Bóng lưng của bố…

Với những người con xa quê, có lẽ Tết mãi mãi ngưng đọng lại ở một khoảnh khắc đẹp tươi nào đó trong quá khứ. Với tôi, đó mãi mãi là khoảnh khắc một buổi chiều cuối năm ấm áp, khi ánh nắng vàng như rót mật chiếu chênh chếch bên hiên nhà, dưới mái ngói đỏ cũ kỹ đã mọc rêu xanh, bóng lưng bố vững chãi và ấm áp, ngồi dịu dàng nhặt tóc sâu cho mẹ…

Cái Tết lúc ấy là một ký ức sâu đậm và vô cùng trong đời. Đám trẻ con nhà quê thiếu thốn luôn khát khao ngày Tết khi được nghỉ học, được thưởng thức nhiều thức ăn ngon lành. Ông bà nội có một mảnh vườn nhỏ, xa nhà, thường xuyên ngập nước. Bố chắt chiu cho những ngày Tết thiếu thốn bằng cách đắp những ụ đất nhô cao, trên đó trồng chuối tiêu chuẩn bị cho Tết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cứ khi những cơn gió mùa se lạnh bắt đầu thổi vi vút trên cánh đồng, khi chị em chúng tôi theo chân bố ra vườn chặt chuối, ấy là khi Tết đã đến rất gần. Bố nhẹ nhàng ngả những buồng chuối chưa quá già, quả khum khum cong cong úp tròn lên nhau, còn nguyên tua rua ở đầu quả. Một lớp dày lá chuối khô ở dưới, một lớp lá bánh tẻ ở giữa, hai ba buồng chuối nằm ở trên cùng, quày quả cùng bước chân bố rảo bước về nhà. Hình ảnh bóng lưng bố vững vàng với đôi quang gánh một bên là chuối, một bên là hai chị em tôi đen nhẻm, tròn quay như viên bi ngồi nghêu ngao hát: “Bắp cải xanh/Xanh mát mắt/Lá cải sắp/Sắp vòng tròn/Búp cải non/Nằm ngủ giữa” còn dịu dàng ngọt nhẹ theo tôi vào cả những giấc mơ.

Về nhà, bố ngả buồng chuối, rửa sạch bụi, rồi xếp 2-3 nải vào một cái đĩa to, cẩn thận bày lên một quả bưởi vàng óng, mấy quả quýt đỏ au, vài quả quất thơm lừng, dăm quả ớt sừng đỏ chót. Đám lá chuối khô để dành gói bánh rợm, thứ bánh béo ú trắng trẻo xinh tươi, vị bánh thơm lừng với gạo nếp dẻo quánh, đậu xanh vàng tươi đã sát vỏ bùi bùi và một miếng thịt ba chỉ bé xíu. Chiều cuối năm, mỗi chị em được chia một chiếc, chỉ dám cắn dè vì sợ hết, vì để giữ cái vị thơm tho ngầy ngậy ngon lành ấy tan trong miệng thật lâu.

Đám lá bánh tẻ được bố rửa sạch, luộc qua cho mềm rồi gói giò. Bố nuôi một đàn gà Tàu, con nào con nấy to lớn oai vệ. Xẻ ra, phần thịt ngon nhất để gói giò, phần thịt nhiều da để nấu đông, phần xương ninh mềm để dành nấu măng trong 3 ngày Tết. Không dùng khuôn inox, bố lấy một miếng gỗ xoan đào còn nguyên vân hồng vàng óng ả, gọt sạch sẽ rồi đẽo thành một chiếc khuôn vuông. Thịt gà, thịt thủ, mộc nhĩ được xào kỹ trên bếp củi đến khi hơi xém, bỏ thêm thật nhiều tiêu xay, tỏa hương thơm lừng. Đến khi đám trẻ con ngồi chầu hẫu bên cạnh nuốt nước bọt cái ực là thịt chín. Rồi một lớp lá chuối được lót lên khuôn, thả vào trong lớp thịt đã xào, nhanh tay cuộn chặt. Giò được buộc bằng lạt tre, thêm một lớp bao dứa ở ngoài rồi thả ngay vào thùng nước lạnh. Nhà nghèo không có tủ lạnh, bố bảo quản bằng cách treo ngược cây giò lên nóc căn phòng mát nhất trong nhà. Lũ trẻ con chúng tôi thích mê lớp nước trong veo chảy ra từ giò, còn lẫn mấy mẩu mộc nhĩ giòn giòn bé xíu, thơm lừng mùi thịt, mùi hạt tiêu, trộn với cơm nóng là đi ngay cả bát lớn.

Chiều cuối năm, bố đánh cây quất vào chậu rồi trong khi xuống mộ mời tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu, bố giục mẹ tôi đi mua một cành đào trưng bàn thờ. Bố thích đào phai, thứ đào bông to, nụ lớn, thoảng mùi thơm nhẹ. Chiều 30 Tết, khi những việc chuẩn bị Tết xong xuôi, trong lúc chờ đun bó mùi già lấy nước tẩy trần năm cũ, bố mẹ thường ngồi bên hiên nhà, nhổ tóc sâu cho nhau, thủ thỉ nói chuyện. Bỏ lại bên ngoài tất cả những bon chen, khó nhọc, xô bồ…

Chúng tôi lớn lên, bóng lưng bố dần còng xuống. Nhưng đã thành thói quen khó bỏ, mỗi dịp Tết đến, bố vẫn tự tay chuẩn bị cho chúng tôi những thức ăn ngon lành như ngày thơ bé. Chiều cuối năm, bố mẹ vẫn có thói quen ngồi bên hiên nhà, chờ nghe tiếng xe đám con cháu từ xa trở về. Để đến khi mấy chiếc xe máy dừng xịch ở sân, bố mau mắn cười tươi chạy ra đón đàn cháu nhỏ vừa ùa vào lòng ông vừa gọi vang lanh lảnh: “Ông nội ơi, ông ngoại ơi!”.

Bố bệnh vào mùa đông, một mùa đông thật lạnh và buồn. Kỳ diệu là ngay cả trong những ngày cuối đời, bố vẫn khỏe mạnh và tỉnh táo, vẫn vui vẻ an ủi đứa con gái mau nước mắt: “Yên tâm, bố còn sống lâu. Để Tết này về gói giò gói bánh, chuẩn bị ngũ quả cho các con trưng ở nhà mới. Để đón đàn cháu nội cháu ngoại về ăn Tết với ông!”. Nói rồi bố trốn các con, ngủ một giấc thật dài, thật sâu không bao giờ tỉnh lại. Để mặc vườn chuối vắng vẻ, ngác ngơ trong buổi chiều cuối năm bời bời gió. Mặc đôi quang gánh chơ vơ lẻ loi vắt ngang thềm bếp. Mặc những cánh đào phai cắm trên bàn thờ theo gió bay bay, bay bay…

Để bóng mẹ nhỏ bé liêu xiêu đổ nghiêng trong buổi chiều cuối năm, lụi cụi một mình trong gian bếp rộng. Trong ráng chiều chênh chếch của ngày 30, chỉ còn bóng lưng mẹ gầy gò ngồi trên thềm nhà, mái tóc điểm bạc xõa nghiêng nghiêng, chậm chạp chạy ra đón những đứa con về nhà ăn Tết…

Và khi đó, tôi hiểu rằng, Tết ấm trong tim mình mãi khuyết đi một nửa…

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bong-lung-cua-bo-152276.html