BOT giao thông không lẽ cứ tù mù?

Khi những trạm BOT Bến Thủy, Cai Lậy… dậy sóng, nhiều nhà đầu tư BOT giao thông thực ra có chút tiếc nuối.

Bởi lẽ, người ta hoàn toàn có thể tránh được những sự cố ấy nếu thu phí không dừng được áp dụng từ trước. Nếu thu phí không dừng, thì có lẽ các tài xế đã không “dám” đứng ì một chỗ và làm cho các trạm thu phí BOT tắc nghẽn đến mức phải… xả trạm. Và đương nhiên, những lùm xùm trong câu chuyện BOT giao thông đã không “nổi tiếng” đến vậy.

Trạm thu phí cao tốc Long Thành - Dầu Giây

Trạm thu phí cao tốc Long Thành - Dầu Giây

Nên nhớ rằng, ngay từ tháng 3-2015, việc thu phí không dừng ở các trạm BOT giao thông đã được thử nghiệm tại trạm thu phí Tasco Quảng Bình, đặt ở Km604 quốc lộ 1A qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. Những ưu điểm của thu phí không dừng lúc đó được lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận. Nhưng cũng phải hơn 1 năm sau, Cục Đăng kiểm Việt Nam mới thí điểm dán thẻ E-tag cho các xe ôtô để triển khai thu phí không dừng cho quốc lộ 1 và 14. Những tưởng mọi chuyện sẽ có thể suôn sẻ, nhưng sự thực không phải vậy.

Mới đây, khi vụ cướp 2.2 tỷ đồng ở trạm BOT Dầu Giây xảy ra, thì Tổng cục Đường bộ mới vào cuộc. Bởi rõ ràng số tiền mà những “anh cướp” cướp được quá chênh lệch so với báo cáo của trạm BOT này.

Nhưng phải nói ngay, việc “ngán” áp dụng công nghệ thu phí không dừng chính là biểu hiện của việc sợ công khai, minh bạch. Mà việc không công khai, minh bạch lại bắt đầu từ việc chủ trương đúng đắn về BOT, đặc biệt là BOT giao thông đã không được công khai ngay từ đầu. Xét về bản chất, thì BOT giao thông đang dùng vốn của xã hội, tài sản quốc gia. Lẽ ra nó phải được công khai, minh bạch. Mặt khác, khi chủ đầu tư BOT ký hợp đồng dự án với nhà nước, thì thực ra, Nhà nước cần phải công khai, minh bạch. Bởi hai thành tố quan trọng được dùng để triển khai các dự án BOT giao thông chính là vốn ngân hàng và đất đai.

Nói như TS Nguyễn Sĩ Dũng có hai “cổ đông” lớn là người dân và các doanh nghiệp vận tải bị chủ đầu tư và cơ quan nhà nước phớt lờ khi triển khai các dự án BOT giao thông. Rõ ràng nếu Nhà nước, cơ quan đại diện cho lợi ích quốc gia phải lấy ý kiến của mọi cổ đông để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Nhưng rất tiếc, các hợp đồng BOT giao thông thậm chí còn quy định “nghĩa vụ chung của các bên tham gia hợp đồng” là “không được tiết lộ thông tin đã tiếp cận cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào ngoại trừ nhân viên và cố vấn của bên đó hoặc Bộ GTVT, bên cho vay, trong phạm vi cá nhân hoặc tổ chức đó cần thiết phải yêu cầu được biết các thông tin đó để thực hiện nhiệm vụ”. Chính những điều này khiến cho thời gian, mức phí được áp dụng tại các trạm BOT không được minh bạch theo đúng quy định.

Đây cũng chính là nguồn cơn khiến cho việc giám sát của người dân và những cơ quan chức năng khác đối với các dự án BOT giao thông theo đúng định hướng “tăng cường giám sát, phản biện” mà Bộ Chính trị ban hành đã lâu. Khi ngay chính cả các hợp đồng BOT giao thông còn tù mù, thì rõ ràng công nghệ thu phí không dừng là một nguy cơ đối với các dự án BOT này.

Vì những lợi ích thực sự của BOT đối với phát triển đất nước, không thể để BOT nói chung và BOT giao thông nói riêng mãi… tù mù!

Đại Dương

Bạn đang đọc bài viết BOT giao thông không lẽ cứ tù mù? tại chuyên mục Tâm điểm của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/bot-giao-thong-khong-le-cu-tu-mu-145809.html