Bóng thời gian

Một tờ lịch vèo bay - một đi không trở lại - khoảng vắng teo treo cái bóng một ngày.Câu thơ ấy, trong bài 'Xác Thời Gian', tôi viết cách đây một phần tư thế kỷ. Thời gian vô hình mà có bóng. Bóng Thời Gian đổ dài trong ký ức. Bóng Thời Gian chờn vờn trên tờ lịch...

Tờ lịch đầu tiên do tôi làm, gọi nôm na là lịch Rổ rá, đã ra đời cách nay tròn 20 năm - Kỷ Mão 1999. Đó là sản phẩm mở đầu cho “công nghệ lịch thơ”, ấn tượng nhất, đẹp nhất trong toàn bộ mười năm lịch xuân của tôi.

Trớ trêu thay, tôi làm tờ lịch ấy không phải vì một cái gì cao cả sất, chỉ tầm thường vì mưu sinh, kiếm tiền trả nợ...

Bìa lịch 1999 - Cái quạt

Bìa lịch 1999 - Cái quạt

Bóng Thời Gian âm u phủ dài thời hậu chiến gian khổ... Cả nước nghèo khó, có riêng gì nhà tôi, một nhà là sáu mồm ăn/một thi nhân hóa phăm phăm ngựa thồ (Vợ ốm - thơ ND). Lương công chức không đủ sống, hầu như ai cũng phải làm thêm những việc gì đó.

Ông nhà văn Nguyễn Quang Sáng láng giềng chuyên trị “hàng cao cấp”, những kịch phim, kịch nói, kịch cải lương. Có nhà văn ư ử ca cải lương là ổng. Tôi chỉ èng èng việc vặt miễn sao có chút tiền còm, viết tiết mục thuê cho văn nghệ quần chúng, làm báo cấp quận, viết báo thuê cho các công ty, viết kịch bản và lời bình phim tài liệu, làm thơ tình tang đợi mùa báo tết, một câu thơ chống đỡ mấy mạng người (Bán vàng - thơ ND).

Vợ tôi, đêm đêm làm đá cục, sáng sớm đem bỏ cho các quán cà phê, từng nấu rượu nuôi heo trên tầng bốn chúng cư - nâng con lợn lên ngang tầm thời đại...

Trang lịch Mời vợ uống rượu

Bỗng phát hoảng sau một lần xét nghiệm, hàm lượng đường trong máu tôi rất cao, gấp ba lần mức bình thường, nguy cơ biến chứng phá tim gan phèo phổi. Hồi đó, đầu thập niên 1990, dính bệnh tiểu đường coi như dính án tử, chưa biết chết lúc nào. Nhìn cảnh vợ con nhếch nhác đến xót xa, tôi định hướng phải tự diễn biến, giảm rong chơi đàn đúm với tình tang thơ thẩn, tăng chăm lo cơm áo cho gia đình.

Thôi thì, bán bớt đi một ít vàng ròng/ để sống được qua ngày gian khổ đã/phải sống được qua cái thời nghiệt ngã/để khối vàng đây chỉ đổi lấy mây trời... (Bán vàng - thơ ND)

Con chim có tổ con thú có hang, con người phải có nhà chứ. Làm nhà mau kẻo chết! Nhưng đầu tiên, tiền đâu? Tiền ở tay. Mở quán! Tiết canh vịt, thêm vài món nhà quê khoái khẩu, ốc ếch lươn cua thành đặc sản. Sàng lọc dần, còn lại hai món chính có giá trị ngang nhau là nhà thơ chủ quán và vịt. Chuyên doanh tiết canh vịt - Quán Máu.

Thực khách đông ra phết, hầu như toàn hội nhậu thân quen, ai đến cũng ê, chủ quán đâu... rượu! Cả nhà tôi ăn theo quán, mỗi người một việc tíu tít, thức khuya dậy sớm rộn ràng, hàng tháng dành dụm được khoản tiền đẹp như trong mơ. Một hôm chột dạ, chợt thấy mình tự chuyển hóa quá đà, thành tay bồi rượu chuyên nghiệp, giả lả nói cười và say u ám. Cứ thế thì chết, chết vì rượu và chết vì vô cảm. Thôi dẹp! Dẹp!... Làm nhà gấp kẻo chết.

