Bớt di chuyển giùm!

Nhìn lịch trình di chuyển của một số bệnh nhân vừa dương tính với SARS-CoV-2 mà thật sự ái ngại.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Nếu như một vài bệnh nhân ở những ngày đầu phát hiện đợt dịch lần thứ tư này di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau thì còn có thể hiểu được vì không biết mình đang dương tính với SARS-CoV2.

Thế nhưng, nhiều bệnh nhân vừa mắc Covid-19 được công bố mới đây, dù đã biết đất nước đang có dịch, mình lại trở về từ những vùng có dịch, mà vẫn đi lại như con thoi thì thật đáng trách. Nhất là khi số người này, nhìn lịch trình đi lại của họ, hoàn toàn không phải quá cần thiết.

Nếu không phải di chuyển trong một không gian rộng như vậy thì cũng chả ảnh hưởng gì đến công việc quan trọng cả. Chỉ là đi chơi thôi mà để bao nhiêu người phải vắt chân lên cổ chạy truy tìm dấu vết.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá sơ bộ nguyên nhân bùng phát đợt dịch rất nghiêm trọng lần này, một phần là do chính quyền một số nơi đã chủ quan.

Điều đó không sai nhưng chưa đủ, mà phải nói thêm rằng, bản thân mỗi người dân còn quá thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Nhiều người về từ vùng có ca dương tính nhưng vẫn đi chơi tung tăng khắp nơi dù đã được ngành y tế thông báo bằng đủ cách; hoặc có người từ vùng dịch Đà Nẵng mà vẫn vào Quảng Ngãi để dự đám cưới rồi đi thăm thú nhiều nơi thì quá thiếu ý thức rồi.

Sau đợt dịch bùng phát tại Hải Dương hôm Tết vừa rồi, ngành y tế và Ban phòng chống dịch vẫn luôn khuyến cáo người dân nên chấp hành nghiêm thông điệp 5K “Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người và khai báo y tế”.

Thế nhưng, chỉ cần không chấp hành một trong 5 điều quy định trên đây là dịch sẽ quay trở lại. Hàng loạt các điểm khởi phát dịch trong những ngày qua có nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân chung là tụ tập đông người, cụ thể là hát karaoke và đến các quán bar.

Nhưng nếu số người đi hát karaoke bị dương tính với SARS-CoV-2 ấy mà ít đi lại thì việc lây lan sẽ được hạn chế rất nhiều. Vì vậy, ngoài 5K trên đây, còn cần phải bổ sung là không nên đi lại quá nhiều khi không cần thiết nữa.

Thống kê của ngành y tế cho biết, cứ 100 ca dương tính thì cần 5.000 chỗ cách ly F1 và từ 100.000 đến 200.000 mẫu xét nghiệm phải làm. Thế cho nên, ở Ấn Độ, ngày nào cũng phát hiện hàng trăm nghìn ca dương tính thì việc rơi vào khủng hoảng là điều hiển nhiên.

Đi lại là nhu cầu của con người, nhất là thời buổi mà các phương tiện hỗ trợ cho việc di chuyển rất dễ dàng này thì nhu cầu ấy lại càng tăng. Tuy nhiên, đó là nói khi đất nước không có dịch bệnh.

Nhưng một khi cả nước đang đứng trước những khó khăn trong chống dịch thì mỗi người “ngồi yên” nếu không quá cần thiết phải di chuyển, thì cũng là một cách góp phần chống dịch hiệu quả vậy.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bot-di-chuyen-gium-GYq2ZyCGR.html