BOT An Sương – An Lạc: Di dời trạm thu phí đến địa điểm mới sẽ tốt hơn

BOT An Sương – An Lạc thu phí qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 kết thúc vào năm 2017 và giai đoạn 2 thu tiếp đến 2033 vì đầu tư thêm 4 cây cầu vượt. Chuyên gia quy hoạch giao thông cho rằng nên di dời trạm thu phí này đến các địa điểm mới thì sẽ hợp lý hơn là đặt nguyên vị trí cũ.

BOT An Sương - An Lạc nên di chuyển đến hạng mục cầu vượt đầu tư mới này sẽ thuyết phục người dân hơn.

Đầu tư 4 cầu vượt, thu phí thêm 16 năm

Theo hợp đồng ký kết ban đầu với Bộ Giao thông Vận tải, BOT đoạn An Sương - An Lạc đã kết thúc “nhiệm vụ” thu phí vào ngày 31-1-2017.

Tuy nhiên, theo hợp đồng ký với UBND TPHCM, BOT này được phép thu phí đến 2033 vì lý do đầu tư thêm các hạng mục mới.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Ninh - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI) cho biết, IDICO - IDI tiếp tục thu phí BOT An Sương - An Lạc, là để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng 4 công trình cầu vượt tại các nút giao.

Song song với trạm BOT An Sương - An Lạc, chủ đầu tư đặt thêm trạm thu phí tại các hạng mục cầu vượt mới.

BOT An Sương - An Lạc nên di dời đến hạng mục mới

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch giao thông cho rằng, câu chuyện BOT An Sương – An Lạc có những vấn đề cần phải giải quyết để tránh những xung đột đáng tiếc như BOT Cai Lậy.

Theo ông Sơn, để giải quyết mâu thuẫn giữa BOT An Sương – An Lạc với cánh tài xế và người dân hiện nay, cần thực hiện đúng quy định của BOT giao thông là đầu tư ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó.

“Trạm thu phí hiện tại là dùng để thu phí cho đoạn An Sương – An Lạc dài 14km mà trước đây IDICO đã đầu tư xây dựng. Nếu giai đoạn 2 có đầu tư thêm các hạng mục cầu vượt thì nên đặt các trạm thu phí tại đây sẽ thuyết phục được người dân hơn.”- ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng phân tích thêm, cần làm rõ việc đầu tư BOT An Sương – An Lạc qua từng giai đoạn. Đầu tư giai đoạn nào thì thu phí giai đoạn đó và đặt trạm thu phí đúng nơi hạng mục đầu tư.

Không thể nhập nhằng và gộp lại một cục để rồi vẫn sử dụng trạm thu phí của giai đoạn trước để thu phí tất cả các hạng mục của giai đoạn sau, điều này là không hợp lý.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, người dân có quyền bức xúc khi trả tiền cho một BOT giao thông mà họ cảm thấy chưa được minh bạch rõ ràng.

“Cái minh bạch, rõ ràng mà người dân được quyền biết, là tại sao không đặt trạm thu phí tại các hạng mục đầu tư giai đoạn sau mà vẫn giữ nguyên trạm thu cũ để thu?." - GS.TS Nguyễn Trọng Hòa đặt vấn đề và cần sự minh bạch.

Có nhiều phương tiện cho rằng việc thu phí cầu vượt thế này là bất hợp lý, nên đã đi vào làn xe máy để không trả phí.

Chủ đầu tư BOT An Sương - An Lạc nói gì?

Trao đổi với PV, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI) cho rằng, việc thu phí trong giai đoạn này là thu phí các hạng mục của dự án nên không phải tách rời.

Theo lãnh đạo IDICO-IDI việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn Quốc lộ 1 từ An Sương đến An Lạc, quận Bình Tân được phê duyệt 6 cầu và 6 nút giao. Trong đó, các nút giao được Bộ GTVT xác định giai đoạn đầu là nút giao đồng mức và giai đoạn sau là nút giao khác mức.

Việc không xây các cây cầu trong thời gian đầu là vì lưu lượng xe ít. Sau này lưu lượng xe tăng cao nên IDICO-IDI thực hiện giai đoạn 2 là xây cầu. Vì vậy, IDICO-IDI đặt trạm thu phí tại vị trí củ để tiếp tục thu phí các hạng mục mới.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/bot-an-suong--an-lac-di-doi-tram-thu-phi-den-dia-diem-moi-se-tot-hon-646384.ldo