'Bông huệ trắng' trong đời nhạc sĩ Hoàng Vân

Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã dành riêng cho Báo Sức khỏe & Đời sống những tâm sự lần đầu tiên chia sẻ với truyền thông về 2 ca khúc 'ngành Y' do cha mình sáng tác

Gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân tại công viên Bách Thảo năm 1972

Gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân tại công viên Bách Thảo năm 1972

Nhạc trưởng Lê Phi Phi hiện sống và làm việc tại Macedonia. Là một trong những nghệ sĩ âm nhạc cổ điển Việt thành danh ở châu Âu, hiện nay anh là Giáo sư Trung tâm Âm nhạc và Múa Ilijia Nikolovski của Macedonia. Trong dòng âm nhạc hàn lâm Việt Nam, Lê Phi Phi là một trong số hiếm người Việt đã và đang đảm trách vị trí chỉ huy trưởng của nhiều dàn nhạc giao hưởng có đẳng cấp quốc tế như : Dàn nhạc giao hưởng Kosovo, dàn nhạc Jyvaskyla Sinfonia Phần Lan, dàn nhạc của Trung Tâm Nhạc và Vũ Kịch Macedonia … Thành đạt ở hải ngoại, nhưng anh luôn hướng về quê hương bằng việc thực hiện nhiều buổi hòa nhạc tại Việt Nam mỗi năm, như một người nối duyên giữa hai nền âm nhạc Việt-Âu.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi và cha mẹ đêm Giao thừa Tết Bính Thân 2016

Vợ nhạc trưởng Lê Phi Phi là nghệ sĩ violin Lidia Dobrevska. Lidia đã biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng, thính phòng khác nhau tại các nước: Nga, Hy Lạp, Montenegro, Pháp, Đức, Ý, Việt Nam… góp mặt trong các liên hoan âm nhạc thế giới nổi tiếng cũng như ngồi ở vị trí giám khảo trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế…

Nhiều người biết rằng nhạc trưởng tài ba Lê Phi Phi chính là con trai nhạc sĩ Hoàng Vân. Sáng tác của Hoàng Vân rất đa dạng và ông thành công trong cả thể loại ca khúc dành cho các ngành nghề, trong đó có ngành Y của chúng ta.

Cả nhà nhạc sĩ Hoàng Vân đi chợ hoa giáp Tết Giáp Ngọ 2014

Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27 tháng 2 năm 2021, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã dành riêng cho Báo Sức khỏe & Đời sống những tâm sự lần đầu tiên chia sẻ với truyền thông về 2 ca khúc cha mình sáng tác về ngành Y.

Bài thứ nhất có tên Bài ca người chiến sĩ áo trắng. Bài được hát trên nhịp 6/8 là một nhịp thường dành cho nhạc múa với tốc độ nhanh, rộn ràng, hay bài hát ru với tốc độ chậm. Giai điệu của bài hát cũng như cấu trúc của nó tương đối lạ, không vào các khuôn khổ hình thức đoạn nhạc bình thường. Hình ảnh của các cán bộ ngành Y được ví với loài hoa đỗ quyên, đã là loài hoa hiếm và tuyệt đẹp, nhưng còn là hoa đỗ quyên trên đỉnh Hoàng Liên. Hình ảnh này khẳng định tình cảm trân quý của tác giả đối với những chiến sĩ áo trắng thầm lặng.

Bài ca người chiến sĩ áo trắng

Tên của bài thứ hai cũng được ngẫu hứng trên màu áo choàng bác sĩ biến thành hình ảnh tượng trưng một màu trắng tinh khiết, một loài hoa thật thanh tao, thánh thiện, Hoa huệ trắng. Bài được hát trên nhịp 3/4 để diễn tả sự dìu dặt, nhịp nhàng, khiến giai điệu thủ thỉ như một lời tâm sự, một lời nhắn nhủ mặc dù nội dung của lời là miêu tả sự khó khăn trong công việc của các bác sĩ trong thời chiến cũng như trong thời bình

Hoa huệ trắng

Cả hai bài hát đều được viết một cách nhẹ nhàng, chất lãng mạn riêng có, đặc trưng của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Người đàn bà sau sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Hoàng Vân

Người đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Vân viết hai ca khúc này chính là người bạn đời của ông, bác sĩ Lê Thị Ngọc Anh.

Là cô gái Hà Nội gốc, bà là một trong ba cô gái trong hơn 150 bác sĩ tốt nghiệp trường Đại Học Y Khoa Hà nội khóa đầu tiên sau chiến tranh năm 1954, khóa đã sản sinh ra những bác sĩ đầu ngành của ngành Y Việt nam.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, bà đã sang làm tại Bệnh Viện Đông Anh, sau đó quay về làm trưởng khoa cấp cứu Nhi của bệnh viện Hữu nghị Việt nam – Cu ba trong vòng hơn một chục năm trước khi chuyển về làm trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Saint Paul Hà nội. Bà là một trong những số bác sĩ hiếm hoi của khóa này làm thêm luận án Tiến sĩ về dinh dưỡng học sau một thời kỳ sang thực tập tại Pháp vào năm 1980.

Vào đầu những năm 90, khi đã ngoài 60 tuổi, bác sĩ Ngọc Anh được mời làm cố vấn y khoa cho một chương trình nhân đạo y tế của Hội cựu chiến binh Việt Nam ở California, Mỹ. Qua sự cố vấn và hợp tác của bà, Tổ chức này đã được phép lên huyện Lương Sơn, Hòa Bình để mở một số trường học làng, trạm xá, cũng như tài trợ thiện nguyện cho các em bị tật bẩm sinh được lên Hà Nội phẫu thuật. Bà làm cho tổ chức này trong vòng hơn 20 năm cho đến năm 2015. Đồng thời vẫn tiếp tục khám bệnh tại nhà cho các bệnh nhi.

Chương trình radio đặc biệt về nhạc sĩ Hoàng Vân nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam

Năm nay bác sĩ Ngọc Anh đã gần 90 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn viết hồi ký để giữ lại những kỷ niệm xưa. Bên cạnh tên tuổi và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân, vai trò của bà ít khi được nhắc tới. Tuy nhiên, với rất nhiều bạn bè trong giới nghệ thuật, bác sĩ Lê Thị Ngọc Anh cũng có nhiều người hâm mộ như một hình ảnh tuyệt đẹp của bà tiên áo trắng chữa bệnh cho mọi người và là một “hậu phương” vững chắc cho người bạn đời của mình- Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Có thể các bạn chưa biết, nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ. Bên cạnh nghệ danh Hoàng Vân, ông còn bút danh là “Y-Na” - đã đi cùng năm tháng với nhiều bài hát bất hủ của ông. Đây chính là viết tắt của 3 chữ “Yêu Ngọc Anh” - người bạn đời của ông. Chuyện kể rằng bà là người nữ công gia chánh giỏi thêu thùa đan lát. Bà đã thêu lên một chiếc khăn lụa bài hát “Nhớ” của nhạc sĩ Hoàng Vân, thay cho câu trả lời đồng ý với lời cầu hôn năm xưa…

*** Chân thành cảm ơn anh Trần Hồng Trường - Chủ tịch Hội vảy nến - Hội Da liễu Việt Nam, đã cung cấp cho Báo thông tin để hoàn thành bài viết đúng vào dịp Lễ trọng của Ngành Y tế.

Võ Hồng Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bong-hue-trang-trong-doi-nhac-si-hoang-van-n187409.html