BOT Cai Lậy ngày ấy, bây giờ

Câu chuyện BOT Cai Lậy (trên QL1A, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được 'hâm nóng' trở lại khi tỉnh Tiền Giang đang đề nghị phương án xây thêm trạm thu phí trên tuyến tránh, hoạt động song song với trạm hiện hữu. Ghé lại BOT Cai Lậy những ngày này, chúng tôi cảm nhận tâm trạng chờ đợi của mọi người. Nhưng chờ đợi điều gì?

 BOT Cai Lậy hiện nay.

BOT Cai Lậy hiện nay.

Làm ăn khó khăn

Tôi đã có mặt ở BOT Cai Lậy trong những ngày đầy sóng gió, khi nơi đây thường xuyên xảy ra ùn ứ xe kéo dài, khói bụi luôn đậm đặc bầu không khí, luôn đinh tai nhức óc vì tiếng còi xe, tiếng người… Là tuyến đường huyết mạch nối miền Tây với TP.HCM, xe cộ trên QL1 luôn dày đặc, vì vậy khi các tài xế dùng “tiền lẻ” và các chiêu trò khác để “câu giờ” tại điểm bán vé, hai bên trạm BOT Cai Lậy tức thì xảy ra ùn ứ xe kéo dài. Khi xảy ra ùn ứ xe ở trạm, các tài xế thi nhau bóp còi inh ỏi đòi xả trạm. Để rồi, mỗi khi BOT “thất thủ” phải xả trạm, những chiếc xe phóng vù qua trạm, tài xế cũng nhấn còi inh ỏi như vui mừng, như để xả stress. Cứ thế, “xả” trạm rồi đóng trạm, có khi mỗi ngày cả chục bận, những chiếc xe dừng chờ hay thong dong qua trạm đều nhấn còi thâu đêm, suốt sáng.

Bà B, chủ một quán nước ngay gần BOT Cai Lậy cho biết, trong những ngày "sóng gió" ấy, đứa con nhỏ của bà phải về sống tạm bên nhà bà ngoại để yên tĩnh mà học bài, chứ ở đây suốt ngày đêm nhức đầu vì tiếng còi xe, vì khói bụi, chẳng học hành gì được. Nhưng bù lại, những ngày ấy quán nước của bà luôn đông khách, cả ngày lẫn đêm. “Từ khi dừng thu phí, tôi buôn bán ế ẩm vì chẳng có ai dừng xe lại trạm. Chỉ có xe qua lại trạm vẫn bóp kèn inh ỏi, chẳng ngủ nghê gì được”, bà B chia sẻ. Bây giờ tôi mới để ý, dù trạm tạm dừng thu phí nhiều tháng qua, xe qua lại đây chạy ào ào, nhưng như một thói quen, nhiều tài xế cũng nhấn còi. Còn bà T, một chủ sạp bán lạp xưởng gần đó cho biết, vợ chồng bà “đón gió” trạm BOT đã mua đất cất nhà gần trạm, rồi mở quầy bán đặc sản cho khách qua đường như lạp xưởng, sầu riêng, bánh kẹo… “Ngày ấy tuy ồn ào, mất ăn mất ngủ nhưng buôn bán được. Bây giờ xe qua đây chạy thẳng, buôn bán ế ẩm!”. Tôi thử đếm, ở hai bên BOT Cai Lậy có hơn 10 sạp bán lạp xưởng, thịt heo, trái cây, bánh kẹo… cùng khoảng con số đó các quán nước ven đường. Hầu hết đều vắng khách, buôn bán ế ẩm, nhưng họ vẫn kiên trì bám nghề như nấn ná chờ đợi thời cơ làm ăn sẽ quay trở lại như đã từng.

Đêm trắng BOT Cai Lậy

Đến BOT Cai Lậy, tôi không thể không ghé thăm bà, một người đã bất ngờ trở nên nổi tiếng nhờ BOT Cai Lậy. Bà tên là Nguyễn Thị Mỹ Tỉnh (50 tuổi) nhưng mọi người biết đến bà với cái tên “Bà Tám BOT Cai Lậy”. Bà là chủ một quán nước (bán kèm lạp xưởng, bánh kẹo, trái cây…) cách Trạm thu phí chừng vài trăm mét về hướng Cần Thơ. Khi ghé quán bà, tôi mới hiểu vì sao nhiều tài xế khi chạy xe ngang trạm đều nhấn còi. Đó là lời chào của cánh tài xế, họ thông báo cho bà Tám BOT biết họ đang chạy xe ngang qua. Đáp lại, bà cũng chạy ra đường đưa tay vẫy chào lại họ, khi trở vào bà khoe với tôi đó là một “bạn hữu” nào đó. Họ là những người từng ở quán bà trong những ngày “sóng gió” ấy. Tôi để ý, chỉ trong khoảng 30 phút trò chuyện với tôi, bà đã có gần 10 lần rời khỏi ghế ngồi chạy ra trước quán vẫy chào các tài xế. Vì vậy mà câu chuyện giữa bà và tôi luôn bị ngắt quãng, gãy vụn.