Trang lịch Con rối - Tễu

Tôi tự vẽ mẫu nhà, thuê kíp thợ. Cha con hè nhau chạy mua vật liệu xây dựng. Thiếu tiền, vay ngân hàng, mượn bạn bè mỗi người chút đỉnh. Phải liều thôi, đã từng liều chết, nay liều sống. Một ngôi nhà rộng thùng thình như từ đất mọc lên, bên trong rỗng tuếch chả đồ đạc gì. Rít hơi thuốc lào ngất ngư, tôi lâng lâng ngồi ngắm ngôi nhà trống tuềnh trống toàng nồng mùi vôi vữa mà vừa mừng vừa lo.

Đống nợ lù lù to như cái nhà, làm sao trả? Cô người mẫu áo tắm trên tờ lịch treo tường nhìn tôi cười khiêu khích. Nhâm nhi ly rượu suông nhắm với hình cô gái hở hang, chớp lóe một tia sáng, lịch! Làm lịch! Mở Quán Lịch, bán món Thời Gian.

Hoa, lá, cá, gái là các loại lịch xuân thịnh hành thời “mở cổng”. Mình phải làm khác đi, nhưng khác thế nào? A... đây rồi... thơ. Lịch Thơ. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch (thơ Trần Nhân Tông), châu báu ngay trong nhà nào phải tìm đâu xa.

Tôi chọn thơ lục bát của chính mình, chép tay, rồi lôi mớ vật dụng tồn kho sau mấy cuộc “triển lãm thơ” ra, tí toáy chụp ảnh, những rổ rá, thúng mủng, quang gánh, chày cối, nơm giỏ... Nói “triển lãm thơ” là nói cho gọn. Thực ra trong cuộc chơi sắp đặt đó, thơ chỉ là một thành phần tham dự, thơ đề trên ảnh nghệ thuật của tôi, thơ chép trên nong nia thúng mẹt, chiếu cói, bao tải... trưng bày cùng các dụng cụ nhà nông và đồ dùng nhà quê thân thuộc.

Hồn vía làng quê xưa ẩn hiện chập chờn trong bóng thời gian.

Trang lịch Trịnh Công Sơn

Hai bộ lịch đầu, Rổ rá (1999) và Lá (2000), do họa sĩ Từ Phương Thảo thiết kế. Nguyễn Duy Sơn, con trai thứ của tôi, dự phần với tư cách học việc. Sơn thực sự làm từ bộ lịch thứ ba, Con rối (2001). Bố - ý tưởng, chép thơ, hình ảnh. Con - thiết kế. Mẹ - trị sự, kế toán, phát hành. Gia đình tôi lập Cơ sở mỹ thuật Duy-Sơn, làm lịch, thiệp và ảnh in trên giấy dó, có giấy phép hành nghề, mã số thuế, hóa đơn đỏ, mỗi năm đóng bốn - năm chục triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng, suy cùng là thuế... thơ. Xong 5 bộ lịch, tôi trả hết cả gốc lẫn lãi món nợ làm nhà. Đến bộ lịch thứ mười - Vũ điệu (2008), cảm thấy mỏi lòng, nghỉ.

Bẵng đi mười năm, bóng thời gian nhòa dần trên tờ lịch. Nguyễn Duy Sơn từ “lưu lạc” trở về với bộ mặt buồn hiện rõ nỗi chán chường vô định. Cháu ở lỳ trên căn gác thông ra sân thượng, rồi tự giam mình trong thế giới Trịnh Công Sơn, vừa nghe nhạc Trịnh vừa chúi mũi vào những trang sách ám ảnh, Thư tình gửi một người, Tôi là ai... Là ai... Bỗng một hôm Sơn tươi cười rạng rỡ, con muốn trở lại với lịch, bố ạ, có thể làm bộ lịch về bác Trịnh Công Sơn. Xin bố giúp con sưu tầm tư liệu...

