Bóng ma xung đột vẫn bao trùm Kashmir

Đối với Pakistan, động thái mới nhất của Ấn Độ đã làm thay đổi quy tắc trò chơi truyền thống, ngày càng rời xa phương án giải quyết mà hai bên đều có thể chấp nhận. Thủ tướng Pakistan Imran Khan cảnh báo tình hình Kashmir hiện nay có thể diễn biến thành cuộc khủng hoảng khu vực.

Thậm chí, nếu căng thẳng bị đẩy lên cao, Ấn Độ và Pakistan sẽ đi đến một cuộc chiến tranh thực sự.

Quyết định đã tác động về tâm lý

Có chuyên gia dự đoán, Pakistan sẽ không lấy sự kiện này làm lý do để gây chiến với Ấn Độ, song Pakistan sẽ tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn, tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, vì thế, trong tương lai, khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát sẽ xuất hiện các sự kiện xung đột và đổ máu nhiều hơn, từ đó khiến dân chúng ở Pakistan bị kích động về tâm lý, quan hệ Ấn Độ - Pakistan trở nên căng thẳng hơn.

Lo ngại những cảnh báo trên, ngày 18-8, giới chức Ấn Độ đã tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đi lại tại một phần thành phố Srinagar, thành phố lớn nhất ở khu vực Kashmir, sau khi xảy ra các vụ đụng độ khiến hàng chục người bị thương mà nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ sau khi Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong hiến pháp vốn trao quy chế đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir, trong khi lại đưa ra đạo luật chia bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh cùng Jammu và Kashmir.

Quan hệ Pakistan và Ấn Độ đang vô cùng căng thẳng. Ảnh: New Nation.

Quan hệ Pakistan và Ấn Độ đang vô cùng căng thẳng. Ảnh: New Nation.

Quyết định chính trị này đã ảnh hưởng sâu rộng đối với khu vực tranh chấp Kashmir trong gần 7 thập kỷ qua. Chính phủ Pakistan đã ra tuyên bố chỉ trích quyết định này của New Delhi. Bộ Ngoại giao Pakistan cũng nhấn mạnh với tư cách là một bên trong tranh chấp quốc tế này, Pakistan sẽ áp dụng mọi phương án khả thi nhằm đối phó với những động thái này của Ấn Độ.

Ngay lập tức, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan trở lên căng thẳng khi hai bên đã xảy ra một số cuộc tấn công qua Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa hai nước.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Theo quyết định của phía Ấn Độ đưa ra, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh - không có cơ quan lập pháp - cùng Jammu và Kashmir - có cơ quan lập pháp - sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31-10 tới.

Bên cạnh đó, xét đến tình hình an ninh hiện nay, với các hoạt động khủng bố xuyên biên giới trong bang Jammu và Kashmir, nhà chức trách sẽ thành lập một vùng lãnh thổ liên bang có tên Jammu và Kashmir. Vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir sẽ có cơ quan lập pháp giống như Delhi, trong khi vùng lãnh thổ liên bang Ladakh thì không có cơ quan lập pháp, giống như Chandigarh.

Quan điểm này của Ấn Độ đã vấp phải sự phản đối từ Pakistan. Hãng tin AFP dẫn lời một số quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết đêm 17-8 và ngày 18-8 đã xảy ra gần 70 vụ tấn công ném đá vào lực lượng an ninh tại thung lũng Kashmir và ngày càng có nhiều đối tượng quá khích, kích động bạo loạn.

Ngày 14-8, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã tới khu vực Kashmir tranh chấp với Ấn Độ. Thủ tướng Imran Khan thực hiện chuyến thị sát tới khu vực thuộc phần kiểm soát của Pakistan này nhân dịp Quốc khánh và hơn một tuần sau khi người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi ban bố sắc lệnh chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir.

Pakistan đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp và thảo luận về quyết định của Ấn Độ hủy quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir và Jammu.

Vòng xoáy bạo lực mới

Sau nấc thang căng thẳng liên quan đến việc Ấn Độ bãi bỏ điều khoản trao quyền tự trị cho Kashmir, trong những ngày qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục diễn biến phức tạp khi liên tiếp xảy ra các vụ đấu súng qua biên giới cùng các tuyên bố cáo buộc nhau. Tình trạng này có nguy cơ đẩy hai nước vào một vòng xoáy xung đột cũng như thổi bùng cuộc khủng hoảng tại Nam Á.

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi khẳng định Islamabad không tìm kiếm giải pháp quân sự cho vấn đề Kashmir. Trong khi đó, Ấn Độ cũng nhấn mạnh việc chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir là vấn đề nội bộ, để chính phủ có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây.

