'Bông hồng thép' của đội tuyển bắn súng quốc gia Việt Nam phải lên bàn mổ

Nữ huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bắn súng quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Nhung vừa phải phẫu thuật điều trị chấn thương khớp gối.

Tin từ Bệnh viện Việt Đức ngày 23-11 cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương khớp gối thành công cho nữ huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung, người được mệnh danh là "bông hồng thép" của đội tuyển bắn súng quốc gia Việt Nam.

Theo bác sĩ Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân bị rách đôi sừng sau sụn chêm trong, vón cục, đụng dập một phần dây chằng chéo trước, bong sụn mâm chày và thoái hóa khớp gối.

BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chi dưới, khám lại cho Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung sau 2 ngày phẫu thuật

BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chi dưới, khám lại cho Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung sau 2 ngày phẫu thuật

Trước đó, nữ huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bắn súng quốc gia cho biết chị bị đau khớp gối, kẹt khớp, lục khục trong khớp, đi lại khó khăn… Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh tổn thương sụn chêm khớp gối. Bệnh nhân đã từng sử dụng nhiều phương pháp kể cả biện pháp tế bào gốc, tiêm huyết tương tiểu cầu... nhưng không đỡ, đứng và đi lại rất khó khăn.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi khớp gối. 3 ngày sau ca mổ bệnh nhân đã đi lại được gần như bình thường, khớp gối không sưng, không đau.

Hiện, nữ huấn luyện viên trưởng Đổi tuyển bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung đã được xuất viện.

Bác sĩ Tùng cho biết bệnh viện từng khám và điều trị cho hàng chục ngàn trường hợp chấn thương khớp gối do chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-35 (chiếm tới 70-80%). Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, những môn đối kháng…

Phẫu thuật khớp gối cho bệnh nhân

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Kim Liên, quyền Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Việt Đức, nếu người bệnh tuân thủ các quy trình điều trị của thầy thuốc họ có thể sớm chơi thể thao trở lại sau 3 tháng phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cân bằng các chất đạm, đường, mỡ và bổ sung thêm một số thành phần dinh dưỡng như: Acid béo omega 3, một số vitamin C và vitamin E và uống uống đủ nước (35 ml/kg cân nặng).

Khi thấy có biểu hiện bất thường nên đến các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp, không kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.

H.Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/bong-hong-thep-cua-doi-tuyen-ban-sung-quoc-gia-viet-nam-phai-len-ban-mo-20201123100247557.htm