Bóng đá Việt: Vì sao lương nữ cầu thủ quá bèo bọt?

Cống hiến, gian khổ để đem niềm vui và tự hào về cho địa phương, ngành hay vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng các cô gái đá bóng hầu hết chỉ nhận được đồng lương còm cõi.

Cầu thủ nữ thi đấu vất vả nhưng đồng lương rất bèo bọt

Cầu thủ nữ thi đấu vất vả nhưng đồng lương rất bèo bọt

Không có lương, chỉ có tiền công

Ngày 22.5 tới, Cúp QG 2019 nữ sẽ khai mạc tại Trung tâm bóng đá trẻ VFF trong nỗi lo chung: Thái Nguyên (TN) đứng trước “án tử” treo lơ lửng vì nhà tài trợ TNG sẽ hết hợp đồng. TN mà rút khỏi giải VĐQG, bóng đá nữ chỉ còn 6 đội, sẽ là đòn giáng mạnh vào phong trào chung. 500 triệu đồng mỗi năm từ TNG là chỗ dựa lớn nhất của đội bóng đá này, bên cạnh phụ cấp 100.000 đồng tiền ăn kèm 60.000 tiền công mỗi ngày cho một nữ cầu thủ đội 1. Hai tuần trước giải, tiền ăn lên thành 150.000 đồng, khi thi đấu là 200.000 đồng.

“Lương cầu thủ nữ chúng tôi chẳng có gì ngoài số tiền này. Trừ tiền ăn ra thì tiền công chính là lương. Nhưng có thêm mấy trăm ngàn tiền phụ cấp này rất ý nghĩa với chị em, để họ trang trải đồ đạc, chuyện riêng, chuyện nhà. Với cơ chế hiện tại, nếu sang năm TNG rút thì chúng tôi không biết có thể dự giải VĐQG hay Cúp QG không vì kinh phí duy trì đội 1 có đâu?”, HLV Đoàn Việt Triều bày tỏ.

Tương tự, cầu thủ nữ Sơn La, một tỉnh miền núi, tình hình cũng chẳng khả quan hơn TN khi chế độ tiền ăn là 150.000 kèm 80.000 đồng tiền công mỗi ngày. Mức cho cầu thủ trẻ là 120.000 và 40.000 đồng nhưng đội không có nguồn tài trợ. Một cầu thủ nữ của Sơn La than thở: “Vì quá đam mê nên đến giải, khi nghe lãnh đạo đội và HLV năn nỉ về đóng góp nên tụi em phải bỏ công việc ở nhà máy để đến sân bóng. Mỗi người chỉ nhận chưa tới 80.000 đồng tiền công, đá suốt một tháng nhận có 2,4 triệu đồng. Số tiền đó chẳng đủ để uống nước, nói chi là bồi bổ lại sức khỏe và mua thêm những vật dụng cá nhân cần thiết”.

Ông Đoàn Việt Triều chia sẻ: “Giữa cái nắng 40 độ C như thiêu đốt trên sân, hằng ngày lúc 15 giờ thầy trò lại quần thảo đến đen nhẻm. Thu nhập thấp, các cháu có những ước muốn đơn sơ cũng chỉ biết mơ. Bằng ấy tiền làm sao mua kem bôi mặt hay một hộp phấn. Đó là chưa kể trách nhiệm với gia đình nghèo ở quê. Tiền của tỉnh rót xuống cũng chỉ đủ để đi thi đấu mà thôi, chẳng có dư dả gì để hỗ trợ”.

Trong bóng đá nữ, có lẽ chỉ có Hà Nội “giàu” nhất với 3 tỉ đồng tài trợ. Quảng Ninh được Tập đoàn than - khoáng sản bảo trợ. Phong Phú Hà Nam có hơn 1 tỉ đồng từ doanh nghiệp. Lãnh đạo 3 đơn vị này cho biết lương cầu thủ cũng chủ yếu là tiền công cộng với một khoản hỗ trợ nhỏ, bình quân khoảng trên dưới 3 triệu đồng.

