Bóng dáng của vốn Trung Quốc ở các dự án nhiệt điện than

Trước đây, việc đầu tư vào các dự án nhiệt điện được các tập đoàn Điện lực (EVN), Dầu khí (PVN) và Than - Khoáng sản (TKV) đùn đẩy lẫn nhau do thiếu vốn, thời gian đầu tư kéo dài và tiền bán điện cũng nợ đọng qua nhiều năm. Bỗng nhiên, đến dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) và Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 (Trung tâm Điện lực Quảng Trạch) thì các nhà đầu tư lại cạnh tranh nhau để đăng ký làm chủ đầu tư dự án.

Việc phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam thời gian qua phần lớn phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Ảnh: Internet

Tư nhân muốn vào, DNNN muốn giữ dự án

“Không đề nghị Chính phủ bảo lãnh các khoản vay quốc tế cho các dự án; không đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù về giá điện cho các dự án. Khẩn trương tiến hành triển khai công tác khởi công xây dựng dự án”, liên doanh Geleximco - Công ty TNHH Hồng Kông United Investors Holding (HUI) đã cam kết bằng văn bản như vậy với Chính phủ và Bộ Công Thương khi đăng ký làm chủ đầu tư ba dự án nhiệt điện than: Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch 1 và 2.

Theo Quy hoạch điện 7 đến năm 2030, Việt Nam cần một lượng vốn lên đến 45 tỉ đô la Mỹ để đầu tư, và hiện đã huy động được 40 tỉ đô la. Vì vậy mà các cam kết nêu trên có vẻ như rất đúng lúc.

Nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Sở dĩ, hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương phải gửi văn bản lấy ý kiến các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Xây dựng về đề xuất làm ba nhà máy nhiệt điện nói trên vì cả ba dự án này hiện do TKV và EVN được Chính phủ giao làm chủ đầu tư từ những năm trước.

Ở dự án Quỳnh Lập 1, TKV cho biết đã đàm phán với Liên danh tổ hợp nhà thầu EPC Doosan - Lilama - Narime. Đồng thời cũng đang tổ chức đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN. Ở hai dự án Quảng Trạch 1 và 2, EVN cũng đang phê duyệt điều chỉnh báo cáo khả thi.

Tuy nhiên, vấn đề của các dự án là thu xếp vốn. Ở dự án Quỳnh Lập 1, TKV chủ trương nắm giữ cổ phần dự án tối thiểu là 36% (tỷ lệ đủ để phủ quyết các quyết định của HĐQT theo quy định của Luật Doanh nghiệp - NV) nên chỉ muốn kêu gọi các bên đối tác vào góp vốn với tỷ lệ thấp hơn. Phương án thứ nhất là TKV liên doanh với Geleximco (30%) và tập đoàn Năng lượng mới Kaidi Dương Quang (Trung Quốc) - cổ đông của HUI (34%). Phương án hai là TKV (36%) sẽ hợp tác với Kospo (Hàn Quốc - 34%) và các cổ đông khác. Tuy nhiên, liên doanh Geleximco - Kaidi không đồng ý với tỷ lệ góp vốn mà TKV đưa ra, mà muốn nắm 75% vốn, phần còn lại là TKV. Do đó, TKV tìm kiếm thêm nhà đầu tư khác trên cơ sở hợp tác với Kospo.

Ngặt nỗi, kể cả Kospo và TKV đều muốn xin cấp bảo lãnh chính phủ cho nguồn vốn vay của dự án trong bối cảnh tình hình tài chính của TKV đang khó khăn và bảo lãnh chính phủ đã được siết chặt từ cách đây hai năm. Đây là điều khó thực hiện.

Còn ở hai dự án Quảng Trạch 1 và 2, EVN khẳng định cũng đang triển khai các thủ tục vay vốn từ các ngân hàng trong nước. Theo EVN, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank đã cam kết đứng ra làm ngân hàng thu xếp vốn cho dự án. Tuy nhiên, đến nay hợp đồng vay vốn chính thức cũng chưa được chốt.

