Bớt định kiến về quan lại miền Bắc xưa

Nghiên cứu của nhà sử học Pháp Emmanuel Poisson cho thấy có nhiều điểm tiến bộ của bộ máy hành chính quan và lại ở miền Bắc VN thời kỳ 1820 - 1918.

Tổng đốc Lạng Sơn Vi Văn Lý và con trai Vi Văn Định - Ảnh chụp lại trong sách

Nhà sử học Pháp Emmanuel Poisson đã công bố một đoạn viết của ông Hoàng Trọng Phu trong cuốn sách Quan và lại ở miền Bắc VN - một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 - 1918) của mình. Cuốn sách do Công ty Nhã Nam và NXB Tri thức thực hiện vừa ra mắt tuần qua tại Hà Nội.

Trong đoạn viết đó, ông Hoàng Trọng Phu, Hiệu trưởng Trường Hậu bổ, có mối quan tâm rõ rệt tới tầng lớp thương nhân và sự phát triển thương mại. Từ năm 1898, ông Phu mong muốn tạo một tầng lớp dạy kế toán để một số học sinh có thể đi vào kinh doanh. “Càng theo việc kinh doanh, những ông quan giàu có sẽ không màng đến những vị trí thấp kém mà ngạch cai trị có thể đem đến cho họ. Do hoạt động kinh doanh, họ có thể có thêm thu nhập đồng thời góp phần xây dựng đất nước phồn vinh”, ông Phu viết.

Tiến bộ trong khoa cử là một trong những điểm nổi bật của hệ thống quan lại miền Bắc thời bấy giờ. Theo thạc sĩ Lê Huy Hoàng (ĐH Sư phạm 1 Hà Nội), qua các tư liệu trong sách, có thể thấy việc đào tạo, khoa cử đã có những nội dung thúc đẩy thương mại. “Đến đời Nguyễn, khoa cử không chỉ là khảo về kinh nghĩa, hỏi tứ thư ngũ kinh hay bình luận câu trong sách cổ”, ông Hoàng nói. Trong cuốn sách của Emmanuel Poisson, có nhiều câu chuyện có thể thay đổi nhận định về quan lại phong kiến như vậy.

Cố dịch giả Đào Hùng đã viết trong lời giới thiệu rằng một bộ máy cai trị tồn tại được qua ngàn năm, huy động được nhân tài vật lực, lãnh đạo được nhân dân qua nhiều cuộc chống ngoại xâm thắng lợi phải có những điểm tốt, cần được tìm hiểu với thái độ thực sự cầu thị.

Cuốn sách dựa trên phân tích một nguồn sử liệu dồi dào. Số lượng tài liệu tác giả tham khảo: 1.271 bản lý lịch các quan và lại viên ở các tỉnh miền Bắc VN; hầu hết báo cáo của các công sứ, thống sứ Bắc kỳ, thư từ trao đổi, biên bản xử án... trong một thời kỳ kéo dài mấy chục năm.

Tư liệu phong phú, nền tảng lý luận mới

Theo ông Lê Huy Hoàng, tác giả tập trung vào giai đoạn 1820 - 1918 vì tư liệu phong phú và đó là giai đoạn chuyển tiếp giữa xã hội mới và xã hội cũ. Ở thời kỳ đó, có cả việc nhà nước phương Tây bước vào xã hội VN, cũng có cả tư tưởng duy tân, trong đó có phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nó làm rõ các mâu thuẫn giữa tập trung quyền lực và bè cánh. Chẳng hạn, các vua Nguyễn đã ứng xử thế nào để sử dụng được các sĩ phu Bắc Hà mà không ảnh hưởng sĩ phu miền Trung.

Emmanuel Poisson đã công bố một số tư liệu cho thấy, nhiều quan lại cho rằng thái độ hợp tác của họ với nhà cầm quyền thuộc địa cốt để duy trì một nền cai trị thực sự phục vụ đất nước. Ông lấy ví dụ về trường hợp quan phụ chánh Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902). Sau khi bị đánh giá là phản quốc, gần đây người ta có xu hướng đánh giá lại vai trò của ông. Ông Hợp là người đã yêu cầu nhà cầm quyền Pháp chọn người giỏi đã đỗ ra làm quan; lo lắng đến việc củng cố bộ máy nhà nước, mở cửa và ngoại giao, buôn bán...

“Có những người làm quan có tư tưởng mạnh mẽ như Nguyễn Trường Tộ, đặt ra vấn đề đừng kêu gọi không tham nhũng nếu lương thấp. Hoặc Đặng Xuân Bảng cải cách bằng giáo dục, đưa tư tưởng cải cách kinh tế vào giáo dục. Hoàng Cao Khải cũng hay bị “ném đá” nhưng ông ấy cũng cải cách, đưa vào nội dung thi mới... Có cả Nghiêm Xuân Quảng cáo quan để mở công ty, giờ ta gọi là start up. Đó là ví dụ để thấy hệ thống quan lại không chỉ bảo thủ”, ông Hoàng nói.

Nhà nghiên cứu David W.Del Testa (tạp chí The Journal of Asian Studies) cho rằng cuốn sách có thể trở thành nền tảng cho các đề tài nghiên cứu khoa học mới.

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/bot-dinh-kien-ve-quan-lai-mien-bac-xua-973787.html