Còn TP.HCM có 1 tỉ đồng từ LĐBĐ TP.HCM nhưng phải nuôi cùng lúc 2 đội nên phúc lợi chia nhỏ, bên cạnh chế độ tương đồng các VĐV môn khác là 173.000 đồng tiền ăn, 92.000 đồng tiền công mỗi ngày cho đội 1. Thứ bảy và chủ nhật không có tiền công. Vào giải, tiền ăn tăng lên 230.000 đồng. Số tiền tài trợ sau khi trừ thuế còn 900 triệu đồng dùng bồi dưỡng VĐV hằng tháng, đi thi đấu giải từ U.16, U.19 QG lên VĐQG và Cúp QG, tiền thưởng tết...

“Chúng tôi biết số tiền này quá ít, nhưng cũng không biết làm sao để bổ sung thêm cho các em. Trong khi chúng tôi được giao chỉ tiêu buộc phải duy trì song song 2 đội bóng TP.HCM 1 và 2 dự các giải. Bởi từ Hà Nam vào đến Cà Mau chỉ còn mỗi thành phố làm bóng đá nữ. Các em trẻ cần cơ hội cọ xát thi đấu liên tục để trưởng thành chứ không thể đá “chay” mãi với cầu thủ nam được”, một quan chức bóng đá TP.HCM chia sẻ.

Bóng đá nữ khó xã hội hóa

Đặc thù của bóng đá nữ VN khó khăn không phải đầu vào mà chính vì thu nhập thấp khiến cầu thủ dễ bị dao động tâm lý. Sau giải VĐQG 2017, Samsung mở nhà máy với mức lương thông báo tầm 7 - 8 triệu đồng khiến nhiều nữ cầu thủ Sơn La lung lay, đội bóng điêu đứng. “Chúng tôi đã phải giải thích rất kỹ thu nhập bóng đá từ 3,5 - 4 triệu đồng nhưng không phải lo tiền ăn và thuê nhà. Mọi thứ CLB lo, còn gom lại được mấy triệu gửi gia đình tính ra cũng bằng đi làm công nhân. Nhưng phụ huynh gọi lên xin thì mình vẫn phải đồng ý cho các em về”, ông Lường Văn Chuyên, HLV trưởng đội nữ Sơn La, cười khổ.

Cái khó là bóng đá nữ gần như không được xã hội hóa vì mức độ quan tâm của các doanh nghiệp không nhiều. Khi đặt vấn đề với một số doanh nghiệp tâm huyết bóng đá thì chúng tôi nhận được câu nói thẳng: “Các em bóng đá nữ rất tội, lương chỉ có 2 - 3 triệu đồng/tháng mà tập sáng chiều làm cháy cả da. Nhưng chúng tôi chỉ có thể thông cảm ủng hộ chút ít kinh phí làm quà cho các cháu, chứ bảo tài trợ lâu dài e rằng khó. Vì hiệu quả mà bóng đá nữ mang lại gần như không có. Cầu thủ nữ quảng cáo cũng ít người quan tâm”.

Một lãnh đạo ngành thể thao cũng tâm sự: “Ngân sách nhà nước rót cho bóng đá nữ rất nhỏ giọt mà cũng chỉ tập trung cho thi đấu để bảo vệ màu cờ sắc áo địa phương thôi, chứ đâu đủ tiền để chi lương cho cầu thủ nữ. Còn kêu gọi xã hội hóa thì được chăng hay chớ. Bình thường không có mà nhiều khi đến sát giải cũng chẳng có đồng nào. Thực sự là vô cùng khó khăn cho cầu thủ nữ VN”...

Nguồn Thanh Niên: http://thethao.thanhnien.vn/bong-da-quoc-te/bong-da-viet-vi-sao-luong-nu-cau-thu-qua-beo-bot-101646.html