Trang lịch Trịnh Công Sơn

Tôi mừng hú, gọi vội ông bạn thân - nhà báo Nguyễn Trọng Chức, nhờ giúp thêm. Chúng tôi xin phép được lục tìm trong “kho điện tử” của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gom cho cháu Sơn rất nhiều file tranh, ảnh, thủ bút, bản nhạc... Cháu lựa đi chọn lại và hí hoáy thiết kế.

Qua năm lần bảy lượt thay đổi các phác thảo, loay hoay suốt mấy tháng trời mới ra được mẫu lịch ưng ý để đưa in. Chưa kịp sửa xong bộ số tháng ngày thì cháu bỗng gục trên bàn phím vì một cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Nguyễn Duy Sơn lẳng lặng siêu thăng, nhập bóng mình vào bóng thời gian chờn vờn trên tờ lịch mẫu. Tôi gạt nước mắt làm nốt phần việc còn lại, hoàn tất thủ tục xuất bản và giao dịch in ấn. Lúc cháu Sơn vừa xong bản phác thảo đầu tiên, cha con tôi đã định cùng với một công ty truyền thông phát hành rộng khắp bộ lịch chắc chắn là ăn khách này. Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chấp thuận và sẵn sàng tặng nốt cháu Sơn khoản tiền bản quyền thuộc về gia đình để giúp cháu tái khởi nghiệp.

Trang lịch Chuồn chuồn

Bây giờ, bộ lịch Trịnh Công Sơn - Kỷ Hợi 2019 đơn thuần mang giá trị tinh thần và ý nghĩa kỷ niệm. Kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28.2.1939-2019). Kỷ niệm một năm ngày mất Nguyễn Duy Sơn, tác giả thiết kế (10.4.2018-2019). Dứt khoát xuất bản phi lợi nhuận. Chúng tôi góp tiền in bộ lịch này làm quà tặng họ hàng và thân hữu, không phát hành trên thị trường mua bán món Thời Gian.

Nếu trời cho còn chút sức khỏe, tôi sẽ làm thêm một bộ lịch nữa, bộ lịch cuối đời, về vợ con - Nguyễn Duy Sơn và Mẹ. Vợ tôi tuổi Mậu Tý-1948, đi trọn vòng Mậu Tý, 2008, thì bị nhồi máu não, rồi ngẩn ngơ, rồi nằm liệt đến giờ. Năm 2020 sẽ là Canh Tý, cháu Sơn muốn làm một bộ lịch về mẹ. Các trang lịch đều là ảnh của Sơn, những bức ảnh rất lạ, chụp cảnh vật thực mà ra siêu thực, mà thành huyền ảo. Còn tôi, chép thơ - chọn trong tập Vợ ơi (1995), kính tặng vợ.

Mạch tâm tình gần khít nửa thế kỷ, bóng thời gian đã phủ trắng mái đầu. Sẽ thêm một lần bóng thời gian chờn vờn trên tờ lịch...

Trang lịch Vũ điệu

Này em buồn mà làm gì/thời trong leo lẻo lỡ đi qua rồi
cái thời loang lổ đang trôi/ thôi thì thong thả tới thời trắng tinh

Này em mình tự dọn mình/ ta ân xá tội với tình cho ta
thời gian lướt khướt quan tòa/ một mai trắng án thiên hà cả thôi

Này em cành lấp ló chồi/ tẹo hoa tí cỏ chợt vui giữa buồn
chợt phai chợt thắm con đường/ chợt quên chợt nhớ chợt thương lần thần

Này em chợt độ hồi xuân/ thời gian làm phép tẩy trần đó ư?
oán ân hóa giải từ từ/ từ từ mặt nạ rơi như lá vàng...

Nguyễn Duy

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bong-thoi-gian-17213.html