'Bốt gác của ngài Trump' ở Ba Lan

Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Warsaw đang tăng cường tập trung quân về phía Đông. Xe tăng và máy bay trực thăng đang xích lại gần Nga

Ảnh: DPA / Zentralbild / ZB / Báo chí toàn cầu

Ảnh: DPA / Zentralbild / ZB / Báo chí toàn cầu

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vừa có chuyến bay tới Washington và đã gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông trở thành chính trị gia nước ngoài đầu tiên được phép vào Nhà Trắng kể từ khi xảy ra đại dịch coronavirus.

Ông Duda đã thỏa thuận, hay đúng hơn là yêu cầu phía Mỹ để lại phần lớn quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Đức tiếp tục phục vụ ở Ba Lan. Hiện tại, có 35 nghìn lính Mỹ ở Đức, Mỹ quyết định để lại 25 nghìn. Theo đó, 10 nghìn quân sẽ được rút khỏi Đức.

Một số sẽ trở về Hoa Kỳ. Phần còn lại - khoảng 6-8 nghìn sẽ được chuyển đến các nước châu Âu. Ông Duda hy vọng rằng phần lớn số quân Mỹ này - khoảng 4 - 6 nghìn người - sẽ được điều đến Ba Lan. Cùng với số binh lính của quân đội Hoa Kỳ hiện đang có mặt ở Ba Lan, quân số lính Mỹ sẽ tăng lên khoảng 10-12 nghìn người.

Theo Warsaw, Ba Lan sẽ được "giao trọng trách" là đối tác quân sự chính của Hoa Kỳ ở châu Âu và sẽ là người bảo vệ chính cho châu Âu tránh khỏi “sự xâm lược” của Nga.

Trước thềm chuyến thăm, ngày 23 tháng 6, Tổng thống Duda đã tổ chức một cuộc họp báo. Trên thực tế, đó là một chiến dịch quảng cáo, vì cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào hôm Chủ nhật tại Ba Lan.

Trong cuộc họp báo, sự chú ý đặc biệt được tập trung vào sự phát triển mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ. Đỉnh cao của mối quan hệ đó là phải xây dựng trên lãnh thổ Ba Lan (bằng tiền của Ba Lan) “Bốt gác của ngài Trump”. Và chính ông Duda đã nghĩ ra cái tên ngoạn mục này.

Khi tổng thống Ba Lan lần đầu tiên nói với người đồng nghiệp Mỹ về sáng kiến này, ông Trump đã bật cười hồi lâu. Tuy nhiên, ông Duda khẳng định lại điều đó và ông Trump không còn cười nữa mà bắt đầu suy nghĩ về đề xuất này.

“Đây là tên gọi của một hành động chính trị - quân sự cụ thể mà chúng tôi đã thực hiện và đang muốn thực hiện, và tôi cũng đã đề xuất với Tổng thống Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện của Mỹ ở Ba Lan, nhất là ở sườn phía đông của NATO cả về các đơn vị quân sự và lực lượng, lẫn cơ sở hạ tầng.

Chính vì thế chúng tôi gọi đó là “Bốt gác của ông Trump”. Xin lưu ý rằng hiện nay ở Ba Lan có nhiều vị trí đang có sự hiện diện của lính Mỹ, ở đó có cơ sở hạ tầng để cho lính Mỹ phục vụ.

Vì vậy, tôi có thể mạnh dạn nói rằng “Bốt gác của ông Trump” không phải là tên gọi của một căn cứ quân sự theo nghĩa đơn thuần, mà là tên gọi chung cho các hành động làm tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan, được thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ngài Donald Trump”, - ông Andrzej Duda nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, điều đó chưa hoàn toàn chính xác. Ba Lan đã có kế hoạch xây dựng căn cứ để triển khai một sư đoàn xe bọc thép của Mỹ với đầy đủ cơ sở hạ tầng với giá 1,5-2 tỷ USD.

Nghĩa là, không chỉ có các cấu trúc quân sự sẽ được dựng lên, mà còn có cả các tòa nhà dân sự để phục vụ không chỉ cho quân nhân Mỹ, mà còn cho cả các thành viên trong gia đình họ.

Bệnh viện, trường học cho trẻ em, cửa hàng và các tổ chức khác cần thiết cho sự tồn tại bình thường của người Mỹ, những người khá kén chọn về điều kiện sinh hoạt.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Duda và Tổng thống Trump, Mỹ không vội vàng đồng ý ngay việc xây dựng “Bốt gác của ông Trump”. Tuy nhiên, việc bố trí lại binh lính Mỹ ở Đức sẽ ảnh hưởng đáng kể đến Ba Lan.

