Bóng tối da cam - Nỗi lo bao giờ mới dứt

Kháng chiến thành công, những người lính từ chiến trường trở về xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Những đứa con được chào đời, đem lại niềm vui ban đầu với biết bao nhiêu gia đình. Thế nhưng khi chúng càng lớn, càng trở thành nỗi đau cho cha mẹ, khi bóng tối màu da cam đang dần phủ lên tương lai của con cái họ.

Nỗi lo trong từng gia đình

Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông hơn 70 tuổi, khuôn mặt hốc hác vì nhiều đêm mất ngủ. Đó là ông Trần Văn Toàn, khu 3, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả và là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Ông Toàn có cả con trai và con gái, cuộc sống “có nếp, có tẻ”, nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với gia đình ông, khi cả 2 con ông đều là NNCĐDC. Ông tâm sự: Con trai tôi năm nay đã 34 tuổi, con gái 32 tuổi nhưng cũng chừng ấy năm, không mấy đêm vợ chồng tôi có giấc ngủ ngon. Vợ chồng tôi đều đã cao tuổi, lại hay đau ốm, chẳng biết là sẽ sống được bao lâu để chăm sóc các con. Chúng tôi mất đi, chúng sẽ dựa vào đâu khi không tự lo được cho bản thân.

Cô con gái bị bệnh tiểu đường, hàng tháng vợ chồng ông Toàn phải mất nhiều tiền để thuốc thang chữa chạy cho con. Lương hưu của 2 ông bà chi vào thuốc của con gái đã mất hơn nửa. Anh con trai thì ngày ngủ li bì, đêm tối thì thức hát hò, chửi bới, quậy phá. Anh ta còn mắc chứng sợ nước nên rất lười tắm rửa. Có lần ông Toàn đưa cậu con trai đi tắm, thì bị anh ta cầm hòn ngói đập vào đầu. Ôm đầu đau do con trai mình dứt ruột sinh ra đánh, ông Toàn không thấy đau đớn bằng khi nghĩ đến tương lai các con.

Chăm sóc con gái bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở gia đình ông Trần Văn Toàn, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả.

Chăm sóc con gái bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở gia đình ông Trần Văn Toàn, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả.

Các hội viên Chi hội Hội NNCĐDC xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, mới lặng lẽ tiễn đưa người hội viên của mình là ông Trần Minh Điền, thôn Đông Ngũ, xã Đông Ngũ, đến nơi an nghỉ cuối cùng. Vợ ông Điền là bà Hà Thị Thìn, 67 tuổi, bị tiểu đường thường xuyên phải nằm viện, nhưng giờ bà lại là lao động chính trong nhà, để chăm lo 3 cậu con trai bị nhiễm chất độc da cam. Khi đứa con đầu ra đời đã có dấu hiệu không bình thường, vợ chồng ông Điền tính sinh thêm con, biết đâu có đứa khôn để lo cho anh em nó. Thế nhưng niềm hy vọng đó của họ lại được thay bằng nỗi thất vọng khi cả 3 đứa con đều là NNCĐDC. Năm 2015, Hội NNCĐDC huyện Tiên Yên đã phối hợp với Hội NNCĐDC tỉnh hỗ trợ gia đình ông Điền 12 triệu đồng để xây nhà. Vậy là chuyện nhà cửa đã tạm ổn, trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông Điền chỉ lo cho tương lai chủ nhân sống trong ngôi nhà này là các con ông. Đứa lớn nhất đã gần 40 tuổi, không vợ con đã đành, nhưng bản thân chúng cũng không biết làm gì để lo cho cuộc sống của mình. Ai sẽ lo cho chúng khi vợ chồng ông ngày càng già yếu.

Đến nỗi lo của cán bộ Hội NNCĐDC

Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tiên Yên đã có nhiều năm hoạt động khá hiệu quả. Hội có 85 hội viên tuy nằm rải rác ở cả các xã đặc biệt khó khăn, thế nhưng Hội đã không có hội viên nghèo. Hàng năm các hội viên của Hội được nhận 2 lần quà vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thảm họa da cam Việt Nam 10/8.

