Bóng mẹ bên sông - Vẻ đẹp từ trong nghịch cảnh

Bóng mẹ bên sông của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn là bài thơ cô đọng, sâu lắng khi viết về mẹ. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh người mẹ với những lao động cực nhọc, vất vả và khắc nghiệt. Nhưng cũng qua những hình ảnh ấy, người mẹ hiện lên với vẻ đẹp ngời ngợi và ám ảnh.

BÓNG MẸ BÊN SÔNG

Mẹ đội những sọt đá vượt cầu dốc lên đỉnh lò vôi

dẻo dai và lo toan

mẹ cần mẫn chất đầy đá vào miệng lò

tự tin như ánh lửa...

Đôi mắt mẹ hiền

gió sông thổi mạnh

nóng rát miền Trung, làn da mẹ sạm

Con nhớ bữa cơm, tập vở, mẹ đổi bằng những sọt đá chất thêm vào lò

và hơi thở dồn

những bước chân nghiêng nghiêng vững chắc

Ngày đi qua

cánh đồng, những căn hầm trú ẩn thương mẹ nung vôi

khăn che mặt cũ

áo mẹ đẫm mồ hôi

lại khô bên miệng lò

Chiều về rười rượi

bóng mẹ bên sông.

NGUYỄN ĐỨC SƠN

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh năm 1953. Ông tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Ông đã xuất bản hai tập thơ. Thơ ông ghi dấu ấn với người đọc bởi giọng điệu độc đáo, cá tính. Trong sáng tạo ông luôn hướng đến những vẻ đẹp và góc khuất của đời sống, con người.

Bóng mẹ bên sông của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn là bài thơ cô đọng, sâu lắng khi viết về mẹ. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh người mẹ với những lao động cực nhọc, vất vả và khắc nghiệt. Nhưng cũng qua những hình ảnh ấy, người mẹ hiện lên với vẻ đẹp ngời ngợi và ám ảnh: Mẹ đội những sọt đá vượt cầu dốc lên đỉnh lò vôi/ dẻo dai và lo toan/ mẹ cần mẫn chất đầy đá vào miệng lò/ tự tin như ánh lửa. Người mẹ/người phụ nữ vốn thường được biết đến với sự nhỏ nhắn, mảnh mai, nhưng ngay câu thơ đầu tiên nhà thơ đã cho thấy được những nặng nhọc mà người mẹ phải chịu, đó là đội những sọt đá nặng, vượt qua cầu dốc, lên đỉnh lò vôi. Khó khăn dường như khó khăn hơn khi với sức nặng của những sọt đá lại phải đi ngược lên. Câu thơ chân thực nhưng đã găm ngay vào lòng người đọc bằng chính cảm xúc của người viết, bởi đó không phải là sự kể-tả thông thường. Bên cạnh sự cần mẫn, nhẫn nại mà ẩn sâu bên trong là những lo toan cho sự sống và mưu sinh thì ta vẫn thấy một sức mạnh tiềm tàng trong mẹ: tự tin như ánh lửa. Câu thơ mang đến nhiều ám gợi khi đặt hình ảnh người mẹ bên cạnh lò đốt vôi, ánh lửa. Lúc này mẹ đã không còn nhỏ bé, yếm thế trước sức nặng của lao động nữa, mà hình ảnh mẹ đã ngời lên, tự tin như thể sự chiến thắng số phận, đồng hành với số phận.

Bài thơ gây ấn tượng mạnh khi tạo nên những hình ảnh đối lập: Mắt mẹ hiền-gió sông thổi mạnh, nóng rát miền Trung-da mẹ sạm. Nhà thơ đã đi xa hơn khi đặt hình ảnh mẹ nhỏ bé và hiền dịu ở thế song song cùng nghịch cảnh thiên nhiên khắc nghiệt và vốn đầy bất trắc. Để rồi câu thơ những bước chân nghiêng nghiêng vững chắc đã tạc vào lòng ta một dáng hình chân xác nhất về người mẹ. Và từ đây, hình ảnh người mẹ giản dị, khiêm nhường và đầy hy sinh của Nguyễn Đức Sơn đã trở thành hình-tượng-mẹ trong cái nhìn và sự soi chiếu của nghệ thuật thi ca. Những bước chân nghiêng nghiêng vững chắc là một câu thơ hay và giàu liên tưởng, gợi lên những điều sâu xa nhất khi ta hình dung về người mẹ. Trong tâm thức của người con, tôi tin Nguyễn Đức Sơn đã viết câu thơ này bằng tất cả những xót xa và yêu dấu dành cho mẹ. Ông đã có được cái tỉnh táo của người làm thơ chuyên nghiệp khi không biểu lộ cảm xúc bằng những ngôn từ thông thường mà thơ ông có sự dồn nén, đẩy cảm xúc lên một mức cao hơn để chạm vào vô thức của người đọc.

Trong bối cảnh đất nước chiến tranh, mọi gian khó càng trở nên gian khổ hơn thế nên gánh nặng càng đè lên đôi vai người mẹ gấp nhiều lần. Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn từng tâm sự: “Quê tôi ở Quảng Bình, mảnh đất đầy gian lao, thương tổn trong chiến tranh. Tôi viết "Bóng mẹ bên sông" khi nhớ về quãng năm 1970-1975, đó là những năm tôi đi học đại học ngoài Hà Nội, mẹ phải thương khó cật lực lao động để nuôi tôi…”. Thế nên, khi đọc những câu thơ ông viết tôi không khỏi ngậm ngùi, rưng rưng: Khăn che mặt cũ/ áo mẹ đẫm mồ hôi/ lại khô bên miệng lò. Sự hy sinh đó là sức mạnh, là tình yêu không giới hạn người mẹ dành cho con. Mẹ coi những gian khổ như một lẽ tự nhiên, và không xem đó là cực nhọc, không mong cầu báo đáp, giống như chiếc áo mẹ dẫu có đẫm mồ hôi sẽ lại được hong khô khi ở bên miệng lò. Những câu thơ hàm súc mà chứa đựng những ý nghĩa lớn lao, sâu thẳm. Chiều về rười rượi/ bóng mẹ bên sông, hai câu thơ kết như một điểm nhấn và mở ra sự khôn cùng vời vợi trong ý nghĩ của ta về người mẹ.

Hoài Phương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bong-me-ben-song--ve-dep-tu-trong-nghich-canh-82697