Bọt biển chống dầu loang trên biển

Những sự cố tràn dầu đang là vấn đề toàn cầu. Hàng trăm vụ tràn dầu nhỏ ảnh hưởng đến các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Trên biển, sự cố tràn dầu cực kỳ nguy hiểm, hơn cả trên đất liền.

Chúng có thể lan rộng hàng trăm hải lý và tạo thành một lớp mỏng bao phủ các bãi biển. Chim biển, động vật có vú hoặc động vật có vỏ chạm vào dầu, sau đó có thể chết vì nuốt phải nó. Dầu cũng khiến cá voi, cá heo không thể thở; phủ lên lông chim khiến chúng không thể bay và chết vì quá nóng; ảnh hưởng hệ sinh thái lâu dài. Theo Bách khoa toàn thư về nước, chất thải dầu đầu độc các bề mặt hữu cơ biển, ven biển nhạy cảm, làm gián đoạn chuỗi thức ăn mà cá và sinh vật biển phụ thuộc.

Một vụ dầu loang trên biển

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học North West, Illinois (Mỹ) công bố phát minh ra loại bọt biển thông minh có thể hút các vết dầu loang trên đại dương nhưng không hề thấm nước. Nó có thể hấp thụ lượng dầu hơn 30 lần trọng lượng của nó và sau đó được tái sử dụng tới vài chục lần. Bí mật của miếng bọt biển nằm ở lớp phủ nanocompozit oleophilic kỵ nước. Lớp phủ hóa học này cho phép khai thác dầu từ nước một cách dễ dàng, có nghĩa là quá trình này có thể biến bất kỳ miếng bọt biển thông thường, rẻ tiền nào thành một miếng bọt biển thông minh.

Vikas Nandwana, chuyên viên tại Đại học North West, mô tả các tấm bọt biển này được bọc thành cuộn có chiều rộng khoảng 1m, chiều dài không giới hạn. Các tấm bọt biển được sử dụng như miếng thấm để che các bãi biển sau sự cố tràn dầu, có thể “khắc phục những sự cố tràn dầu rất kinh tế, hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn bất kỳ giải pháp hiện đại nào hiện nay”.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bot-bien-chong-dau-loang-tren-bien-665807.html