BOT Bắc Thăng Long đặt sai chỗ: 3 'đời' lãnh đạo Bộ GTVT vẫn tồn tại?

Hôm qua đã là ngày thứ 9 tài xế và người dân 'cắm chốt' tại trạm BOT Bắc Thăng Long (Hà Nội) yêu cầu xả trạm. Theo đánh giá của liên ngành Công an - GTVT Hà Nội, đây là trạm đặt sai vị trí và cần phải dỡ bỏ. Còn theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, mỗi ngày trạm BOT Bắc Thăng Long có doanh thu lớn hơn nhiều con số nhà đầu tư dự toán.

Thay vì chắn ngang để thu phí hiện các thanh barie bị gác lên trụ bê tông để xe tự do qua lại

Thay vì chắn ngang để thu phí hiện các thanh barie bị gác lên trụ bê tông để xe tự do qua lại

Doanh thu khủng

Với lý do đường làm một nơi, thu phí một nẻo, 10 ngày qua, nhiều tài xế ô tô đã căng băng rôn tuần hành phản đối trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Do lượng phương tiện tập trung tại trạm đông, có nguy cơ mất an ninh trật tự, từ 18/12 đến nay, nhà đầu tư đã phải hạ barie “xả trạm”. Để duy trì việc xả trạm lâu dài, trong suốt gần 10 ngày nay, hàng chục tài xế từ các nơi và người dân sống gần trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã luân phiên dựng lều bạt gần trạm, cắt cử người đến canh trạm. Cảnh tượng trên đã tạo một hình ảnh lạ: trong khi nhân viên trạm BOT ngồi im nhìn phương tiện qua lại thì nhiều tài xế đứng phía sau luôn tay vẫy phương tiện qua trạm không mất phí.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Vietracimex8 (Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng, Bộ GTVT) đặt trên đường Hà Nội để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Với tổng mức đầu tư 531 tỷ đồng, theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng Cục đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư đường tránh Vĩnh Yên, từ ngày 1/9/2009, Vietracimex8 được phép đặt trạm thu phí BOT trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (nay là đường Võ Văn Kiệt) để thu phí hoàn vốn trong vòng 16 năm 10 tháng. Mức phí cao nhất nhà đầu tư được phép thu phương tiện ô tô qua lại cho đến thời điểm hiện tại là 10.000 đồng/lượt với xe dưới 12 chỗ và 80.000 đồng/lượt với xe cỡ lớn. Đến nay, nhà đầu tư đã thu được gần 10 năm.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, qua các lần đếm lưu lượng phương tiện và giám sát doanh thu của cơ quan chức năng, mỗi ngày, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đang có doanh thu trung bình 150 triệu đồng. Trước đây khi chưa có đường Nhật Tân - Nội Bài, theo đơn vị từng giám sát doanh thu tại đây, hằng ngày doanh thu của trạm còn lớn hơn rất nhiều, bởi đây là con đường độc đạo ra sân bay Nội Bài.

Từ con số trên, chúng tôi tạm tính trạm thu phí này đã thu 535 tỷ đồng. Như vậy, với số thu thấp trung bình như hiện nay nhà đầu tư Vietracimex8 chỉ cần 9 năm 11 tháng là thu đủ 531 tỷ đầu tư cho dự án chứ không cần phải đến 16 năm 10 tháng (dư 6 năm 1 tháng) như phương án tính toán thu phí của nhà đầu tư.

Gần 10 năm luẩn quẩn giải pháp

Khẳng định tuyến đường Võ Văn Kiệt là tuyến đường đối ngoại và trạm thu phí hoạt động tại đây là sai vị trí, gây ùn tắc giao thông… từ năm 2009 đến nay, thành phố Hà Nội và đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố nhiều lần đề nghị Bộ GTVT có phương án dỡ bỏ, di dời trạm về đúng tuyến đường dự án. Về việc này, các sở ngành và UBND thành phố Hà Nội đã gửi đi hơn 10 văn bản đề nghị.

