BOT đường thủy thay cầu Rạch Miễu 2: Băn khoăn tận thu

Nếu làm bến phà BOT thay cầu Rạch Miễu 2 thì cần lựa chọn vị trí thích hợp, tránh việc tận thu dẫn đến doanh nghiệp, người dân bức xúc.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT giữa tháng 1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đề xuất, có thể làm bến phà qua sông Tiền trong lúc chờ đợi xây cầu Rạch Miễu 2.

Theo ông Trọng, việc xây cầu Rạch Miễu 2 nếu thuận lợi thì mất ít nhất 5 năm nữa mới hoàn thành. Để giải quyết tình trạng kẹt xe trong thời gian này thì có thể mở bến phà BOT với kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Vị trí bến phà tạm thời sẽ được đặt tại bến đò Song Thuận, cách cầu Rạch Miễu khoảng 10km. Phía Tiền Giang sẽ nối vào đường DT 864, phía tỉnh Bến Tre sẽ nối vào quốc lộ 57B.

Phà Rạch Miễu khi còn hoạt động nhiều năm trước.

Phà Rạch Miễu khi còn hoạt động nhiều năm trước.

Ngày 18/1/2020, trao đổi với Đất Việt về đề xuất trên, ông Trần Cao Hưng, thành viên Hiệp hội Vận tải tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc xây dựng phà qua sông Tiền thay thế cầu Rạch Miễu 2 trong thời gian ngắn là điều khả thi. Tuy nhiên, việc thực hiện theo hình thức BOT thì không hợp lý bởi có thể dẫn đến tình trạng tận thu, gây bức xúc.

"Hiện tại, các phương tiện chủ yếu qua cầu Rạch Miễu là những xe có tải trọng lớn. Trong khi sức chở của phà có hạn nên chỉ nên tập trung dồn xe máy qua phà còn xe ô tô vẫn qua cầu bình thường" - ông Hưng đề xuất.

Theo ông Hưng, vị trí đặt trạm thu phí qua phà BOT cũng là điều đáng quan tâm. Nếu điểm thu phí đặt cách điểm xây dựng phà quá xa sẽ khiến cho người dân có cảm giác tận thu.

"Tôi cho rằng, nếu làm phà thì cứ quay trở lại với việc mua vé như ngày xưa đã từng áp dụng tại các bến phà qua sông Tiền. Khó có thể thu hơn được, vì đây cũng chỉ là phà tạm để chờ cầu Rạch Miễu 2 xây dựng" - ông Hưng bày tỏ.

Trong khi đó, ông Trần Đức Bảy, chủ một doanh nghiệp vận tải tỉnh Bến Tre thì cho rằng, việc làm phà sẽ khó khả thi bởi khó có thể giải quyết được tình trạng kẹt xe qua cầu Rạch Miễu hiện tại.

"Lưu lượng xe qua cầu là rất lớn, trong khi phà thì không giải quyết được bao nhiêu lượng xe. Trong khi đó, thời gian đầu tư theo hình thức BOT quá ngắn có thể xảy ra xung đột lợi ích của các nhà đầu tư cầu Rạch Miễu và phà với nhau" - ông Bảy nói.

Từ đó, ông Bảy cho rằng, nếu có thể thì UBND tỉnh Bến Tre và Tiền Giang có thể bỏ kinh phí để xây dựng phà. Hiện nay, Bộ GTVT vẫn có một số phà không sử dụng, các tỉnh có thể nhận bàn giao số phà này từ Bộ GTVT để quản lý và sử dụng. Như thế chi phí đầu tư sẽ giảm xuống, kéo theo giá vé giảm. Điều đó người dân cũng dễ chấp nhận hơn.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bot-duong-thuy-thay-cau-rach-mieu-2-ban-khoan-tan-thu-3395434/