Bọt bèo vương miện ao làng

Đem danh hiệu hoa hậu ra khoe nhưng mọi người ngơ ngác nhìn nhau tự hỏi, đó là cuộc thi nào vậy, sao giờ mới nghe tên? Ác nỗi, danh hiệu nào cũng vô cùng 'oách xà lách', nổ đùng đoàng với nào là 'quốc tế', nào là 'toàn cầu', nào là 'thế giới'!

Phải nhờ đến bộ ảnh khoe thân cực lố lăng ở Đà Lạt, người ta mới biết Thư Dung là Á hậu 2 Hoa hậu Du lịch Sinh thái Quốc tế 2018 kiêm Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu 2017. Với công chúng, cả hai cuộc thi "vĩ đại" này đều lạ huơ lạ hoắc. Rồi cũng nhờ đoạn clip trả lời ứng xử khá hài hước của Phi Thanh Vân trên mạng, người ta mới biết cô nàng dao kéo này đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ năm 2017.

Những danh hiệu to vật vã như trên không phải là hiếm trong làng showbiz. Nếu dự các sự kiện giải trí, một rừng hoa hậu dập dìu được xướng tên khiến công chúng hoang mang không biết ai là ai, cuộc thi nào với cuộc thi nào vì tên gọi của chúng quá giống nhau.

Đến giờ, nhiều người vẫn quen với danh xưng “người mẫu nội y” của Ngọc Trinh chứ không ai nhớ cô là Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu 2011.

Có thể kể ra một loạt như Hoa hậu Việt Nam thế giới, Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu, Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Phụ nữ Sắc đẹp, Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân quốc tế, Hoa hậu Doanh nhân toàn năng châu Á...

Thống kê sơ sơ, mỗi năm, số lượng người đẹp Việt đăng quang hoa hậu lên tới 30 người. Nhiều người thắc mắc, tại sao lại có con số chóng mặt như thế trong khi theo quy định của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, mỗi năm chỉ cấp phép cho hai cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia.

Thật ra, 30 người đăng quang nhưng có tới 28 người đăng quang tại cuộc thi tổ chức ở nước ngoài. Dù mang cái tên cứ tưởng tầm cỡ quốc tế nhưng thật ra, từ thí sinh đến ban tổ chức, ban giám khảo chỉ có lèo tèo vài người là ngoại quốc (thường là khách mời), còn tất tần tật đều là quân "nhà ta". Địa điểm tổ chức thường là Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Nhật Bản…

Tổ chức ở nước ngoài được coi là một mũi tên trúng hai đích vì vừa làm oai, hợp mác quốc tế, vừa lách quy định của cơ quan chức năng trong nước. Các cuộc thi hoa hậu "mác quốc tế, ruột ao làng" như thế cũng muôn hình muôn vẻ. Từ cuộc thi dành cho quý cô đến quý bà, cho người có vẻ đẹp tự nhiên đến người phẫu thuật thẩm mỹ...

Khi nhắc đến những cuộc thi này, người ta sẽ nghe kèm hai chữ quen thuộc: thi chui! Có một dạo mọi người hay hỏi nhau: Tại sao mỗi lần người đẹp xứ mình "thi chui" thì lại đoạt giải cao ở các sân chơi quốc tế, còn người được cấp phép, cử đi đàng hoàng thì thường ra về trắng tay?

Câu trả lời rất đơn giản: đây là những cuộc thi chất lượng kém, uy tín thấp nên có xin phép thì Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng không thể cấp cho mấy nàng đi thi. Phần nữa, đa số các nàng dự cuộc thi kiểu này đều dính thị phi hoặc không đủ tiêu chuẩn nên chẳng thể được cấp phép lên đường. Mà thi thố ở những cuộc thi lôm côm này thì việc giành danh hiệu cao nhất cũng là điều dễ hiểu.

Gái hai con Quế Vân vẫn ngang nhiên ẵm danh hiệu Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Người Việt Hoàn cầu 2013 - sân chơi vốn dành cho quý cô; Thư Dung nói tiếng Anh kém cỏi, ứng xử tệ vẫn giành ngôi vị Á hậu 2 Hoa hậu Du lịch Sinh thái Quốc tế 2018; Julia Hồ - một cô gái nổi tiếng ăn chơi thác loạn, vẫn chễm chệ đội vương miện Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu 2012... là loạt ví dụ điển hình cho thấy "uy tín" của các cuộc thi trên.

Ngoài việc gương mặt đăng quang năm nào cũng khiến công chúng ngán ngẩm thì lùm xùm mua bán giải, chuyện thí sinh tố ban tổ chức thiếu chuyên nghiệp... bủa vây các cuộc thi "mác quốc tế, ruột ao làng" dày đặc. Hầu hết chúng đều không có trang thông tin trực tuyến và rất ít được tìm kiếm trên mạng.