Ai sẽ là chủ đầu tư - cần được cân nhắc kỹ

Trong khi cả TKV và EVN đều gặp khó nếu đầu tư ba dự án nhiệt điện nói trên, thì liên doanh Geleximco lại đưa ra đề xuất được cho là không thể tốt hơn. Song, về phía cơ quan quản lý nhà nước, việc cân nhắc ai sẽ là chủ đầu tư ở cả ba dự án là điều cực kỳ cần thiết, bất kể là EVN, TKV hay liên doanh Geleximco.

Theo Bộ Công Thương, Geleximco - một đối tác trong liên doanh với HUI có vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính 2016 khoảng 8.976 tỉ đồng và dòng tiền còn tiếp tục gia tăng. Nhưng HUI - một công ty được Kaidi Dương Quang (Trung Quốc) thành lập năm 2016 chỉ nhằm mục đích huy động vốn vào các dự án lớn ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Geleximco báo cáo rằng do vậy HUI chưa có báo cáo tài chính ba năm gần nhất theo yêu cầu.

Geleximco chỉ đưa ra báo cáo tài chính của Kaidi - cổ đông chính của HUI ba năm 2014-2016 mà không cho cơ quan quản lý biết tỷ lệ sở hữu của Kaidi tại HUI là bao nhiêu phần trăm. Đồng thời còn đưa năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm của Kaidi làm năng lực và kinh nghiệm thay cho HUI. Hay nói khác đi là khi cần chứng minh năng lực tài chính của đơn vị trong liên danh, đối tác Trung Quốc lại dùng cổ đông chính để thay thế.

Nhưng điều quan trọng nhất là 80% tổng mức đầu tư dự án sẽ được liên danh huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu cùng nhóm các ngân hàng: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và ba ngân hàng lớn khác cũng của Trung Quốc. Nhờ được “chống lưng” mạnh về tài chính, Geleximco và HUI cam kết không cần bảo lãnh mà có thể ký kết giải phóng mặt bằng, tái định cư với chính quyền địa phương tại dự án Quỳnh lập 1 trong vòng ba tháng sau khi được phê duyệt là chủ đầu tư. Hai tháng sau đó, họ sẽ ký hợp đồng EPC. Tổng thầu thậm chí còn ứng trước toàn bộ chi phí công trình trước khi hoàn tất các thủ tục thu xếp vốn. Sau khi ký EPC sẽ đàm phán các nội dung quan trọng tiếp theo.

Thông thường, đối với dự án nhiệt điện, dù đã hoàn tất các thủ tục đầu tư thì thời gian làm được chừng ấy việc cũng phải mất nhiều năm. Trong khi với liên doanh Geleximco - HUI, thời gian này rút xuống chỉ còn vài tháng (cho một dự án 2,1 tỉ đô la) là điều “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử đầu tư ngành điện tại Việt Nam.

Trung Quốc, nhà tài trợ chính cho nhiệt điện than

Sự xuất hiện của đối tác HUI, Kaidi và các dòng vốn vay với điều kiện dễ dàng đổ vào các dự án nhiệt điện trị giá hàng tỉ đô la Mỹ khiến công luận nhớ lại nội dung báo cáo “Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: góc nhìn tài chính” do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) thực hiện tháng 12-2017.

Báo cáo đã chỉ ra rằng để có công suất hơn 13.000 MW điện than như hiện nay, Việt Nam đã huy động gần 40 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư. Vốn trong nước chiếm 17%, vốn nước ngoài 52% và phần còn lại (31%) là vốn huy động từ các nguồn không xác định. Nhưng bất kể vốn nước ngoài từ nguồn nào thì Trung Quốc đều dẫn đầu: 40% tổng nguồn tín dụng cho vay xuất khẩu; 80% vay ngân hàng thương mại và 50% tổng nguồn vay từ tổ chức tài chính hỗ trợ phát triển.

Ngọc Lan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271238/bong-dang-cua-von-trung-quoc-o-cac-du-an-nhiet-dien-than.html