Boris Johnson chiến thắng, quan hệ Nga-Anh nhạt nhẽo

Kết quả bầu cử Anh cuối cùng gọi tên Boris Johnson, Điện Kremlin ngừng kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương.

Thông tấn TASS đưa tin, Người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/12 đã trả lời câu hỏi của báo chí cho rằng, sẽ khó có cơ sở để hy vọng vào việc Anh sẽ thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Liên bang Nga sau khi Đảng Bảo thủ giành số ghế đa số trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12.

Ông Boris Johnson có quan điểm khá cứng rắn trong quan hệ với Nga.

Ông Boris Johnson có quan điểm khá cứng rắn trong quan hệ với Nga.

Ông Peskov theo đó cho rằng, Nga luôn mong muốn chính quyền ở bất cứ quốc gia nào, được lập nên sau cuộc bầu cử đều có thể có mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Tuy nhiên, điều này dường như không xảy đến trong trường hợp Vương Quốc Anh.

Đảng Bảo thủ của Anh vốn không chú trọng cải thiện quan hệ với Nga, đặc biệt là sau vụ đầu độc xảy ra đối với Sergei Skripal - một cựu điệp viên tình báo phản bội Nga - và con gái Yulia, xảy ra hồi tháng 3/2018.

Hai bên đã nhiều lần tố nhau qua lại song London không từ bỏ quan điểm đổ lỗi cho Nga là bên thực hiện vụ tấn công trừ khử Sergei Skripal. Trong khi đó, Moscow lên án việc Anh tiến hành điều tra vụ ngộ độc mà không thông báo cho Nga, bởi vụ việc có liên quan đến một công dân Nga - cô Yulia Skripal.

Quan hệ giữa hai nước có thể sẽ khó mà cải thiện nếu Đảng Bảo thủ Anh tiếp tục cầm quyền.

Theo những diễn biến mới nhất từ cuộc bầu cử Anh, con số thống kê phiếu bầu cuối cùng cho thấy Đảng của ông Boris Johnson đã chiếm tới 365 ghế trong Quốc hội, nhiều hơn cuộc bỏ phiếu lần trước vào năm 2017 tới 48 ghế. Đây được cho là thắng lợi đặc biệt vẻ vang sau chiến thắng của "bà đầm thép" Margaret Thatcher thắng cử năm 1987.

Trong bài phát biểu mới nhất tại tòa nhà Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson tiếp tục tuyên bố đặt Brexit lên hàng đầu.

"Chúng tôi sẽ hoàn thành Brexit đúng hạn vào ngày 31 tháng 1 năm 2020 mà không có 'nếu', 'nhưng' hay 'có thể'" - ông Johnson tuyên bố.

Trong khi đó, Công Đảng Anh có số ghế thấp nhất kể từ năm 1935. Trong một phát biểu, ông Jeremy Corbyn tuyên bố sẽ không lãnh đạo Đảng này tranh cử trong các cuộc bầu cử trong tương lai nữa.

Nhiệm vụ kích hoạt Brexit của ông Boris Johnson sau cuộc tổng tuyển cử có thể thúc đẩy Scotland tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mới để quyết định có đưa Scotland rời Châu Âu hay không. Scotland có thể bất chấp sự phản đối của London để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý này và động thái này của Scotland có thể khiến Tây Ban Nha, một quốc gia đang đau đầu với phong trào đòi độc lập của vùng Catalonia, cũng sẽ có quan điểm dò xét.

Trong một diễn biến liên quan, Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vừa thống nhất việc tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng liên quan đến các vấn đề sáp nhập Crimea và can thiệp vào tình hình miền Đông Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel xác nhận: "Về vấn đề Nga và Ukraine, chúng tôi đã nghe được báo cáo do Pháp và Đức chuẩn bị sau Hội nghị Thượng đỉnh Normandy ở Paris ngày 9/12. Đây là một cơ hội để trao đổi quan điểm về tình hình khu vực và quyết định kéo dài lệnh trừng phạt thêm 6 tháng".

Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu cần phải hoàn thành thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết xung đột ở khu vực Donbas thuộc miền đông Ukraine.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, người luôn ủng hộ Ukraine và tán thành các biện pháp trừng phạt Nga, nói rằng nên duy trì trừng phạt "bởi Nga cần có động lực để đạt được những cam kết trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán". Ông Nauseda cho biết hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Paris hôm 9/12 chỉ là "bước đầu tiên".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây bắt đầu kêu gọi làm "tan băng" quan hệ với Nga, song EU vẫn khẳng định phải thực hiện đầy đủ Hiệp định Minsk 2015 trước khi bình thường hóa quan hệ.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/boris-johnson-chien-thang-quan-he-nga-anh-nhat-nheo-3393285/