'Bóng ma' dịch bệnh quay lại, châu Á oằn mình chống dịch

Tại nhiều quốc gia châu Á, 'bóng ma' dịch bệnh đã quay trở lại với sức tàn phá khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi ngày.

Số ca nhiễm COVID-19 tăng 30%

Tại châu Á, mặc dù một số quốc gia đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng nguy cơ dịch bệnh đang ngày một lớn hơn. Nguyên nhân là hầu hết các nước châu Á đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh với số ca nhiễm mới trong tuần qua tăng hơn 30%.

Tính đến thời điểm này, Ấn Độ xếp thứ 2 thế giới về số người mắc COVID-19, sau Mỹ với hơn 16 triệu người, hơn 186.000 trường hợp tử vong. Ấn Độ đã trải qua ngày thứ hai liên tiếp có hơn 300.000 trường hợp mắc mới trong một ngày. Hiện quốc gia có số dân đông thứ 2 thế giới này vẫn còn 2.428.616 trường hợp đang phải điều trị, tăng 137.188 người so với 1 ngày trước đó. Số người đã khỏi bệnh là 13.648.159 người.

Số ca nhập viện điều trị tại Ấn Độ mỗi ngày tăng hơn 100.000 người, hệ thống y tế Ấn Độ quá tải

Số ca nhập viện điều trị tại Ấn Độ mỗi ngày tăng hơn 100.000 người, hệ thống y tế Ấn Độ quá tải

Theo dữ liệu của hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ, quốc gia này đã thực hiện 274.445.653 xét nghiệm COVID-19, trong đó 1.740.550 xét nghiệm được thực hiện vào ngày 22/4. Thủ đô Delhi là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước, khi có tới 26.169 trường hợp mắc mới và 306 trường hợp tử vong trong ngày 22/4. Riêng tại Delhi đến nay ghi nhận 13.193 người tử vong do COVID-19.

Trước tình hình này, Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp mới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như hoãn hoặc hủy bỏ một số kỳ thi. Delhi đã bị phong tỏa kéo dài một tuần cho đến ngày 26/4, chỉ các dịch vụ thiết yếu ở thủ đô mới được phép hoạt động. Một số bang ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa có kế hoạch phong tỏa toàn quốc lần 2 sau khi đợt phong tỏa toàn quốc lần đầu từ cuối tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái gây tổn thất kinh tế nặng nề. Nhiều bang của Ấn Độ đang tăng cường các biện pháp phòng dịch ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm biện pháp phong tỏa một phần.

*Theo thông báo của Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 23/4, số ca nhiễm COVID-19 mới của nước này là 8.719 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 979.740 người. Số người tử vong đến nay đạt 16.529 người.

Bộ trưởng Y tế Philippines- Francisco Duque, 64 tuổi, đã tiêm liều vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/4. Ông cho biết vắc xin an toàn, hiệu quả đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm chủng. "Tất cả chúng ta hãy tham gia vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng việc tiêm chủng", ông Duque nói trong một tuyên bố.

Philippines tiếp tục đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 kể từ tháng 3, tâm chấn của đợt bùng phát này từ Metro Manila, khu vực sinh sống của hơn 13 triệu người. Trong tuần qua, mặc dù số ca mắc hàng ngày của quốc đảo này giảm nhẹ, nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết mức độ lây nhiễm tại khu vực Metro Manila và 4 tỉnh lân cận vẫn "rất cao." Hiện các khu vực này đều bị phong tỏa nghiêm ngặt cho đến ngày 30/4.

Mỗi ngày hàng nghìn người ở Philippines nhiễm COVID-19 mới

Kể từ khi bùng phát dịch bệnh, tháng 1/2020 đến nay, Philippines – quốc gia có dân số khoảng 110 triệu người, đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 10,5 triệu người.

*Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 446 ca nhiễm mới. Số người dương tính với COVID-19 ở Campuchia lên gần 8200 người, trong đó đa số là các ca lây nhiễm cộng đồng, số tử vong lên 59 người. Thủ đô Phnom Penh đang áp lệnh phong tỏa 14 ngày, từ ngày 15/4 đến ngày 28/4, nhằm ứng phó tình trạng số ca nhiễm mới hàng ngày gia tăng.

Thống đốc Phnom Penh Khuong Sreng tiếp tục chỉ định một số làng và xã là "vùng đỏ" nhằm siết chặt thêm lệnh phong tỏa. Hai tỉnh khác của Campuchia là Kampong Cham và Siem Reap đã thông báo kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 14 ngày, nhằm ngăn chặn dịch lây lan, trong đó có cấm bán và tiêu thụ đồ uống có cồn.

