Bóng hồng PVEP bị bắt, vợ chồng bầu Kiên rút lui

Bóng hồng PVEP Vũ Thị Ngọc Lan bị bắt, bầu Kiên hoàn tất bán toàn bộ cổ phần tại VietBank, trong khi bà Nguyễn Ngọc Lan có đơn từ nhiệm...

Bóng hồng quyền lực PVEP bị bắt

Ngày 6/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định bà Vũ Thị Ngọc Lan đã lạm dụng chức vụ Phó Tổng giám đốc PVEP chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền chi lãi ngoài từ Ngân hàng TPCP Đại Dương (Oceanbank).

Việc khởi tố, bắt tạm giam bà Ngọc Lan là động thái tố tụng mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng giai đoạn 2 đại án xảy ra tại Oceanbank.

Bà Vũ Thị Ngọc Lan

Bà Vũ Thị Ngọc Lan

Bà Lan là lãnh đạo thứ hai của PVEP bị bắt do nhận lãi ngoài. Trước đó, nguyên Tổng giám đốc công ty này là ông Đỗ Văn Khạnh cũng bị bắt về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

PVEP cho biết bà Vũ Thị Ngọc Lan giữ vị trí Phó tổng giám đốc đơn vị này từ tháng 1/2009 và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực chuyên môn.

Trước đó, quá trình điều tra, xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hàng loạt cán bộ ngành dầu khí nhận ngoài lãi suất từ Oceanbank.

Vợ chồng bầu Kiên rút lui

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - VietBank (VBB) cho biết, ngày 18/1 tới đây ngân hàng này sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường.

Rất nhiều nội dung quan trọng sẽ diễn ra trong cuộc họp này, trong đó có việc xem xét tờ trình miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), theo nguyện vọng cá nhân.

Trước khi VietBank công bố thông tin bà Đặng Ngọc Lan nộp đơn từ nhiệm, ông Nguyễn Đức Kiên cũng đã thoái toàn bộ 6.613.200 cổ phần VBB quy mệnh giá 10.000 đồng/cp (tương đương 2,035% vốn) tại VietBank.

Bố mẹ của bà Đặng Ngọc Lan cũng đã bán phần lớn cổ phần tại VietBank. Tính đến ngày 4/1/2019, ông Đặng Công Minh (bố bà Lan) chỉ còn nắm giữ 300.000 cổ phần VBB (mệnh giá 10.000 đồng), tương đương 0,073% vốn. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (mẹ bà Lan) còn nắm giữ 700.000 cổ phần VBB, tương đương 0,171%.

Như vậy, tính tới hết 4/1/2019, chỉ còn bà Đặng Ngọc Lan là người trong gia đình Bầu Kiên hiện còn sở hữu lượng cổ phần VBB khá lớn: gần 15 triệu cổ phần tại VietBank, tương đương hơn 4,6% vốn điều lệ.

Trước đó, nhóm cổ đông gia đình Bầu Kiên cũng đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu và đã đăng ký bán tiếp cổ phiếu ngân hàng này. Trong đợt gần đây, bố mẹ vợ Bầu Kiên đăng ký bán toàn bộ hơn 7,4 triệu cổ phiếu, thoái sạch vốn khỏi VietBank sau khi bán thành công cả chục triệu cổ phiếu VietBank trước đó. Em ruột Bầu Kiên cùng chồng và chị gái hồi cuối tháng 7/2018 cũng đã chuyển nhượng xong hàng chục triệu cổ phiếu VBB.

Đại gia Dương Ngọc Minh xin khất nợ

Báo cáo tài chính niên độ 2017-2018 vừa được Công ty cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) công bố ghi nhận hàng loạt khoản mục bị thay đổi sau kiểm toán. Điển hình là nợ phải trả tăng thêm 150 tỷ, lên 6.440 tỷ đồng mà nguyên nhân chủ yếu đến từ vay tài chính và các khoản phải trả ngắn hạn như hoàn tạm ứng, cổ tức...

Giảm 3.300 tỷ đồng so với đầu năm nhưng vay ngân hàng vẫn chiếm hơn phân nửa trong cơ cấu nợ phải trả, tương ứng 3.358 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của "vua cá tra" Hùng Vương là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi tổng số dư bằng đôla Mỹ và đồng Việt Nam lên đến 2.146 tỷ đồng. Hai khoản này lần lượt đáo hạn vào tháng 6 và tháng 8 năm nay.

Công ty do ông Dương Ngọc Minh làm chủ tịch còn vay ngắn hạn 620 tỷ đồng từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) với lãi suất 5,3-7% một năm. Đây là khoản nợ có giá trị lớn thứ hai, phát sinh từ giữa tháng 10/2017 và đáo hạn vào cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9 năm ngoái, công ty chưa thanh toán phần vay đến hạn trả 550 tỷ đồng và đang xin ngân hàng chấp thuận giãn thời gian thanh toán trong vòng tám năm tiếp theo.

Một số khoản vay còn lại đến từ Vietinbank, HDBank, Agribank... và đều đáo hạn trước tháng 6 năm nay. Các khoản vay này được thực hiện nhằm bổ sung vốn lưu động và đầu tư vào việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản.

Tính đến cuối niên độ tài chính 2017–2018, Hùng Vương vẫn còn lỗ hơn 423 tỷ đồng và dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Phía kiểm toán cho biết báo cáo tài chính này được lập với giả định công ty có thể sử dụng tài sản và thanh toán các khoản nợ trong tương lai gần. Khả năng tiếp tục hoạt động phần nhiều phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền, kinh doanh có lợi nhuận và được các ngân hàng đồng ý tái cơ cấu nợ vay.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/bong-hong-pvep-bi-bat-vo-chong-bau-kien-rut-lui-3372777/