'Bóng hồng' thể thao và những hy sinh thầm lặng

Nữ giới đóng góp nhiều cho thể thao Việt Nam (TTVN), ASIAD 18 là một ví dụ điển hình. Những 'bóng hồng' thể thao đã chứng minh được bản lĩnh, ý chí và cả sự hy sinh hạnh phúc riêng để mang về vinh quang cho tổ quốc.

VĐV Bùi Thị Thu Thảo giành HCV môn nhảy xa ở ASIAD 18. Ảnh: THÙY MINH

Chuyện “nhịn” sinh con của Thu Thảo

VĐV Thu Thảo là người đã đóng góp cho TTVN 1 trong 4 tấm HCV ASIAD 18. Đấy là thành tích mà Thảo không chỉ hy sinh bằng những giọt mồ hôi trên sân tập mà còn là chuyện gác lại hạnh phúc được làm mẹ.

Thu Thảo đến với sự nghiệp thể thao không phải từ đam mê. Do có tố chất từ nhỏ nên cô được bố định hướng theo học với mong muốn có thể thay đổi được cuộc sống. Là con út trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mắc bệnh suốt hơn 18 năm và không thể lao động. Mẹ Thảo chỉ ở nhà chăm bố trong suốt quãng thời gian đó.

Thảo đã vượt qua tất cả những thử thách để chuyên tâm luyện tập. Cô thừa nhận có những thời điểm mới theo tập chán muốn bỏ. Thế nhưng được sự động viên của gia đình, cô đã tiến lên thành VĐV chuyên nghiệp. Và nhờ sự nghiệp thể thao mà cô đã san sẻ được những khó khăn cho gia đình. Những khoản tiền thưởng mà cô giành được từ các giải đấu có thành tích đã đỡ đần tiền thuốc cũng như chế độ ăn uống cho bố mẹ.

Không ít lần khi thi đấu đỉnh cao, việc vật lộn với những chấn thương cùng cuộc sống với đồng lương ít ỏi, Thảo đã muốn giải nghệ sớm. Thế nhưng, nghị lực đã giúp cô vượt qua và tiếp tục chiến thắng chính giới hạn bản thân. Với một VĐV theo thể thao vì đam mê vượt qua thử thách đã khó thì với Thảo còn khó khăn hơn khi luôn phải đấu tranh giữa sự nghiệp và cuộc sống.

Thu Thảo kết hôn từ năm 2015, chồng cô chỉ là một công nhân bình thường. Vì sự nghiệp, cô đã "kế hoạch" nên sau 3 năm kết hôn hai vợ chồng vẫn chưa sinh con. Để có được thành công như hôm nay, Thảo đã nhận được sự thông cảm và chia sẻ lớn từ chồng và gia đình chồng. Sau khi giành HCV tại ASIAD 18, Thu Thảo đã tâm sự rằng: “Nhà chồng không đặt nặng chuyện này đâu, bởi họ biết tôi đi theo nghiệp thể thao. Mọi người chỉ động viên rằng, các con cố gắng thật tốt, khi nào sinh được hãy cố gắng sinh.

Ở nhà, bố mẹ đẻ nói tôi phải sinh em bé đi. Bố tôi bảo thể thao chỉ có thời. Bố hiểu điều đó vì ngày xưa, mỗi lần tôi chấn thương trở về, bố thường là người đưa tôi đi đắp thuốc. Có những lần chấn thương, cổ chân sưng tấy đến mức không đi nổi, mẹ tôi còn phải cõng con gái vào nhà vệ sinh”.

Nữ cầu thủ mang bầu giành HCV Sea Games

Không chỉ Thu Thảo, nhiều nữ VĐV cũng phải đứng trước chọn lựa giữa việc lập gia đình, sinh con và thi đấu đỉnh cao. Bởi nhiều nữ VĐV chia sẻ, giai đoạn thi đấu đỉnh cao ngắn ngủi, nếu sinh con sẽ phải nghỉ một quãng dài, sau khi trở lại tập luyện nhiều người không thể lấy lại được phong độ. Bởi vốn dĩ thể thao thành tích cao phải được tập luyện thường xuyên. Bên cạnh đó, những thay đổi sau khi sinh con khiến nhiều VĐV thi đấu các môn liên quan đến thể lực, sức nhanh, sức bền không thể còn bước lên đỉnh cao được.

