Bỗng một ngày mẹ vĩnh viễn vắng cơm nhà

Hình ảnh cậu trai gục đầu bên xác mẹ là nữ lao công bị tai nạn chết hôm 22/4 tại Hà Nội đã khiến nhiều người vô cùng xót xa.

Thảm cảnh mang tên tai nạn giao thông nhìn từ câu chuyện mẹ con lìa xa vĩnh viễn

Một cậu bé mất mẹ. Một mâm cơm gia đình vĩnh viễn vắng bóng mẹ. Một gia đình vắng hơi ấm người giữ lửa. Một vụ tai nạn mang đến hình ảnh thảng thốt, xót xa cao độ khi ống kính cận cảnh chuyện chia lìa âm dương vĩnh viễn mẹ và con!

Đó là hình ảnh vu tai nạn cướp đi sinh mạng chị Lê Thị Thu H. (42 tuổi công nhân Cty môi trường đô thị Hà Nội) vào ngày 22/4, tại đường Láng, Hà Nội.

Thế nhưng, có một con số thống kê nêu đến mức người ta nhàm chán: Mỗi ngày có 22 người chết vì tai nạn giao thông. Số người chết vì tai nạn giao thông năm 2018 bằng dân số một huyện bình thường. Con số khủng khiếp nhưng người dân đã thôi giật mình khi đọc nó. Người ta chỉ bàng hoàng khi nó quá thảm khốc, quá thương tâm, quá xót xa... Còn người chết vì tai nạn giao thông ở đất nước này đều đều như cơm bữa! Sao có thể ngày nào cũng giật mình được.

Hình ảnh cậu con trai ngồi bên xác mẹ trong vụ tai nạn giao thông đau lòng sẽ còn ám ảnh nhiều người về sự bất an của giao thông (Ảnh: Internet)

Hình ảnh cậu con trai ngồi bên xác mẹ trong vụ tai nạn giao thông đau lòng sẽ còn ám ảnh nhiều người về sự bất an của giao thông (Ảnh: Internet)

Trong những tháng cuối năm năm 2018, có tháng xảy ra liên tục thảm họa giao thông, cùng một nguyên nhân: lái xe sử dụng ma túy, rượu bia. Những cái chết giữa thời bình không nguyên vẹn hình hài nhìn đến tan nát lòng. Nếu cận cảnh vào mỗi gia đình như chuyện cậu bé vừa nêu thì không biết bao nhiêu trạng thái cảm xúc của những đau đớn, chết chóc, chia lìa…

Nhiều người đã chết bởi những tài xế sử dụng ma túy, rượu bia. Và câu chuyện xót xa của cậu bé kể trên cũng không ngoại lệ. Người điều khiển xe ô tô đâm chết mẹ cậu đã sử dụng rượu bia, khi bị đưa về đồn, anh ta vẫn trong trạng thái say xỉn.

Cần có giải pháp ngay với những kẻ cầm lái sử dụng ma túy, rượu bia. Nên tịch thu vĩnh viễn bằng lái xe đối với những kẻ gây tai nạn thảm khốc có nguyên nhân bia rượu, ma túy. Tích thu giấy phép kinh doanh vận tải vĩnh viễn với chủ doanh nghiệp có lái xe sử dụng rượu, ma túy gây tai nạn (kể cả không gây tai nạn nếu bị phát hiện). Bên cạnh đó là xử lý hình sự đủ mạnh, và những giải pháp lâu dài khác.

Sẽ có người nói làm thế là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vì luật chưa có điều khoản tịch thu bằng, giấy phép vĩnh viễn. Thực tiễn đang nhức nhối, mà cuộc sống là mẹ của mọi lý thuyết. Sửa luật để kịp với thực tiễn. Trong khi đợi sửa luật thì các nhà làm luật, các nhà quản lý phải nghĩ cách để giảm ngay những cái chết tức tưởi.

Về phía ý thức lái xe, đã có slogan: “Phía trước tay lái là sự sống”, cũng nên có thêm các slogan: “Sau chén rượu là sự sống, là hạnh phúc, là cuộc đời của bạn nhậu và những người vô tội”. Uống rượu thì đừng cầm lái!

Vẫn biết cuộc sống có bất trắc, tai nạn là khó tránh. Nhưng những ẩn họa từ tai nạn giao thông khiến nhiều người hoang mang khi lo cho an nguy của những người thân khi ra đường.

Một Việt kiều Úc tên Trần Trọng Minh, người khá nổi tiếng với những quyển sách chiêm nghiệm, từng trao đổi về những lo lắng trong cuộc sống, và giải thích lý do bị trầm cảm một thời gian dài. Ông nói: “Mỗi tối tôi nằm cạnh vợ con, thấy họ ngủ quá bình yên. Tôi lại lắng cho những bất trắc xảy đến, xé toang những bình yên, đầm ấm mình đang có. Nỗi lo lắng thường trực của tôi là những tai nạn khó lường khi người thân tham gia giao thông. Có ngày tôi phải gọi cho vợ, cho các con cả chục cuộc chỉ để nghe họ nhấc máy. Các em, các cháu, bạn bè đến nhà chơi, khi ra về một lúc tôi đều gọi xác nhận cho bằng được họ đã về nhà an toàn rồi mới thôi…”.

Sự lo lắng của ông Minh đôi khi khiến người thân khó chịu vì cho rằng ông lẩn thẩn và quan tâm, lo lắng thái quá. Ông nói: “Với tôi mỗi ngày tối thấy gia đình sum họp bên mâm cơm, bỏ lại phía sau xe cộ ồn ào là hạnh phúc rồi”.

Có nỗi ám ảnh khủng khiếp mang tên tai nạn giao thông.

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/bong-mot-ngay-me-vinh-vien-vang-com-nha-d142832.html