Bóng ma 'đụng độ ngân sách'

Italia và Liên minh Châu Âu (EU) đang đứng đầu nguy cơ xung đột về các mức nợ và thâm hụt trong bối cảnh không có dấu hiệu rõ ràng là bên nào sẽ bắn phát súng mở màn.

Mối quan hệ giữa Roma và Brussels tiếp tục xấu đi khi chính phủ 4 tháng tuổi của Italia bỏ qua mục tiêu của EU về mức thâm hụt ngân sách trong vòng 0,8% GDP của nước này vào năm 2019. Thay vào đó, Rome công bố ranh giới ngân sách dự đoán thâm hụt sẽ là 2,4% GDP vào năm tới. EU kêu gọi Italia giữ thâm hụt ngân sách để kiểm soát nợ công, hiện chiếm hơn 130% GDP của cả nước. Đó là mức cao thứ hai trong EU về GDP. Bản phác thảo ngân sách của tuần trước đã làm rung chuyển các thị trường tài chính, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Italia lên mức cao nhất gần 5 năm qua, mặc dù sau đó có giảm nhẹ. Cổ phiếu của các ngân hàng ở nước này cũng bị ảnh hưởng, đẩy chỉ số thị trường chứng khoán xuống thấp hơn.

Bộ trưởng Tài chính Italia Giovanni Tria, nhân vật từng cam kết với các quan chức EU là mức thâm hụt 2019 sẽ nằm trong vòng 1,6% GDP, vẫn đang nỗ lực để trấn an những lo sợ rằng, Italia có thể nhích gần hơn với nợ mặc định. Hôm 7-10, ông Tria nói rằng, mức chi tiêu cao hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới, tăng doanh thu thuế và khiến việc trả nợ dễ dàng hơn. Ông cũng cho biết, mục tiêu thâm hụt của chính phủ sẽ giảm vào năm 2020 và 2021, tương ứng là 2,1% và 1,8%. Italia tuyên bố, họ phải có thâm hụt cao hơn để thiết lập thu nhập cơ bản cho tất cả công dân Italia, giảm tuổi nghỉ hưu, đầu tư vào cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước và thiết lập thuế phẳng cho các Cty. Và nước này có kế hoạch công bố chương trình ngân sách chi tiết năm 2019 vào ngày 20-10 tới.

Nhưng trong bối cảnh này, Italia đang đối mặt cuộc đụng độ thể chế với EU và nước này dường như không mặn mà đổi hướng đi. Nếu các quan chức Châu Âu cho phép Italia tiến lên với mức thâm hụt cao, các thị trường tài chính sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng quát vấn đề, ngân sách thực tế được trình bày vào ngày 20-10 dường như không có tác động lớn đến thị trường. Bởi có hai khía cạnh riêng biệt đối với tình hình với ngân sách năm 2019. Một mặt là tài chính công, có thể thương lượng theo cách này hay cách khác. Và mặt khác là chính trị, liên quan đến sự bất đồng với EU. Đó là một vấn đề lớn bởi vì chính phủ mới của Italia có thể muốn thử thách quyết tâm của EU.

Ngoài ra còn có một số mức độ bất đồng về các ưu tiên ngân sách giữa nội bộ chính phủ Italia. Nhưng bế tắc với EU là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định trung hạn của chính phủ.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_196391_bong-ma-dung-do-ngan-sach-.aspx