Ngày 15-8, binh lính Ấn Độ và Pakistan đã đấu súng qua đường ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir. Các quan chức tại khu vực Kashmir thuộc kiểm soát của Pakistan cho biết 3 binh sĩ Pakistan đã thiệt mạng trong vụ nã pháo của phía Ấn Độ qua LoC. Pakistan cũng cho biết đã bắn đáp trả khiến 5 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Ngày 17-8, các lực lượng Ấn Độ và Pakistan lại tiếp tục đấu súng qua LoC.

Căng thẳng nếu không được kiểm soát sẽ biến thành các cuộc xung đột lớn. Ảnh: The New York Times.

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ đã xác nhận đấu súng xảy ra dữ dội ở khu vực dọc đường biên giới tranh chấp này. Một binh sĩ Ấn Độ được thông báo là đã thiệt mạng.

Căng thẳng Ấn Đô å-Pakistan cũng tiếp tục gia tăng với những tuyên bố liên quan đến vấn đề hạt nhân. Phát biểu ngày 16-8 trong chuyến thị sát bãi thử hạt nhân Pokhran ở miền Tây Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nêu rõ, đến nay New Delhi vẫn cam kết chắc chắn với học thuyết "không sử dụng (vũ khí hạt nhân) trước tiên".

Theo ông, Ấn Độ đã nghiêm túc tuân thủ học thuyết này, nhưng những gì xảy ra trong tương lai tùy thuộc vào hoàn cảnh. Ngay lập tức, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về mối đe dọa hạt nhân từ Ấn Độ.

Trong một loạt các tuyên bố trên trang Twitter, ông Khan cho rằng thế giới phải "xem xét một cách nghiêm túc" độ an toàn và an ninh của kho vũ khí hạt nhân mà Ấn Độ sở hữu. Theo ông Khan, đây là vấn đề không phải chỉ ảnh hưởng tới khu vực mà toàn thế giới. Thủ tướng Khan cũng cáo buộc Chính phủ Ấn Độ, do Thủ tướng Modi lãnh đạo, đang đe dọa người Kashmir vốn đang bị đặt dưới lệnh giới nghiêm trong hơn 2 tuần qua.

Lo ngại vòng xoáy bạo lực ngày càng nguy hiểm khi cả hai bên không thể kiểm soát được những cái đầu nóng, ngày 16-8, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một cuộc họp kín để thảo luận về căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vấn đề Kashmir. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận rõ ràng nào.

Không phải đến giờ mâu thuẫn giữa hai bên mới bộc phát. Tháng 2-2019, những mâu thuẫn âm ỉ giữa Ấn Độ và Pakistan bị thổi bùng với vụ đánh bom xe liều chết do nhóm phiến quân có căn cứ tại Pakistan thực hiện tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến ít nhất 40 cảnh sát bán quân sự của nước này thiệt mạng.

Cáo buộc Pakistan đứng sau vụ đánh bom, New Delhi đã tiến hành hàng loạt hành động đáp trả như xóa bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đập ở thượng nguồn sông Ấn, đưa chiến đấu cơ không kích các cơ sở của các tay súng Hồi giáo cực đoan trên đất Pakistan.

Đỉnh điểm là ngày 16-2, một ngày sau khi hủy bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, Ấn Độ đã áp thuế nhập khẩu 200% đối với tất cả các hàng hóa bắt nguồn hoặc xuất khẩu từ Pakistan.

Ở chiều ngược lại, Pakistan lập tức bắn hạ 2 máy bay quân sự của Ấn Độ đang làm nhiệm vụ không kích các nhóm vũ trang ở Kashmir, điều động thêm các đơn vị tên lửa và radar cùng nhiều máy bay không người lái tới sát LoC. Xung đột qua lại cứ tiếp diễn từ đó tới nay.

Nguy cơ bùng phát cuộc chiến tranh mới

Có thể thấy, mối bất đồng xung quanh vấn đề Kashmir đã tồn tại nhiều thập kỷ qua. Những căng thẳng liên tiếp trong thời gian gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vấn đề Kashmir cho thấy đây như một ngọn lửa luôn âm ỉ cháy trong quan hệ giữa hai quốc gia và chỉ trực chờ bùng phát.

Câu hỏi đặt ra: Liệu việc Ấn Độ hủy bỏ quy chế tự trị đối với vùng Kashmir có phải là một lời tuyên chiến với Pakistan hay không? Giáo sư Jean-Luc Racine, thuộc Trung tâm châu Á, trả lời báo Les Echos (Pháp) cho rằng câu trả lời là “Không”.

Ông Racine cho rằng đối với Pakistan, Thủ tướng Ấn Độ đang mạo hiểm với một cuộc đối đầu tại vùng biên giới, ngày càng trở nên dữ dội, thường xuyên hơn từ nhiều năm qua.

Nhiều người cho rằng đây là nước cờ thí tốt ở Kashmir. Sumantra Bose, Giáo sư chính trị quốc tế tại Trường London School of Economics (LSE) giải thích lý do vì sao quyết định này làm bùng lên những phản đối, thách thức. Từ cuối tháng 10 tới, Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của Ấn Độ nữa.

