Bóng ma tiêu cực

Không phải tự nhiên mà Ban kỷ luật VFF lại phản ứng khá mạnh đối với trường hợp tự đá bóng vào lưới nhà của cầu thủ đội Cần Thơ ở vòng 1 Cúp Quốc gia hồi tuần trước.

Bóng đá Việt Nam mặc dù không đem lại các nguồn thu cho những chủ sở hữu, hoặc có nhiều trận đấu hay phục vụ người hâm mộ, nhưng vẫn là một nguồn làm ăn lớn cho các hãng cá cược. Sau các thành công của đội tuyển Việt Nam, mối quan tâm của giới cá cược thậm chí còn tăng lên.

Để xác định có tái diễn hay không các vụ “bán độ”, cũng cần thời gian và chứng cớ, tuy nhiên chúng ta có thể tin rằng, tiêu cực rất dễ xảy ra.

Hiện nay, gần như những trận đấu tại Việt Nam, từ lứa tuổi U.19 trở lên, đều được xuất hiện trên các website cá cược để phục vụ dân có máu đỏ - đen. Mà để đưa được toàn bộ các trận đấu của những giải hạng nhất, V-League “lên sàn” thì những hãng cá cược cần thuê người cập nhật tất cả các diễn biến của trận đấu ấy theo từng giây một. Như vậy, họ phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ và có cầu mới có cung, phải có người chơi để qua đó các hãng cược mới thu lợi nhuận.

Trước đây, khi nói đến bán độ, chúng ta sẽ nghĩ đến chuyện dân cá độ bóng đá dùng tiền để tác động đến một số cầu thủ, tạo ra các kết quả thi đấu như ý. Do có nhiều mắt xích nên việc điều tra cũng có nhiều cơ sở để đưa ra ánh sáng. Thế nhưng hiện nay, việc đăng ký một tài khoản và tiến hành đặt cược vô cùng dễ dàng, thao tác chưa đến 5 phút là có thể tham gia. Hoàn toàn có khả năng một cầu thủ nào đó nhờ tài khoản ngân hàng của một người khác để mở tài khoản cá cược và anh ta có quyền quyết định đến kết quả trận đấu theo hướng có lợi cho mình. Nếu xảy ra trường hợp này, cho dù có nghi ngờ cũng rất khó cho cơ quan điều tra tìm ra động cơ thực hiện, một khi cầu thủ đó nói rằng mình mắc “lỗi kỹ thuật”.

Ở vụ bán độ mới nhất của bóng đá Việt Nam xảy ra tại đội Đồng Nai năm 2014, bên cạnh việc phối hợp với người ngoài để tổ chức bán độ và nhận “lại quả”, có một cầu thủ đã trực tiếp đặt cược. Chi tiết này cho thấy những nguy cơ lớn mà bóng đá Việt Nam phải đối diện trong bối cảnh hàng chục website cá cược đang “phủ sóng” đến từng chiếc điện thoại, máy tính…, quảng cáo mời gọi tham gia tràn lan trên mạng xã hội. Rất khó loại trừ khả năng cầu thủ tự mình “nhúng chàm”.

Trong bối cảnh là thu nhập của cầu thủ hiện không còn cao như trước, các đội bóng thi đấu ít động lực hơn do tiền thưởng không nhiều, số doanh nghiệp đầu tư bóng đá ngày càng ít đi, thì môi trường cho tiêu cực trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Như đã nói, các trận đấu có thể ít khán giả, ít được giới truyền thông quan tâm, ít hấp dẫn về mặt chuyên môn… nhưng vẫn có thể thu hút dân cá cược tham gia. Đấy là lý do mà Giải hạng Nhất hay Cúp Quốc gia của Việt Nam vẫn được “lên sàn” trong khi với năng lực hiện nay, những nhà tổ chức cũng chưa thể bao quát được những mối nguy cơ tiêu cực tại các giải đấu này.

Hơn nữa, cho dù có đủ sức kiểm soát, thì điều quan trọng nhất vẫn phải là nâng cao tính chuyên nghiệp của cả nền bóng đá như một giải pháp “phòng vệ”. Các quyết định kỷ luật như đối với cầu thủ Cần Thơ vừa qua hầu như không mang đến nhiều tác dụng trong trường hợp thực sự có tiêu cực.

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: http://thethao.sggp.org.vn/bong-ma-tieu-cuc-586375.html