Bóng đá Yemen: Cây trường sinh trong bom đạn chiến tranh

Vào cuối năm 2014, dấu hiệu nội chiến xuất hiện, giải bóng đá vô địch quốc gia Yemen bị hoãn vô thời hạn. Ấy vậy mà trong tình cảnh cầu thủ mỗi người một xứ, đội tuyển quốc gia Yemen vẫn giành quyền dự vòng chung kết (VCK) Asian Cup 2019, thực là đáng nể, đáng để suy ngẫm.

Tháng 3-2017, đám đông chừng 7.000 cổ động viên (CĐV) ăn mừng cuồng nhiệt tại sân vận động (SVĐ) Suheim bin Hamad (Doha, Qatar). Họ được chứng kiến chiến tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá Yemen, khi đội tuyển quốc gia đánh bại Nepal 2-1 trong trận đấu thuộc vòng loại Asian Cup 2019, để lần đầu tiên giành quyền tham dự VCK giải bóng đá vô địch châu Á.

Qatar trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 2022, đã hào hiệp cho đội tuyển Yemen mượn sân thi đấu.

Trước đó, để tập hợp quân số và có chỗ luyện tập, các cầu thủ Yemen từ tứ xứ phải hội quân tận… châu Phi. Ở Yemen lúc này, ngoài chuyện có cái ăn thì bóng đá là chủ đề được người dân quan tâm kế tiếp.

Sân 22 tháng 5 đổ nát vì nội chiến ở Yemen. Ảnh: Getty Images.

Quay trở lại câu chuyện bóng đá Yemen vượt khó từ 4 năm trước. Đó là khi đội tuyển quốc gia Trung Đông này đá vòng loại World Cup 2018 (với CHDCND Triều Tiên). Để tập trung được đội tuyển và thi đấu vòng loại, HLV Abraham Mebratu được giao toàn quyền; và phải mất tới một tuần, đội bóng mới hội đủ quân ở thành phố cảng Aden (duyên hải miền Nam Yemen). Từ đó, thầy trò HLV Mebratu lên thuyền đi tới Djibouti (châu Phi) luyện tập, thi đấu vòng loại World Cup 2018.

Từ một quốc gia trù phú, có diện tích lớn thứ nhì ở Nam bán đảo Ả Rập, Yemen đã chìm trong đổ nát, tan hoang kể từ khi rơi vào nội chiến.

SVĐ nổi tiếng nhất ở Yemen chính là sân 22 tháng 5. Thế nhưng sau khi nội chiến nổ ra không lâu, sân này đã bị các lực lượng chống đối oanh kích biến thành một đống đổ nát. Thay vì CĐV đến sân, là hình ảnh lực lượng quân sự trung thành với chính phủ vác súng AK chốt chặn sân 22 tháng 5. Cứ nhìn hình ảnh sân này tan hoang, mới hay nội chiến ở quốc gia Tây Á này khủng khiếp như thế nào.

Để bảo vệ sân 22 tháng 5, gần 50 người trung thành với chính phủ đã ngã xuống. Thay vì là nơi tổ chức các trận đấu bóng đá, những sân bóng ở Yemen biến thành các pháo đài quân sự, nơi đóng quân và sau hàng loạt cuộc giao tranh ác liệt, không ai còn nhận ra các sân bóng hoành tráng ngày nào.

Nhiều cầu thủ Yemen đã ngã xuống vì bom đạn chiến tranh, nhưng đội tuyển bóng đá Yemen đã làm được điều kỳ diệu, khi đang tranh tài cùng các đội bóng khác tại Asian Cup 2019.

Mỗi khi triệu tập đội hình, luôn có 30-40 cầu thủ không biết từ đâu xuất hiện dưới trướng chiến lược gia Mebratu. Phải nói là ông Mebratu cực kỳ có tài. Trong bối cảnh mọi người dân còn phải lo tránh bom đạn, kiếm cái ăn mà HLV người Ethiopia này vẫn hiệu triệu được các cầu thủ Yemen đứng dưới ngọn cờ quốc gia, thi đấu liên tục từ năm 2015 đến cuối năm 2018 thì quả là một thành tích "vô tiền khoáng hậu".

Mebratu đã trở về cầm quân đội tuyển quốc gia Ethiopia, HLV Jan Kocian đến. Trong quá khứ, nhà cầm quân 60 tuổi này từng dẫn dắt đội tuyển Slovakia trong giai đoạn 2006-2008. Phải nói là về độ dũng cảm thì hai ông Mebratu và Kocian là ngang nhau; bởi theo thống kê của Trường Đại học Sussex (Anh), hơn 80.000 người dân Yemen đã thiệt mạng vì chiến tranh. Thế nhưng trong bom đạn chiến tranh, bóng đá Yemen vẫn tồn tại như cây trường sinh.

VŨ THU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/bong-da-yemen-cay-truong-sinh-trong-bom-dan-chien-tranh-560249