Quyết định của ông Trump rút quân khỏi Đức, được đưa ra vào đầu tháng 6, thoạt nhìn, hoàn toàn có vẻ là mang tính cảm xúc – chỉ là để trừng phạt Berlin.

Thứ nhất, bởi vì Đức không đáp ứng yêu cầu tăng ngân sách quân sự lên mức 2% GDP. Thứ hai, Đức tiếp tục hợp tác tích cực với Nga, nhất là, trong dự án Nord Stream-2.

“Đức đã trả tiền tỷ cho Moscow về năng lượng, và chúng tôi phải bảo vệ người Đức khỏi Nga? Đây quả là một tình trạng lộn xộn!”, ông Trump đã phát biểu vài ngày trước khi gặp Duda. Và ông đã trích dẫn ví dụ về Ba Lan, quốc gia đã dựa vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.

Có một động lực khác, đó là kinh tế. Ba Lan sẵn sàng hỗ trợ quân đội Mỹ bằng tiền của mình. Điều này, đối với một doanh nhân chuyên nghiệp như ông Trump, tất nhiên sẽ là một luận chứng nặng cân.

Mặt khác, Hoa Kỳ không thể trực tiếp đưa ra lý do chính cho việc chuyển đội ngũ quân đội Mỹ sang Ba Lan, mặc dù điều hiển nhiên là việc NATO tiến sang phía Đông có nghĩa là tiến gần sát hơn với lãnh thổ của Nga.

Và Ba Lan sẽ là đối tượng phù hợp nhất để làm điều này, vì Ba Lan là nhà nước chống Nga chính tại châu Âu, thường được thể hiện trong các tuyên bố của các chính trị gia Ba Lan.

Vào tháng 9 năm ngoái, tại New York, trong hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Duda và ông Trump đã ký một tuyên bố về phát triển hợp tác quân sự, trong đó có chỉ ra vị trí đóng quân mới của Mỹ, được cho là sẽ chuyển đến Ba Lan vào mùa Hè này.

Tuy nhiên, công việc đã bị ngăn cản bởi dịch coronavirus và văn bản được ký tại New York, mà đúng hơn, là một thỏa thuận hợp tác không mang tính bắt buộc. Vì vậy, bây giờ văn bản này phải được chuyển sang mức độ chỉ thị.

Tại Poznan sẽ đặt trụ sở của nhóm hỗ trợ Lực lượng Mặt đất về lãnh thổ ở Ba Lan. Cũng như bộ chỉ huy chịu trách nhiệm luân chuyển Lực lượng Mặt đất ở Châu Âu.

Ở khu West Pomeranian, trên một thao trường với diện tích 340 km vuông sẽ mở rộng trung tâm huấn luyện chiến đấu chung của Ba Lan và Hoa Kỳ.

Sân bay quốc tế Copernic ở Vroslav sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng để tiếp nhận máy bay vận tải quân sự hạng nặng, đặc biệt, sẽ xây dựng thêm một đường băng bổ sung.

Một phi đội máy bay không người lái do thám và tấn công sẽ được chuyển từ Miroslawiec đến khu vực Lodz. Căn cứ không quân này cũng được sử dụng cho các chuyến bay của máy bay chiến đấu F-16.

Tại Povidze, khu Velikopolsky đang chờ đợi sự xuất hiện của lữ đoàn trực thăng tấn công từ Đức về và một tiểu đoàn hoạt động đặc biệt nữa.

Ngoài ra, một kho thiết bị quân sự của Mỹ đang được xây dựng tại Povidze, thuộc danh mục “Những hàng hóa được lưu trữ trước của Quân đội Hoa Kỳ-2”. Người ta cho rằng kho này sẽ lưu trữ thiết bị cho lữ đoàn xe tăng.

Ngoài ra, còn một đơn vị của lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ đóng quân ở thành phố Lubliniec của khu Silesian.

Các đơn vị xe tăng hiện nay đang được triển khai ở phía Tây Ba Lan. Tuy nhiên, Ba Lan đang yêu cầu Mỹ điều các đơn vị này về phía Đông. Vì vậy, có rất nhiều khả năng là các lực lượng rút ở Đức về sẽ được bố trí gần biên giới Nga.

Có thể hiểu rằng Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả bằng cách tăng cường biên giới phía Tây và Warsaw lại sẽ ngay lập tức kêu gào về việc Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ba Lan. Đó là câu chuyện đã xảy ra trong nhiều năm qua.

Tất Thịnh (Theo “Svobodnaia pressa”)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/bot-gac-cua-ngai-trump-o-ba-lan-3409570/