'Bóng ma' núi lửa gây sóng thần ở Indonesia

Giới chức Indonesia không kịp đưa ra bất cứ cảnh báo nào về thảm họa hôm 22-12 vì chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần gây ra bởi sạt lở dưới biển hay núi lửa phun trào trên biển

Một ngày sau trận sóng thần chết chóc tấn công bờ biển quanh eo biển Sunda ở Indonesia, các chuyên gia hôm 23-12 cảnh báo khu vực này có thể tiếp tục hứng chịu thảm họa tương tự.

Ông Richard Teeuw, Trường ĐH Portsmouth (Anh), nhận định khả năng eo biển Sunda tiếp tục bị sóng thần tấn công là rất cao vì núi lửa Anak Krakatau đang trong giai đoạn hoạt động mạnh và có thể gây sạt lở dưới biển. Trong khi đó, chuyên gia về núi lửa Jacques-Marie Bardintzeff tại Trường ĐH Paris-South (Pháp) cảnh báo núi lửa Anak Krakatau hoạt động đặc biệt mạnh kể từ tháng 6 và đang bị mất ổn định nên mọi người phải cực kỳ cẩn trọng.

Cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc số người thiệt mạng trong trận sóng thần đêm 22-12 (giờ địa phương) tăng lên 373 người, ngoài ra có 128 người mất tích và gần 1.500 người bị thương. Phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho, cho biết trong số nạn nhân thiệt mạng có nhiều người là du khách - trái với thông tin ban đầu nói rằng thương vong chỉ xảy ra với người địa phương.

Theo Reuters, nỗ lực cứu hộ vẫn tiếp tục nhưng một số khu vực chưa được tiếp cận do đường sá bị đổ nát. Lực lượng cứu hộ phải dùng máy móc hạng nặng và tay không để dọn đống đổ nát, tìm kiếm người sống sót và thi thể nạn nhân.

Lực lượng cứu hộ vận chuyển túi đựng thi thể nạn nhân sóng thần tại Pandeglang, tỉnh Banten - Indonesia hôm 24-12 Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ vận chuyển túi đựng thi thể nạn nhân sóng thần tại Pandeglang, tỉnh Banten - Indonesia hôm 24-12 Ảnh: REUTERS

Các chuyên gia cho biết chưa thể biết chính xác nguyên nhân dẫn đến sóng thần cho đến khi họ tiến hành kiểm tra thủy âm (sonar) nhưng đây là công việc vẫn còn nguy hiểm lúc này.

Đến thời điểm hiện tại, những phỏng đoán về nguyên nhân sóng thần đều tập trung vào hoạt động của núi lửa Anak Krakatau. Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết những cơn sóng thần cao 2-3 m ập vào bờ và cuốn trôi tất cả vào khoảng 21 giờ 30 phút, tức nửa giờ sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào.

Trong khi đó, ông Nugroho nói "sạt lở dưới biển xảy ra bởi hoạt động của núi lửa Anak Krakatau" có thể là nguyên nhân gây ra sóng thần và thủy triều cao bất thường trong đợt trăng tròn đã làm tăng thêm sức mạnh của nó.

Những hình ảnh từ vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy một phần lớn bên sườn phía Nam của núi lửa Anak Krakatau bị sập và rơi xuống biển. Như vậy, cũng có thể hàng triệu tấn đá đã đổ xuống biển, gây ra những đợt sóng cao đánh vào mọi hướng.

"Khi khối đất đá đó bị đẩy xuống biển, nó tạo ra sự dịch chuyển dọc trên mặt nước gây ra sóng thần" - chuyên gia địa chấn học Sam Taylor-Offord, Viện Nghiên cứu Khoa học GNS Science (New Zealand), giải thích. Ông cho biết sạt lở dưới biển đang là giả thuyết được đồng tình cao nhất nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận do chưa đủ dữ liệu.

Các chuyên gia nhận định thêm rằng trận sóng thần hôm 22-12 diễn ra "quá nhanh và đột ngột" khiến mọi người không kịp trở tay. Ông David Applegate, Phó Giám đốc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nhấn mạnh trận sóng thần này không nằm trong số 90% sóng thần thông thường gây ra bởi động đất và điều này khiến việc dự báo rất khó khăn. Trong trường hợp sóng thần do động đất, địa chấn có thể được dùng làm tín hiệu cảnh báo và điều này dễ dàng hơn nhiều so với dự báo sóng thần gây ra bởi hoạt động của núi lửa.

Ông Nugroho cũng thừa nhận giới chức Indonesia không kịp đưa ra bất cứ cảnh báo nào về đợt sóng thần hôm 22-12 vì nước này chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần gây ra bởi sạt lở dưới biển hay núi lửa phun trào trên biển. Ngoài ra, theo tờ The Washington Post (Mỹ), cả người dân lẫn chính quyền không quan tâm nhiều đến núi lửa Anak Krakatau dù nó hoạt động mạnh trong vài tháng qua, phun trào tro khói nghi ngút lên trời và dung nham xuống biển.

Số người thiệt mạng trong trận sóng thần đêm 22-12 tăng lên 373 người, ngoài ra có 128 người mất tích và gần 1.500 người bị thương.

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bong-ma-nui-lua-gay-song-than-20181224214316172.htm