Bà Tám nổi tiếng vì chuyện đã lo chỗ nghỉ ngơi, cơm nước miễn phí cho hàng trăm tài xế từ các nơi đến đây để ủng hộ chuyện đòi xả trạm. Càng nổi tiếng hơn khi sau đó bà được Công an xã Bình Phú (huyện Cai Lậy) mời đến trụ sở làm việc liên quan đến chuyện trước đó vài ngày có một người lạ mặt đến quán nước của bà và biếu cho bà số tiền 10 triệu đồng và bà không nhận. Bà Tám cho biết, bà ủng hộ anh em tài xế vì thấy họ vì “chuyện chung” vượt đường xa tới đây, không chỗ nghỉ ngơi, ăn ở vật vạ hết ngày tới đêm. Sẵn quán rộng rãi, bà giăng võng cho anh em nằm nghỉ, rồi nấu cơm, nấu cháo đãi anh em. Bà làm hoàn toàn vì sự đồng cảm, không lấy của ai đồng nào.

Tôi đã có một đêm chiếm 1 chiếc võng trong tống số vài chục chiếc trong quán bà. Đêm ấy, không cần biết tôi là ai, tài xế hay nhà báo, có mặt ở BOT với nhiệm vụ gì, nhưng khi bước vào quán Bà Tám BOT là tôi được mời ăn uống miễn phí, có cả nước ngọt, trái cây. Thỉnh thoảng một chiếc xe ghé ngang quăng xuống trước quán thùng nước suối, thùng bia, bọc trái cây, rồi chạy thẳng, không nói một lời. Một chiếc xe chở vịt từ miền Tây về hướng TP.HCM ghé lại quán thả xuống cả chục con vịt “cho anh em nấu cháo bồi dưỡng”. Kỳ lạ hơn, một chiếc xe mang biển số TP.HCM chở đến 4 con heo, loại chừng 30kg/con “cho anh em cháo khuya”...

Vì nằm ở quán Bà Tám suốt cả đêm, tôi đã thuộc lòng “chiến thuật chiến lược” của các tài xế. Mỗi khi phía Trung tâm Điều hành Trạm BOT Cai Lậy (cách quán bà Tám khoảng 300 mét, phía bên kia trạm) triển khai lực lượng chuẩn bị thu phí, cũng là lúc các tài xế triển khai “lực lượng”. Khi các thanh chắn của trạm hạ xuống để bắt đầu thu phí, vài ba chiếc xe âm thầm rời quán bà Tám đến đậu chặn tại nơi thu phí. Để rồi các “chiêu” quen thuộc được các tài xế giở ra: Trả tiền lẻ, đòi thối lại đúng số tiền thừa; đòi xem các giấy tờ có liên quan đến việc thu phí, mà phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng; dừng xe tại trạm để… đi tiểu; xe chết máy không khởi động lại được... Chỉ trong ít phút, xe đậu kéo dài hai bên trạm, rồi tiếng còi xe inh ỏi vang lên. Cùng lúc, hàng trăm người, chủ yếu là cánh tài xế, vây quanh các ca bin thu phí, yêu cầu đòi “xả trạm”. Cuộc giằng co thường kéo dài 5 – 10 phút, cuối cùng là các thanh chắn phải nâng lên, xe phóng vun vút qua trạm, nhấn còi inh ỏi.

Ghé lại BOT Cai Lậy, tôi tình cờ gặp lại một cô gái xinh đẹp và dễ thương (xin không nêu tên) từng là nhân viên bán vé tại trạm. Cô gái đến trạm để “thăm chừng” xem chừng nào trạm hoạt động trở lại. Ngày ấy, trước “một đống” tiền lẻ của các tài xế, cô vẫn tươi tỉnh làm nhiệm vụ, trên miệng luôn nở nụ cười. Từ khi trạm tạm dừng hoạt động, cô tạm thời ngừng việc, bạn bè rủ đi làm nơi khác, nhưng cô không đi, muốn làm ở đây cho gần nhà, phụ giúp được ba mẹ. Cô gái mong muốn mọi chuyện sẽ ổn định, “sóng lặng gió yên” để cô được làm việc gần nhà.

Cùng chung tâm trạng ấy, bà B (quán nước) và bà T (sạp lạp xưởng) cũng mong cho trạm hoạt động trở lại để họ làm ăn thuận lợi. Còn “bà Tám BOT Cai Lậy”, bà cũng theo dõi tình hình và biết BOT Cai Lậy có khả năng sẽ xây thêm trạm trên tuyến tránh và cùng thu phí song song cả 2 trạm. Bà nôn nao chờ đợi đến ngày đó, vừa vì chuyện làm ăn, vừa có khả năng sẽ được gặp lại anh em “bạn hữu” ở khắp nơi.

Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/bot-cai-lay-ngay-ay-bay-gio-634179.ldo