Bóng đen bao trùm xứ sở kim tự tháp

Nhiều ngày sau khi xảy ra vụ khủng bố khiến 3 du khách Việt Nam cùng 1 hướng dẫn viên thiệt mạng gần khu quần thể kim tự tháp nổi tiếng Giza, ngành du lịch của đất nước Ai Cập đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Vụ bạo lực này là một cú đòn nặng nề giáng vào Ai Cập, phủ bóng đen bao trùm tương lai ngành du lịch của đất nước Pharaon, đồng thời làm dấy lên những quan ngại về tình hình an ninh ở quốc gia châu Phi này.

Cú đòn giáng vào ngành du lịch

Vài ngày sau vụ đánh bom hôm 28-12, mặc dù du khách quốc tế vẫn đến tham quan quần thể kim tự tháp ở Giza, gần thù đô Cairo, nhưng họ canh cánh trong lòng nỗi lo sợ về sự an toàn của bản thân. Cuộc tấn công xảy ra nhằm vào một đoàn khách du lịch từ Việt Nam khi chiếc xe chở họ đi ngang qua một khu kim tự tháp. Theo Viện Công tố Ai Cập, đây là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào du khách tại nước này kể từ tháng 7-2017.

Chưa có tổ chức nào lên tiếng thừa nhận là thủ phạm gây ra vụ tấn công, nhưng một số dấu hiệu cho thấy có vẻ như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng đằng sau vụ này. Vụ đánh bom dường như muốn nhằm vào một trong những trụ cột của nền kinh tế Ai Cập, đó là ngành du lịch, vốn đã tăng trưởng mạnh trở lại trong vòng 1 năm qua sau nhiều năm điêu đứng vì tình trạng bất ổn kéo dài. Theo báo Le Figaro của Pháp, vụ bạo lực chết người nhằm vào đoàn du khách Việt Nam đã “gây tổn hại nặng nề đến khả năng vực dậy ngành du lịch Ai Cập”.

Sau vụ đánh bom, lực lượng an ninh Ai Cập đã được điều động bảo vệ các lối vào những địa điểm du lịch. Du khách quốc tế vẫn đến tham quan địa điểm xảy ra vụ đánh bom khủng bố khi cho rằng các vụ tấn công không bao giờ lặp lại ở cùng một vị trí. Dòng khách du lịch vẫn lần lượt chờ đến lượt mình để được cưỡi lạc đà vào tham quan khu lăng mộ Giza, một tổng thể gồm 3 kim tự tháp, kỳ quan thiên nhiên thế giới duy nhất còn tồn tại hiện nay trong số 7 kỳ quan thế giới cổ đại.

Mặc dù vậy, người dân bản địa làm việc tại đây nói rằng họ bàng hoàng bởi vụ tấn công, đồng thời bày tỏ quan ngại rằng vụ việc có thể ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ. "Tôi hoàn toàn như người mất hồn song tôi đã lấy lại được tinh thần để quay trở lại làm việc”, cô Dalia Sadaka, nhân viên làm việc tại di tích cổ đại cho biết. Một người đàn ông địa phương giấu tên cũng nói rằng vụ tấn công có thể ảnh hưởng đến nguồn thu của họ. Ông này nói: "Thật đáng tiếc. Chúng tôi đã từng mừng thầm khi ngành du lịch đã lấy lại được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, giờ đây vụ đánh bom đã gây ra nhiều quan ngại thực sự”.

Nhiều năm qua, tình trạng bất ổn kèm theo các vụ tấn công đẫm máu đã khiến ngành du lịch Ai Cập điêu đứng. Ví dụ, hồi tháng 10-2015, vụ đánh bom do một phần tử IS gây ra đã cướp đi sinh mạng của 224 người đang trên một chiếc phi cơ chở khách du lịch Nga đến bán đảo Sinai. Vụ đánh bom này đã giáng một đòn chí mạng vào ngành du lịch Ai Cập, vốn vẫn chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng Mùa Xuân Arab 2011 khiến nhà lãnh đạo Ai Cập Hosni Mubarak phải rời bỏ quyền lực. Đến năm 2017, khách du lịch đã bắt đầu trở lại Ai Cập với con số đạt 8,2 triệu lượt, tăng so với mức 5,3 triệu lượt của năm 2016, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Ai Cập. Tuy nhiên, con số 8,2 triệu này vẫn còn kém xa so với mức kỷ lục 14 triệu lượt ghi nhận được trong năm 2010, thời điểm trước khi xảy ra Mùa Xuân Arab.

Theo báo chí Pháp, ngành công nghiệp mới phục hồi trở thành mục tiêu của những nhóm vũ trang cực đoan. Các nhóm này dường như muốn ngăn cản chế độ của Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah Al Sissi tìm lại được thời huy hoàng trước đây. Mỗi khi lĩnh vực này được cải thiện thì lại xảy ra cuộc tấn công nhằm vào khách du lịch nước ngoài. Sau vụ khủng bố hôm 28-12, một số nhà điều hành du lịch lớn như Thomas Cook hay TUI đã hủy các chuyến đi Ai Cập trong những ngày tới.

Chiếc xe chở đoàn du khách Việt Nam biến dạng vì vụ đánh bom. Ảnh tư liệu

Quan ngại an ninh

Như để chứng minh là tình hình an ninh đang nằm trong vòng kiểm soát, đêm sau vụ khủng bố, chính quyền Ai Cập đã cho bố ráp gần nơi xảy ra vụ nổ và cả khu vực Al Arish ở Bắc Sinai. Nhà chức trách Ai Cập tuyên bố đã tiêu diệt 40 nghi phạm trong đợt truy quét này. Tuy nhiên, sau khi nhà chức trách khẳng định đã tiêu diệt "40 kẻ khủng bố đang có một loạt kế hoạch tấn công vào du lịch, địa điểm thờ phụng của công giáo và lực lượng an ninh”, báo chí Pháp đặt câu hỏi: "Có thật là 40 kẻ “khủng bố” hay không hay đây chỉ là sự dàn dựng nhằm trấn an khách du lịch và người dân địa phương.

Theo tờ La Figaro, giới chuyên gia thường xuyên tố cáo các vụ dàn cảnh với cớ chống khủng bố. Ông Oded Berkowitz, chuyên gia phân tích của cơ quan tư vấn rủi ro địa chính trị Max Security đã ghi nhận các chi tiết đáng ngờ trên những tấm ảnh được nhà chức trách Ai Cập công bố. Theo chuyên gia Berkowitz, trong 31 tấm hình này, không thấy các đầu đạn trên mặt đất, những vết thương ở đầu và trên lưng, nhưng vật dụng xung quanh cho thấy có một bàn tay đã can thiệp, không giống như mô tả là “những cuộc đấu súng dữ dội”.

Dù sự thật sau chiến dịch trên là như thế nào, có một điều có thể khẳng định chắc chắn là vụ tấn công khủng bố gần Giza đã gây quan ngại an ninh thực sự, tác động đáng kể đến tâm lý của khách du lịch quốc tế khi cân nhắc Ai Cập làm điểm đến. Để lấy lại được hình ảnh là điểm đến an toàn trong mắt du khách, nhà chức trách nước này chỉ có cách là cải thiện tình hình an ninh thực sự để du khách thấy được rằng họ sẽ được an toàn khi đến thăm xứ sở của những kim tự tháp.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bong-den-bao-trum-xu-so-kim-tu-thap-132652.html