Người dân Campuchia đi nhận hàng cứu trợ

Chính quyền thủ đô Phnom Penh đã cho phép Công ty Virak Buntham chuyển đổi đội xe buýt đang phải ngừng hoạt động thành những “chợ di động” để cung cấp lương thực, thực phẩm với giá hợp lý cho người dân tại các khu vực bị phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal).

*Theo Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 (CCSA) ở Thái Lan, tổng số ca nhiễm COVID-19 của nước này đã vượt 50.000 ca, số ca nhiễm mới đạt mức kỷ lục 2.070 ca được ghi nhận vào ngày 23/4. Phát ngôn viên của CCSA Taweesin Visanuyothin cho biết, hiện quốc gia 70 triệu dân này có 50.183 người dương tính với COVID-19.

Trong số các trường hợp nhiễm COVID-19 mới có tới 2.062 trường hợp là lây truyền trong cộng đồng, bao gồm 740 người ở thủ đô Bangkok, 8 trường hợp khác là các ca nhập cảnh. Tâm chấn của đợt bùng phát dịch gần đây là ở thủ đô Bangkok, nơi tập trung nhiều tụ điểm vui chơi, giải trí.

Trong 1 ngày, Thái Lan ghi nhận 4 trường hợp tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 ở Thái Lan lên 121 người. Hiện đã có 30.189 bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện, 19.873 người khác hiện đang được điều trị.

Kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu ở Thái Lan

* Theo thông tin từ Bộ Y tế Lào, ngày 23/4, Lào ghi nhận 65 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 159 trường hợp.

Ông Phonepadith Xangsayarath, Tổng Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm và Dịch tễ học Quốc gia thuộc Bộ Y tế Lào cho biết trong một cuộc họp báo tại thủ đô Vientiane, rằng trong số các ca mới, 60 ca được phát hiện ở thủ đô Viêng Chăn, 5 trường hợp khác được phát hiện tại Champasak và Bokeo.

Giám đốc Trung tâm xét nghiệm Phonepadith khuyến cáo tất cả người dân Lào và người nước ngoài đang sinh sống tại đây nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đồng thời luôn cảnh giác trước những nguy cơ do đại dịch gây ra. Hiện đã có 7 tỉnh của Lào được áp dụng các biện pháp phong tỏa để hạn chế nguy cơ lây lan COVID-19.

Khó khăn trong thực hiện tiêm chủng do nguồn cung vắc xin khan hiếm

Mặc dù là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất vắc xin, nhưng Ấn Độ cũng lâm vào tình trạng thiếu vắc xin. Trước diễn biến của dịch bệnh trong nước, Ấn Độ còn tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu tất cả vắc xin phòng COVID-19 của Hãng AstraZeneca đang sản xuất ở nước này để dùng cho nhu cầu trong nước, được biết, lệnh cấm có thể kéo dài đến hết tháng 4-2021.

Ấn Độ đã bắt đầu các đợt tiêm chủng trên toàn quốc vào tháng 1 và đến nay đã tiêm được hơn 135 triệu liều vắc xin trên cả nước. Dự kiến Ấn Độ sẽ nhận được vắc xin Sputnik V của Nga vào cuối tháng 5, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu và điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ tiêm phòng của nước này. Đồng thời nguồn vắc xin Johnson&Johnson cũng sẽ tới Ấn Độ vào tháng 6 hoặc chậm nhất là tháng 7 tới.

Kể từ khi bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19, trong 3 tháng qua, Philippines đã tiêm được hơn 1,6 triệu liều vắc xin. Người đứng đầu cuộc chiến chống lại COVID-19 của Philippines, ông Carlito Galvez cho biết, Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người Philippines trong năm nay hướng tới đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin trước ở Philippines là các nhân viên y tế và người cao tuổi.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, tính đến ngày 22/4, Thái Lan đã tiêm được 964.825 liều vắc xin COVID-19 trên toàn quốc và khoảng 130.000 người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin. Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Nga đã chấp thuận trên nguyên tắc về đề nghị cung cấp vắc xin Sputnik V cho quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên số lượng vắc xin, giá cả và thời gian giao hàng sẽ được quyết định trong các cuộc thảo luận tiếp theo giữa công ty nhập khẩu vắc xin và Bộ Y tế Thái Lan.

Hải Yến

(Theo Tân Hoa Xã)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bong-ma-dich-benh-quay-lai-chet-choc-bua-vay-chau-a-n190557.html