Trong các văn bản này, liên ngành Công an - Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc Bộ GTVT ký hợp đồng cho Vietracimex8 là sai vị trí. Gần đây nhất, tháng 6/2018, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tuy nhiên đến nay, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn hoạt động bình thường, thậm chí đơn vị chủ quản còn nhiều lần đề nghị tăng phí cao.

Là chủ ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư, tuy nhiên khi thành phố Hà Nội và đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố đề nghị di dời trạm, nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa có phương án giải quyết, thậm chí ở mỗi nhiệm kỳ, lãnh đạo Bộ GTVT lại có những quan điểm “vênh” nhau.

Cụ thể, sau khi có đề nghị của thành phố Hà Nội, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT làm việc với các bên liên quan để đưa ra phương án phù hợp. Đầu năm 2013, Bộ GTVT có văn bản thống nhất: “Bộ GTVT đã làm việc với các bộ ngành, UBND thành phố Hà Nội và nhà đầu tư, trên cơ sở các buổi làm việc này, Bộ GTVT đã thống nhất phương án, dừng trạm thu phí Bắc Thăng Long từ ngày 1/7/2013. Cùng với đó cho phép nhà đầu tư di chuyển về quốc lộ 2 (đoạn tránh Vĩnh Yên) để tiếp tục thu phí hoàn vốn dự án”.

Lý giải cho quyết định trên, trong thông báo về sự việc gửi đi ngày 6/5/2013, Bộ GTVT cho rằng: “Tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện tại do UBND Hà Nội quản lý theo Luật Thủ đô, UBND thành phố đề nghị bộ xóa bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài để phù hợp với công tác quản lý kết cấu hạ tầng và tránh ùn tắc giao thông vì trạm thu phí nằm trên tuyến đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đi về trung tâm Hà Nội. Đồng thời người tham gia giao thông trên tuyến này rất bức xúc vì không đi trên tuyến tránh Vĩnh Yên (dự án BOT) mà vẫn phải trả phí”.

Vậy nhưng, đến nay đã qua 5 năm với 3 đời lãnh đạo Bộ GTVT và 2 nhiệm kỳ làm việc nhưng trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn tồn tại. Thậm chí, đến nay, khi được chúng tôi đề cập việc di dời trạm theo văn bản đã thống nhất và thông báo của lãnh đạo Bộ GTVT từ năm 2013, lãnh đạo bộ này lại cho rằng, di dời trạm là rất khó.

Lý do là sau khi Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội thống nhất nội dung di dời trạm như trên, nhưng cũng trong năm 2013, Cty mẹ của Vietracimex8 là Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng đã có văn bản gửi thẳng lãnh đạo Chính phủ. Sau đó, Phó Thủ tướng phụ trách thời điểm năm 2013 đã có văn bản chỉ đạo việc thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn phải để nhà đầu tư thực hiện theo hợp đồng.

Yêu cầu nhà đầu tư đối thoại với lái xe

Đề cập đến hướng giải quyết tình trạng trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đang bị tài xế và người dân lân cận vây, buộc “xả trạm” gần 10 ngày nay, trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có giải pháp xử lý.

Chiều 26/12, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi các biện pháp can thiệp của lực lượng chức năng nhằm khôi phục lại hoạt động của trạm chưa hiệu quả, Tổng cục vừa yêu cầu Cty CP BOT Vietracimex8 tổ chức đối thoại với tài xế, chủ các doanh nghiệp vận tải. Theo ông Huyện, chủ trương tổ chức đối thoại, nhà đầu tư có nhiệm vụ nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lái xe, doanh nghiệp vận tải, từ đó đưa ra các phương án tháo gỡ, trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đề cập tương lai của Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài trong thời gian tới, ông Huyện cho rằng, việc thu phí vẫn phải duy trì cho đến khi có chỉ đạo mới từ Bộ GTVT.

Trọng Đảng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bot-bac-thang-long-dat-sai-cho-3-doi-lanh-dao-bo-gtvt-van-ton-tai-1360871.tpo