Từ năm 2016 đến nay, Hội đã hỗ trợ thêm từ 2 đến 6 triệu đồng/người cho 16 trường hợp là hội viên khó khăn khi xây nhà. Nhân Ngày Thảm họa da cam Việt Nam năm nay, Hội đã vận động xã hội hóa giúp 65 hội viên đi khám sức khỏe và được cấp thuốc bổ miễn phí với tổng chi phí 45 triệu đồng. Sở dĩ các hội viên NNCĐDC huyện Tiên Yên được quan tâm như vậy, một phần từ sự năng động của ông Đàm Hữu Tiến, Chủ tịch Hội. Theo ông Tiến thì mọi khoản chi phí chăm lo sức khỏe đời sống hội viên đều do Hội kêu gọi xã hội hóa, vì hàng năm, Hội chỉ được cấp 20 triệu đồng (khoảng 1,6 triệu đồng/tháng) từ nguồn của huyện Tiên Yên để chi phí cho mọi khoản. Với số tiền được cấp như vậy, ngay cả ông Tiến cũng không có phụ cấp hàng tháng mà ông làm việc với tinh thần tự nguyện là chính.

Ông Trần Văn Hường, hội viên Hội NNCĐDC TP Cẩm Phả rất lo lắng cho cuộc sống sau này của con gái mình.

Gặp ông vào đầu tháng 8 này, ông Tiến hồ hởi cho biết, đã lo xong phần quà cho anh em ngày thảm họa da cam Việt Nam năm nay. Khuôn mặt ông rạng ngời vì đã làm được việc có ích cho các hội viên của mình. Theo ông Tiến thì ''chẳng có ai hiểu được nỗi đau da cam bằng chính những nạn nhân da cam, đời còn cho tôi sức khỏe ngày nào thì tôi còn lo cho anh em ngày ấy". Cuộc đời ông đã tiễn đưa bao đồng đội ra đi, không phải vì bom đạn chiến tranh mà vì bệnh tật và tuổi già. Ông đã nhận thấy nỗi lo trong con mắt họ trước lúc lìa đời cho con cái họ. Một thời tuổi thanh xuân, ông Tiến cùng đồng đội xông pha chiến trận, bom đạn ác liệt của chiến tranh không làm họ run sợ. Vậy mà giờ đây trong sự yên lặng của hòa bình, họ lại thấy sợ, khi nỗi đau da cam cứ bám lấy tương lai các con họ.

Những buổi gặp mặt anh em hàng năm trong niềm vui sum vầy, nhưng lại xen lẫn nhiều nỗi buồn, khi thấy các hội viên cứ ngày càng vơi dần, vì năm nào cũng có vài hội viên qua đời vì tuổi tác và bệnh tật. Các mái đầu bạc phơ, giống như những lá vàng phải đùm bọc lá xanh. Vì hiện nay, con cái họ khi được hưởng chế độ chất độc da cam phải là người bị dị dạng, dị tật không tự lực được trong sinh hoạt, nghĩa là những người phải cần đến người khác chăm sóc. Như vậy, những “mái đầu xanh” ngay bản thân chúng còn không lo được, thì làm sao gánh vác được những công việc xã hội như các ông, để lo lắng cho những người cùng gia cảnh với mình.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 6.300 người được xác nhận là đủ điều kiện hưởng chế độ NNCĐDC)/dioxin. Hàng năm, Hội NNCĐDC/dioxin đã vận động quyên góp được hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ nuôi dưỡng hàng tháng cho các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cứng hóa nhà cho các nạn nhân, chăm sóc sức khỏe và xây dựng Trung tâm Giải độc và phục hồi sức khỏe cho các NNCĐDC theo phương pháp Hubbard đem lại hiệu quả cao. Tuy thế mọi cố gắng đều chưa đủ để vơi đi những nỗi lo của những bậc cha mẹ, khi các con cái họ cần có người ở bên cạnh để chăm sóc hàng ngày, khi mà đến nay tất cả họ đều đã già vì tuổi tác và nhiều người đã mất.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/bong-toi-da-cam-noi-lo-bao-gio-moi-dut-2450845/