An ninh đã được tăng cường tại các khu vực hai bên có tranh chấp. Ảnh: Zee News.

Các vùng lãnh thổ liên bang được chính quyền liên bang trao cho ít quyền tự trị hơn so với các bang, và phải chịu sự quản lý trực tiếp từ New Delhi. Gần 98% dân số khu vực này sẽ sống tại vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir, gồm 2 vùng là thung lũng Kashmir có đa số là người Hồi giáo (khoảng 8 triệu người) và vùng Jammu có đa số dân là người theo đạo Hindu (khoảng 6 triệu người).

Vùng thứ ba, vùng lãnh thổ liên bang vừa được thành lập Ladakh, là một sa mạc trên cao, nơi rất thưa dân, chỉ có khoảng 300.000 người, gồm cộng đồng người Hồi giáo và Phật giáo với số lượng tương đương nhau.

Với việc tước bỏ khỏi Jammu và Kashmir quyền là một bang và chia cắt nơi này thành các phần khác nhau, cấu trúc Liên bang Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở các bang (29 bang, và sắp tới sẽ chỉ còn 28 bang), trong đó mỗi bang được hưởng quyền tự trị tương đối đối với New Delhi. Các vùng lãnh thổ liên bang của Ấn Độ - hiện có 7, và sẽ thành 9 vùng kể từ ngày 31-10, hầu như không có vị thế, quyền lực mà các bang được hưởng.

Thủ tướng Narendra Modi đã hứa hẹn với người dân trong khu vực một tương lai phát triển và tiến bộ. Ông cũng tuyên bố các cuộc bầu cử sẽ sớm được tổ chức để hình thành cơ quan lập pháp cho vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir. Tuy nhiên các nhà phân tích lo ngại, một cuộc bầu cử như vậy nhiều khả năng sẽ cực kỳ khó khăn.

Câu hỏi là có phải Ấn Độ đang chơi một ván cờ lớn, không chỉ với Pakistan, mà đối tượng mà họ nhắm tới thực sự là Trung Quốc. Một số chuyên gia phân tích đánh giá thời điểm mà Chính quyền ông Modi lựa chọn có thể còn do kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm. Theo The New York Times, cùng với tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp tăng, trong thời gian gần đây, chính quyền Modi bị chỉ trích về sự yếu kém của nền kinh tế, dường như tất cả thành phần kinh tế đều bắt đầu lo ngại.

Các chuyên gia cho rằng Thủ tướng Modi và Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, trợ thủ đắc lực của ông, rất muốn củng cố nền tảng cầm quyền, mà thành tích trong khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát là một sự chuyển hướng chú ý rất tốt.

Theo nghiên cứu viên Christoph Jaffrelot thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Quỹ Khoa học chính trị quốc gia Pháp, chính quyền Modi làm như vậy không những có cân nhắc trong ngắn hạn, mà còn lên kế hoạch chính trị lâu dài. Thứ nhất là thông qua thu hồi quyền tự trị, phân chia lại khu vực hành chính, có thể nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, tăng cường quản lý và kiểm soát hiệu quả khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Xóa bỏ địa vị đặc biệt để tăng cường duy trì ổn định.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc cam kết khi tranh cử để thiết lập hình ảnh, củng cố địa vị cầm quyền. Hãng BBC thì cho rằng hành động này phù hợp với nguyện vọng chính trị của Thủ tướng Modi, đó là chứng tỏ BJP giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề Kashmir với Pakistan.

Thứ ba là đón nhận và thúc đẩy sự phục hưng của chủ nghĩa dân tộc, sử dụng văn hóa truyền thống, đó là ý thức hệ tư tưởng toàn quốc thống nhất văn hóa Hindu, mà vùng đất này lại là khu vực duy nhất mà người theo đạo Hồi là chủ thể, các bang khác đều do người theo đạo Hindu chiếm vị thế chủ đạo, vì vậy việc khu vực này bị xóa bỏ đặc quyền tự trị có ý nghĩa biểu tượng rất mạnh.

Các chuyên gia cũng nhận định: Đối với Pakistan, động thái mới nhất của Ấn Độ đã làm thay đổi quy tắc trò chơi truyền thống, ngày càng rời xa phương án giải quyết mà hai bên đều có thể chấp nhận. Thủ tướng Pakistan Imran Khan cảnh báo tình hình Kashmir hiện nay có thể diễn biến thành cuộc khủng hoảng khu vực.

Nhà lãnh đạo của khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát Farooq Haider Khan cũng bác bỏ mệnh lệnh của Ấn Độ, và cho rằng trong tình hình này Ấn Độ và Pakistan sẽ đi đến chiến tranh.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/bong-ma-xung-dot-van-bao-trum-kashmir-558756/