Đó là chưa kể, các VĐV nữ không may khi phải thi đấu trong những ngày “đèn đỏ”. Đấy là điều khiến cho họ dở khóc dở cười, nhiều người phải nghiến răng để thi đấu, cũng có những trường hợp vì thế mà mất HCV. Thế nên, VĐV thi đấu đỉnh cao có thời điểm phải dùng thuốc điều kinh để tránh chu kỳ kinh nguyệt rơi vào ngày thi đấu là chuyện không lạ.

Tại SEA Games 2017, VĐV Hoàng Thị Thanh từng đánh mất HCV khi chỉ về thứ 2 trên đường đua Marathon. Lý do được cô đưa ra ngay sau đó là bởi đến ngày “đèn đỏ” và không có được thể trạng tốt nhất. Chính điều đó đã khiến nữ VĐV này “rơi vàng”.

Hay tất cả vẫn còn nhớ, sau SEA Games 2017, HLV Mai Đức Chung từng tiết lộ sốc về chuyện có tuyển thủ nữ mang thai vẫn thi đấu. Nguyên văn lời ông Chung chia sẻ thì: “Câu chuyện mà tôi nói ra thì mọi người còn phải lo sợ và rùng mình hơn. Các VĐV của chúng ta dám hy sinh cả tính mạng và hy sinh cả con cái để thi đấu. Có những VĐV sau giải mới thông báo với ban huấn luyện là cô đã có bầu mấy tháng rồi mà còn thi đấu. Khi chưa biết chuyện này tôi đã cảm phục với các VĐV nữ của chúng ta rồi, nhưng sau chuyện này thì tôi càng cảm phục hơn. Tôi hết sức ngỡ ngàng và ngã mũ thán phục”.

Chuyện là sau chuyến tập huấn Nhật Bản cùng tuyển nữ Việt Nam trước khi lên đường sang Malaysia dự SEA Games, nữ cầu thủ này đã tranh thủ về thăm gia đình tại Hà Nội. Nữ tuyển thủ này sau giải đấu đi kiểm tra mới biết mình mang thai, còn trong giải cô hoàn toàn không biết gì.

Các bác sĩ của đội tuyển nữ cho biết việc kiểm tra y tế cho các cầu thủ được diễn ra đều đặn. Đó là thời điểm tập huấn tại Nhật Bản, trước khi dự SEA Games. Nhưng các lần đó đều không phát hiện nữ cầu thủ này có thai. Thực tế, luật FIFA không có một văn bản cụ thể nào về việc cấm cầu thủ nữ mang thai được thi đấu. Tuy nhiên, trong các tài liệu hướng dẫn về việc chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên nữ nói chung có khuyến cáo về vấn đề này. Phụ nữ mang thai có thể tập luyện một số môn thể thao để duy trì sức khỏe, nhưng riêng các môn thi đấu đối kháng như bóng đá thì cần hạn chế. Sau SEA Games 2017, nữ cầu thủ này cũng chính thức giải nghệ với tấm HCV đầy ý nghĩa dành tặng cho con mình.

Đó là những hy sinh mà chỉ các nữ VĐV mới thấu hiểu hơn ai hết. Ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam từng chia sẻ, chúng ta vẫn phải chấp nhận một nền thể thao "âm thịnh - dương suy”. Nữ giới đóng góp cho thể thao nhiều, bất chấp việc so với các đồng nghiệp nam, họ phải hy sinh vất vả hơn nhiều.

Hoài Đan

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/bong-hong-the-thao-va-nhung-hy-sinh-tham-lang-633034.ldo