BOT: chọn tăng phí đối với từng dự án

Bộ GTVT vừa đưa ra phương án điều chỉnh phí BOT đường bộ trong bối cảnh nhiều dự án đang khai thác bị sụt giảm doanh thu. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mới đưa tin 'Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết hiện trong số 49 dự án BOT đường bộ đang khai thác, có 26 dự án doanh thu sụt giảm.

Bộ đang tính phân nhóm các dự án này, trong đó có 10 trạm sụt giảm lớn sẽ nghiên cứu tính toán phương án điều chỉnh”, và lộ trình tăng phí được dự kiến từ nay đến 2021 (https://enternews.vn/dieu-chinh-phi-bot-tai-10-tram-sut-giam-lon-153319.html).

 Đã có nhiều thông tin về việc các dự án khai báo doanh thu sai, lợi dụng chính sách để thu lợi cá nhân và lợi ích nhóm. Ảnh minh họa Thành Hoa

Đã có nhiều thông tin về việc các dự án khai báo doanh thu sai, lợi dụng chính sách để thu lợi cá nhân và lợi ích nhóm. Ảnh minh họa Thành Hoa

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong năm tháng đầu năm 2019, tổng mức thu phí ở 61 dự án trên cả nước là 5.665 tỉ đồng, tức bình quân hơn 1.000 tỉ đồng/tháng; tổng lượng xe qua các trạm hơn 112 triệu lượt. Riêng trong tháng 5, số tiền thu phí đạt 1.121 tỉ đồng, lưu lượng xe qua trạm là 21,7 triệu lượt.

Nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho đây là mức thu cao, nhưng phần lớn nhà đầu tư thì vẫn kêu lỗ so với chi phí đầu tư và số tiền lãi vay phải trả quá lớn.

Thế nhưng cũng đã có nhiều thông tin về việc các dự án khai báo doanh thu sai, lợi dụng chính sách để thu lợi cá nhân và lợi ích nhóm, thiệt hại đẩy cho Nhà nước và người dân. Sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 222 năm thu phí (https://vov.vn/kinh-te/dan-co-phai-tra-tien-oan-cho-222-nam-thu-phi-o-61-du-an-bot-khong-917538.vov).

Thật ra, mỗi dự án đều có những đặc điểm riêng về chủ thể, tình hình kinh doanh, sự tuân thủ pháp luật, nguyên nhân sụt giảm doanh thu, mức độ rủi ro, thuận lợi, khó khăn... Do vậy, nếu cho tăng phí BOT thì cần dựa trên những đánh giá cụ thể từng dự án mà quyết định tăng phí.

Đối với các dự án sụt giảm mạnh doanh thu, trước hết cần làm rõ nguyên nhân và công khai minh bạch các thông tin liên quan đến hợp đồng cùng các khoản thu chi trong dự án. Dự án nào kém hiệu quả, doanh thu giảm do lỗi nhà đầu tư quản lý yếu kém thì họ phải tự khắc phục. Cũng không nên cho tăng phí đối với các dự án đã có kết luận báo cáo sai doanh thu hoặc không tuân thủ các quy định, yêu cầu mang tính bắt buộc. Sau khi làm rõ và minh bạch thông tin, tất nhiên cần cho tăng phí theo hợp đồng đối với các nhà đầu tư tuân thủ pháp luật, kinh doanh chân chính.

Đã đến lúc phải mạnh tay với các trạm thu chưa áp dụng công nghệ tự động, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi người tiện theo dõi. Hoặc nên chăng không cần tới sự tự giác của chủ đầu tư, Nhà nước cũng có thể đầu tư hệ thống tự động này để chủ động quản lý: giám sát giao dịch, minh bạch nguồn thu, trích xuất hình ảnh, dữ liệu khi cần… Chi phí đầu tư sẽ khấu trừ trong phương án thu hồi vốn của nhà đầu tư hoặc lấy trực tiếp trên doanh thu tại trạm BOT. Sau khi kết thúc thu phí tại dự án này, hệ thống có thể được di dời để tái sử dụng cho dự án khác.

Đối với những dự án BOT sắp tới, phương án kiểm soát tài chính, siết trần lãi suất phải ngay từ ban đầu, trước khi ký hợp đồng. Hơn nữa, cần chọn nhà đầu tư tiềm lực với nguồn vốn tự có lớn, hạn chế vốn vay thương mại để giảm rủi ro đội vốn cho dự án và nợ xấu cho ngân hàng, thu hút thêm các nguồn vốn như trái phiếu công trình, góp vốn xây dựng…

Trần Văn Tường

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291271/bot-chon-tang-phi-doi-voi-tung-du-an-.html