Cũng theo ông Ninh, đây không phải lần đầu tiên người dân chặn đường tại trạm BOT này để phản đối chính sách thu phí. Trước đó họ từng tập trung phản đối nhưng tỉnh vẫn chưa giải quyết triệt để.

Hiện tại, UBND tỉnh Hòa Bình có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng xin ý kiến về việc thu phí qua trạm BOT tại Km 17+100. Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng cho phép miễn vé đối với người dân trong vùng dự án khi qua 2 trạm BOT trên. Một phương án khác được tỉnh Hòa Bình đưa ra là xây dựng hoàn trả tuyến đường tỉnh 446 để người dân đi lại được thuận lợi.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bot-hoa-lac-hoa-binh-dang-mat-tien-ty-vi-1km-duong-20190617202102645.htm