'Bóng hồng' Kovalevskaia: Từng khóc rất nhiều vì bị chuyển ngành

Là một trong hai 'bóng hồng' được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2017, ít ai biết rằng, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân (Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế) đã từng 'khóc rất nhiều' vì bị chuyển sang ngành thú y.

Những công trình nghiên cứu thực tiễn

Vào những năm 80, ngành Thú y tại Việt Nam chưa phát triển. Cô sinh viên Y khoa năm ấy ao ước được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để chữa bệnh cứu người. Song niềm mơ ước lại bị vụt tắt.

Sau khi sang Nga, nữ sinh Bích Lân được chuyển sang học ngành Thú y tại Viện Thú y Moscow.

“Lúc đó tôi đã khóc rất nhiều vì ước mơ không thành hiện thực".

Nhưng, nỗi buồn ấy đã được xoa dịu khi trong buổi khai giảng đầu tiên, giữa 300 sinh viên năm nhất, các thầy giáo tại Viện Thú y Moscow đã định hướng rằng, đây là một nghề cao quý.

Nghề thú y không chỉ chữa cho gia súc, động vật mà còn là nghề tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và thông qua đó bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

“Sau khi được các thầy cô truyền đạt điều đó, tôi đã vơi đi hết nỗi buồn và bắt đầu cảm thấy thích thú với con đường này”, bà chia sẻ.

Ra đi ở một đất nước nghèo, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân luôn ấp ủ sau khi về nước có thể ứng dụng những kiến thức mình học tập được ở nước ngoài để góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Trong suốt quãng thời gian học tập tại nước bạn, bà nhận ra rằng, chỉ có những thành tựu của khoa học mới có thể giúp đất nước phát triển.

Từ đó, cô sinh trẻ bắt đầu trăn trở về những công trình nghiên cứu.

Năm 1996, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân tiếp tục đi nghiên cứu sinh tại Đại học Gifu (thuộc Đại học Obihiro của Nhật Bản) – một trong những trường nổi tiếng đào tạo về thú y.

Đến năm 47 tuổi, bà được được công nhận chức danh phó giáo sư.

PGS.TS Đinh Thị Bích Lân cũng chính là người tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi thú y không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà cả ở miền Trung - Tây Nguyên.

Vừa làm giảng viên Khoa Chăn nuôi Thú ý thuộc Trường ĐH Nông Lâm Huế, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân vẫn hết mình cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Năm 2012, bà cùng những người cộng sự của mình đã nghiên cứu ra que chuẩn đoán nhanh các bệnh ký sinh trùng ở người và động vật. Nhóm nghiên cứu do bà chủ trì là những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công que thử này.

Chỉ cần nhỏ huyết thanh của người hoặc động vật vào que thử, trong vòng 10 phút có thể xác định ngay người hoặc động vật đó có nhiễm bệnh hay không. Điều đặc biệt, loại que thử này có tính đặc hiệu cao, giá thành thấp, không cần kỹ thuật viên có trình độ cao và có thể chuẩn đoán ở bất kì điều kiện nào.

Ngoài ra, bà cũng nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học chứa kháng thể trong lòng đỏ trứng gà dùng để thay thế kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm. Chế phẩm này có nhiều ưu điểm nổi trội, chỉ tác động lên mầm bệnh mà không ảnh hưởng đến các vi sinh vật có lợi, không gây kháng thuốc, dễ sử dụng. Điều trị thử nghiệm cho thấy hiệu quả điều trị cao: làm giảm tỷ lệ chết, thời gian điều trị nhanh, giảm thiệt hại kinh tế,…

Các công trình nghiên cứu của bà đã và đang được chuyển giao cho địa phương và các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học.

May mắn vì có chồng bên cạnh

Dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng PGS.TS Đinh Thị Bích Lân cho rằng, để có điều đó một phần rất lớn là nhờ sự ủng hộ từ phía gia đình và người chồng cũng là người đồng nghiệp thân thiết.

Từ những năm 2000, nhiều người đã quen với hình ảnh cặp vợ chồng giảng viên Đinh Thị Bích Lân và Phùng Thăng Long miệt mài cho những nghiên cứu về giống lợn lai có tỷ lệ nạc cao, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của miền Trung.

Nghiên cứu này đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân cũng như nhiều trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nói về người chồng luôn sát cánh ủng hộ mình trên suốt hành trình làm nghiên cứu, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân chia sẻ:

“Tôi luôn có chồng ủng hộ và đồng hành trong suốt chặng đường làm nghiên cứu. Đó có lẽ là điều may mắn nhất với tôi”.

PGS.TS Đinh Thị Bích Lân tại lễ trao giải thưởng ngày 6/3. Ảnh: Thanh Hùng

Đã 28 năm công tác tại ĐH Huế, đảm nhận công tác ở nhiều vị trí khác nhau nhưng PGS.TS Đinh Thị Bích Lân vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bà luôn quan niệm: “Làm nghiên cứu không bao giờ có điểm dừng”. Do đó, mặc dù kinh phí được cấp không đủ để làm nghiên cứu, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân với niềm đam mê và mong ước tạo ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội đã tự đi tìm những nguồn kinh phí từ phía gia đình và các doanh nghiệp để việc nghiên cứu luôn diễn ra liên tục.

Bà khẳng định: “Dù được nhà nước cấp kinh phí hay không có, chúng tôi vẫn nỗ lực tiếp tục nghiên cứu”.

Hiện tại có nhiều sản phẩm khoa học sau khi nghiên cứu không đem lại giá trị thực tiễn gây lãng phí. Vì thế, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân luôn ưu tiên lựa chọn những đề tài có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn cao.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/bong-hong-kovalevskaia-tung-khoc-rat-nhieu-vi-bi-chuyen-nganh-434225.html