Công tác tổ chức của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu từng bị người mẫu Thúy Hạnh nhận xét giống như đêm nhạc tạp kỹ vì các phần thi trong chương trình quá mờ nhạt, chưa xứng tầm với một cuộc thi hoa hậu. Cuộc thi Hoa hậu Phu nhân Thế giới người Việt từng bị một thí sinh tố ban tổ chức gạ thí sinh mua giải với các mức giá dành cho ngôi vị Á hậu từ 45.000 - 50.000 USD, còn ngôi vị Hoa hậu là 85.000 USD.

Kiểu rao bán danh hiệu cho những cô nàng, quý bà lắm tiền nhưng hám danh, muốn được tôn vinh, vuốt ve nhan sắc khiến sân chơi sắc đẹp trở thành miếng bánh béo bở để khối kẻ nhảy vào tổ chức. Không biết từ bao giờ, nước ta có câu: "Hoa hậu là một nghề". Thậm chí đó là cái nghề vô cùng nhàn hạ, sung sướng, suốt ngày chỉ cần chưng diện, mặt hoa da phấn, ăn nói thanh lịch là vừa có tiếng vừa có miếng.

Ở xứ mình, cái danh hiệu ấy ngang ngửa với ca sĩ hạng A. Danh hiệu càng cao quý thì tiền dự sự kiện càng ngất ngưởng. Năm 2017, người quản lý Hoa hậu T.T báo giá catse dự sự kiện của Hoa hậu này là 5.000 USD, đó mới là chi phí ban đầu, chưa bao gồm các chi phí phát sinh khác như ăn ở, đi lại… Một thí sinh từng hồn nhiên tuyên bố rằng mình tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vì hoa hậu có thể kiếm được rất nhiều tiền.

Từ bộ ảnh phản cảm ở Đà Lạt, nhiều người mới biết Thư Dung là Á hậu 2 Hoa hậu Du lịch Sinh thái Quốc tế 2018 kiêm Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu 2017.

Cái danh hoa hậu cũng làm sang cho các chương trình, sự kiện mà các cô tham gia. Thế nên mới có chuyện nực cười là ở một đám tiệc, MC vẫn dõng dạc đọc danh sách các quý cô, quý bà đoạt danh hiệu lạ hoắc nào đó để lên trình diện thiên hạ. Nhiều cô cố sống cố chết để có danh hiệu hòng dễ bề tấn công vào làng showbiz hoặc thực hiện công chuyện làm ăn, buôn bán.

Ở mảng tối hơn, danh hiệu là cách để lắm cô nâng giá trong hoạt động mua bán dâm. Nhằm đáp ứng nhu cầu, vô số cuộc thi nhan sắc ra đời và biến thành "chợ danh hiệu". Có người ví von, với tay đến vương miện không khác gì mua rau ngoài chợ.

Đông như quân Nguyên mà chất lượng "ao tù nước đọng" nên cái danh hoa hậu từ những cuộc thi này cũng nhanh chóng chìm nghỉm dù báo mạng ra sức tung hô. Nhắc tới Phi Thanh Vân người ta chỉ nhớ tới một "nữ hoàng dao kéo" đầy thị phi chứ chẳng ai nhớ tới danh hiệu Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt. Ngọc Trinh là người mẫu nội y. Đến giờ người ta vẫn nhớ y nguyên danh xưng đó. Lật lại tiểu sử của cô nàng, người ta mới giật mình rằng hóa ra cách đây 7 năm, Ngọc Trinh từng đăng quang vị trí cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu tại Mỹ.

Vì thi chui, nên khi về nước, ngoài án phạt hành chính, nhiều cô còn không được tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trước khán giả và trên các phương tiện truyền thông. Điều này góp phần làm cho danh hiệu ảo tan nhanh như bong bóng xà phòng.

Nếu muốn người ta biết đến, cách thứ nhất là phải làm đủ chiêu trò gây sốc như Thư Dung. Cách thứ hai là phải tích cực khoe và tự khoe. Cánh phóng viên văn hóa giải trí gần như ngày nào cũng nhận vô số email cậy nhờ đưa tin truyền thông, PR cho những hoa hậu "không ai biết" với nội dung đại loại như: "Hoa hậu L.T.T khoe đường cong nuột nà cùng vòng eo 56 với bikini", "Hoa hậu H.T giản dị đội vương miện đón taxi về nhà gây sốt", "Hoa hậu X.T lần đầu đi tiệc với ông xã"...

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho rằng bản chất của cuộc thi hoa hậu không xấu, nó thúc đẩy cô gái hướng đến vẻ đẹp hoàn hảo từ thể xác đến tâm hồn. Rất nhiều hoa hậu trên thế giới là đại diện cho những chương trình, dự án đầy tính nhân văn. Chỉ có điều, có bao nhiêu cuộc thi không bị thương mại hóa, không bị vụ lợi cá nhân che mắt để thông điệp ý nghĩa, mục đích đẹp đẽ được phát huy? Khi vương miện bị xem là mớ rau ngoài chợ thì hoa hậu có còn là danh hiệu để các cô đổi đời?

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/bot-beo-vuong-mien-ao-lang-508365/