Bóng đá Việt Nam và nỗi lo mang tên xuất ngoại

Ra nước ngoài thi đấu luôn là giấc mơ cháy bỏng của các cầu thủ Việt. Thế nhưng, có một nghịch lý đang diễn ra khi chúng ta đang có những cầu thủ có cơ hội xuất ngoại nhưng NHM bóng đá Việt Nam lại tỏ ra e ngại và lo lắng.

Được xuất ngoại là mơ ước cháy bỏng của mỗi cầu thủ Việt Nam từ xưa đến nay. Ở thời điểm hiện tại, các cầu thủ Việt có nhiều cơ hội được ra nước ngoài thi đấu khiến NHM rất vui mừng và hào hứng bởi chúng ta đang có một lứa cầu thủ đầy tài năng.

Thế nhưng, có một nghịch lý đang diễn ra, dù vui mừng nhưng nhiều CĐV vẫn tỏ ra lo lắng và không muốn các tuyển thủ con cưng của mình ra nước ngoài thi đấu. Bởi lẽ các cầu thủ của chúng ta đa số đều không được trọng dụng khi đầu quân cho những đội bóng nước ngoài.

Bộ ba Văn Lâm, Xuân Trường và Công Phượng không thực sự thành công khi thi đấu cho các CLB ở nước ngoài.

Bộ ba Văn Lâm, Xuân Trường và Công Phượng không thực sự thành công khi thi đấu cho các CLB ở nước ngoài.

Sau khi ĐTQG Việt Nam thi đấu thành công tại Asian Cup 2019, có ba tuyển thủ quốc gia được các đội bóng nước ngoài chiêu mộ và ra nước ngoài thi đấu. Văn Lâm sang Muangthong United với một bản hợp đồng có thời hạn 03 năm còn Xuân Trường và Công Phượng cũng lần lượt sang Thái Lan và Hàn Quốc nhưng điểm chung của họ là đều chỉ ký hợp đồng 01 năm.

So với lần xuất ngoại đầu tiên vào năm 2016 thì ở lần này, Xuân Trường và Công Phượng được kỳ vọng rất nhiều vì sự trưởng thành nhanh chóng của cả hai. Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy đã nhanh chóng bị dội một gáo nước lạnh khi các tuyển thủ thi đấu không được thành công trong màu áo của đội bóng mới.

Văn Lâm vẫn đươc ra sân thi đấu thường xuyên nhưng đội bóng của anh là Muangthong United lại thi đấu quá mờ nhạt, liên tục để thua và phải ngụp lặn với cuộc chiến trụ hạng từ khá sớm.

Trái ngược với thủ thành mang hai dòng máu Việt-Nga, Xuân Trường và Công Phượng sau khởi đầu như mơ ở đội bóng mới, họ liên tục phải đánh bóng băng ghế dự bị.

Nếu so với năm 2016, giờ đây các cầu thủ của chúng ta đã trưởng thành hơn, dạn dày kinh nghiệm hơn nhưng điểm chung của cả hai lần xuất ngoại đều là những ngày tháng mỏi mòn trên băng ghế dự bị. Đương nhiên, chúng ta cũng không thể đổ lỗi hết cho Công Phượng hay Xuân Trường, hay so sánh họ với Văn Lâm bởi xuất phát điểm của họ không giống nhau.

Xuân Trường và Công Phượng dù sao cũng mới chỉ ra nước ngoài thi đấu vỏn vẹn có hai lần nên chắc chắn các anh sẽ gặp phải những khó khăn trong việc thích nghi và hòa nhập. Còn Văn Lâm lại khác bởi dù sao anh cũng có kinh nghiệm khi được đào tạo ở nước ngoài và thi đấu ở nhiều giải đấu.

Tuy nhiên, cả ba không đã không thực sự thành công khi lựa chọn điểm đến là những đội bóng nước ngoài bởi Trường hay Phượng chỉ thực sự giỏi khi thi đấu trong nước, bên cạnh những người đồng đội quen thuộc. Thế nhưng, ở môi trường mới lại nhận được sự kỳ vọng quá nhiều của NHM nên họ bị áp lực và nhiều khi không thể nào vượt qua được những áp lực ấy.

Bóng đá Việt Nam hiện nay dù sở hữu một lứa cầu thủ tài năng nhưng họ vẫn gặp nhiều khó khăn khi xuất ngoại thi đấu.

Mới đây, thông tin Văn Hậu và Quang Hải được các đội bóng châu Âu để ý cũng khiến NHM Bóng đá Việt Nam vô cùng hào hứng nhưng cũng tỏ ra vô cùng lo lắng. Vui mừng là bởi bóng đá nước nhà có những cầu thủ có trình độ tốt, được các CLB châu Âu để ý. Thế nhưng, lo lắng cũng bởi Bóng đá Việt Nam chưa thực sự có một cầu thủ nào xuất ngoại đạt được hiệu quả như mong đợi.

Quang Hải và Văn Hậu đều là những cầu thủ trẻ tài năng và sẽ là trụ cột của ĐTQG Việt Nam trong nhiều năm nữa nên NHM bóng đá Việt Nam không muốn rằng họ sang nước ngoài rồi liên tiếp dự bị khiến tài năng bị thui chột. Vậy nên, nếu muốn các cầu thủ của chúng ta ra nước ngoài thi đấu, cầu thủ Việt Nam đều phải đạt chuẩn cầu thủ quốc tế để thích ứng được ở những môi trường khác nhau.

Xuất ngoại là xu thế không thể thiếu của bóng đá chuyên nghiệp nhưng Bóng đá Việt Nam muốn làm được điều đó thì chúng ta phải xây chắc phần gốc tức là V.League cần chuyên nghiệp hơn nữa, tính cạnh tranh cao hơn nữa. Như vậy, các cầu thủ của chúng ta mới thực sự trưởng thành để rồi tự tin bơi ra biển lớn. Ngoài ra, một điều khiến chúng ta khá lo lắng rằng nếu các tuyển thủ Việt Nam được thi đấu ở nước ngoài thì chưa chắc họ đã được về thi đấu thường xuyên cho ĐTQG bởi hầu hết những giải đấu trong khu vực không do FIFA tổ chức. Chính vậy các đội bóng không nhất thiết phải nhả quân.

Uông Đàm Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bong-da-viet-nam-va-noi-lo-mang-ten-xuat-ngoai-a439209.html