Bóng ma lạm phát khiến nhiều nước Đông Nam Á trợ cấp nhiên liệu

Nỗi lo lạm phát do giá dầu thô tăng cao đã khiến các chính phủ khắp Đông Nam Á thực hiện các chính sác trợ cấp nhiên liệu để giải tỏa sức ép giá cả lên người tiêu dùng.

Người dân đổ xăng tại một trạm xăng ở thành phố Kota Kinabalu, bang Sabah, Malaysia. Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin Bloomberg, các chính phủ ở Đông Nam Á đang thăm dò các phương án để khống chế đà tăng của giá cả hàng hóa bao gồm việc thực hiện chính sách trợ cấp nhiên liệu. Các nước trong khu vực lo ngại sức ép giá cả sẽ khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu hoặc tìm kiếm sự thay đổi bộ máy lãnh đạo trong các cuộc tuyển cử sắp tới.

Các ngân hàng trung ương ở Malaysia, Indonesia, Philippines đã tăng lãi suất trong năm nay để chống lạm phát và ổn định đồng nội tệ của họ trong bối cảnh Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chính Thái Lan và Indonesia cũng đang nỗ lực khống chế lạm phạt để trấn an cử tri khi hai nước này chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử vào năm sau.

“Giá dầu đã tăng 50% so với cách đây một năm và tại nhiều nước trong khu vực, mức lạm phát cơ bản cũng đang gia tăng. Tình hình tiêu dùng trong khu vực có thể gặp khó trong năm 2018 so sức chi tiêu yếu đi, tuy nhiên, các biện pháp của các chính phủ nhằm hỗ trợ thu nhập khả dụng của người dân có thể khống chế mức thiệt hại”, Tamara Henderson, nhà kinh tế ở Singapore nói.

Tháng trước, chính phủ Indonesia cho biết sẽ đóng băng tăng giá điện và nhiên liệu đến năm sau đồng thời sẽ tăng cường kiểm soát thị trường điện và nhiên liệu nhằm khống chế lạm phát. Đến nay, tốc độ tăng lạm phát ở Indonesia đã dịu lại. Dù vậy, Indonesia vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là giá cả thực phẩm có xu hướng tăng, trong khi, đồng rupiah ngày càng suy yếu

Chính sách kiểm soát giá điện và nhiên liệu sẽ giúp Tổng thống Joko Widodo quản lý các căng thẳng liên quan đến sắc tộc, tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cũng đang đề cập đến khả năng tăng cường các chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư. Còn Ngân hàng trung ương Indonesia đã tăng lãi suất hai lần trong tháng 5-2018 để ổn định đồng rupiah, đã giảm 2,2% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay.

Đối với Malaysia, việc tái giới thiệu chính sách trợ giá nhiên liệu là một cam kết quan trong cuộc vận động tranh cử trước đây của tân Thủ tướng Mahathir Mohamad. Động thái này, cùng với các cam kết khác chẳng hạn xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ 6%, sẽ giúp Malaysia kiểm soát lạm phát.

Là một nước xuất khẩu năng lượng ròng hiếm hoi ở châu Á, Malaysia ít chịu áp lực lạm phát do giá dầu tăng cao so với các nước khác trong khu vực. Đồng ringgit của Malaysia cũng tăng giá tốt hơn các đồng tiền khác trong khu vực, với mức tăng 1,9% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay.

Trong khi đó, Philippines có tốc độ tăng lạm phát nhanh nhất trong sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN với mức chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,6% trong tháng 5-2018, cao nhất trong vòng năm năm qua. Giá dầu tăng đang đe dọa nền kinh tế Philippines vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhiên liệu nhập khẩu. Các dấu hiệu bong bóng giá cả đang xuất hiện ở nhiều ngành. Các tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động đang yêu cầu giới chủ tăng lương, trong khi đó, các hãng hàng không, các công ty vận tải xe buýt và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng khác kêu gọi tăng giá vé.

Một số nghị sĩ Philippines hối thúc đảo ngược một điều luật cho phép tăng thuế đối với các sản phẩm dầu mỏ được thông qua vào đầu năm. Luật này bị chỉ trích là nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao.

Dù lạm phát ở Thái Lan ở mức tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực, chính phủ nước này cũng không tránh được áp lực của người dân. Gần đây nhất, một cuộc vận động trên mạng xã hội đã khiến chính quyền quân sự của Thái Lan đồng ý ban hành chính sách trợ cấp đối với dầu diesel và gas dùng cho nấu ăn. Sức ép của người dân ở xứ chùa vàng dự kiến sẽ còn tăng cao khi cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào năm 2019.

Cho đến nay, Ngân hàng trung ương Thái Lan vẫn chưa tăng lãi suất, song mối quan hệ mật thiết giữa giá dầu thô và lạm phát có thể khiến ngân hàng này sớm tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011.

C.T

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273595/bong-ma-lam-phat-khien-nhieu-nuoc-dong-nam-a-tro-cap-nhien-lieu.html