Bóng đá Việt Nam và bài toán tự thân vận động

Thương hiệu bóng đá Việt Nam cần tiếp tục được nâng lên để bóng đá Việt Nam có thể tự nuôi mình, bởi nếu không, sẽ rất khó để đáp ứng các khoản chi phí dành cho các đội tuyển quốc gia tập huấn và thi đấu quốc tế trong năm 2018 cũng như trong tương lai. Đó là điều được lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chia sẻ trong những ngày cuối năm 2017.

Sau danh hiệu là trách nhiệm

Năm 2017 là năm thành công của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Sáu đội tuyển quốc gia đã vượt qua vòng loại để giành quyền tham dự vòng chung kết các giải đấu cấp châu lục, đó thực sự là thành tích hiếm có.

Thương hiệu bóng đá Việt Nam cần tiếp tục được nâng lên để có thể tự “nuôi” mình. Ảnh: Minh Hoàng

Trong số này, đội tuyển nam quốc gia giành quyền tham dự vòng chung kết Giải vô địch Châu Á (ASIAN Cup) 2019, đội tuyển nữ quốc gia tham dự ASIAN Cup nữ 2018, đội tuyển U23 quốc gia tham dự Giải U23 Châu Á 2018, đội tuyển U19 quốc gia tham dự Giải U19 Châu Á 2018, đội tuyển U16 quốc gia tham dự Giải U16 Châu Á 2018 và đội tuyển bóng đá trong nhà (futsal) nam quốc gia tham dự Giải Futsal Châu Á 2018.

Kết quả nói trên cộng với việc đăng cai thành công một số giải đấu quốc tế, bóng đá Việt Nam được trao Giải thưởng “Liên đoàn Bóng đá của năm 2017” từ Liên đoàn Bóng đá Châu Á. Đó là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam. Chính họ đã phải chịu nhiều áp lực trong những năm qua trong việc tạo nên hệ thống đội tuyển có đào tạo bài bản. Nếu không có nguồn thu, mối quan hệ quốc tế tốt với các Liên đoàn Bóng đá thế giới rồi Châu Á cũng như Liên đoàn Bóng đá các quốc gia thì bóng đá Việt Nam sẽ khó đạt thành công.

Ngay từ bây giờ, nhà quản lý ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã cảm nhận rõ rằng, sau mỗi thành công là áp lực. Đầu tiên là nỗi lo khâu chuẩn bị cho các đội tuyển thi đấu tốt tại các giải đấu châu lục trong năm 2018 và 2019. Muốn có kết quả tốt, qua đó nâng tầm thương hiệu bóng đá Việt Nam thì phải có nguồn kinh phí để tổ chức cho các đội tuyển tập huấn ở nước ngoài, tham dự các giải đấu quốc tế để cầu thủ tích lũy kinh nghiệm... Ước tính, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ phải dành vài chục tỷ đồng để các đội tuyển chuẩn bị và thi đấu tại các giải châu lục.

Nâng tầm thương hiệu bóng đá Việt

Đến thời điểm này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là tổ chức có nguồn thu lớn nhất, đậm dấu ấn xã hội hóa trong các liên đoàn, hiệp hội thể thao ở Việt Nam. Thông tin từ cuộc họp tổng kết của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - diễn ra vào đầu tháng 12-2017 - cho thấy, số tiền mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thu trong năm 2017 là 150 tỷ đồng. Số thu này gồm tiền tài trợ, các khoản hỗ trợ từ ngân sách và tiền bản quyền hình ảnh các đội tuyển quốc gia... Đó là số tiền trong mơ đối với nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia khác khi mà việc kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ hoặc tự thân kiếm được vài trăm triệu đồng cũng đã là vấn đề nan giải.

Dù có được số thu lớn như vậy, nhưng trong năm 2017, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đã phải chi rất nhiều, trong đó có khoản kinh phí đầu tư cho các đội tuyển tham dự vòng chung kết U20 World Cup 2017 và các vòng loại giải Châu Á. Trong số các đội tuyển được đặc biệt quan tâm trong năm 2017 có đội tuyển nữ quốc gia. Tại ASIAN Cup nữ 2018, đội tuyển nữ quốc gia đặt mục tiêu giành vé tham dự World Cup 2019 tại Pháp. Để hoàn thành mục tiêu đó, đội đã được thu xếp tập huấn tại Đức, đồng nghĩa với việc cần một khoản kinh phí lớn. Vì vậy, với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, khoản thu 150 tỷ đồng không hẳn đã đủ để đáp ứng yêu cầu điều hành, quản lý cũng như đầu tư cho các đội tuyển…

Trong cuộc gặp gỡ báo giới gần đây, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh cho rằng, việc sử dụng nguồn kinh phí trong năm 2018 sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Số tiền chi ra trong năm 2018 đương nhiên sẽ không ít hơn năm 2017 nên áp lực cân bằng thu - chi là không nhỏ. “Hiện tại, các nhà tài trợ chính đều tập trung vào đội tuyển quốc gia nam, U23 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam. Trong khi đó, kinh phí để các đội tuyển trẻ như U19, U16 tham dự các giải đấu châu lục sẽ chủ yếu là từ nguồn ngân sách và của chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. "Liên đoàn đang tận dụng các mối quan hệ quốc tế cũng như với các doanh nghiệp để các đội tuyển có điều kiện tập huấn tốt với chi phí hợp lý; liên hệ với một số câu lạc bộ của Nhật Bản, nhờ hỗ trợ chi phí ăn ở, sinh hoạt tại địa phương cho U16 và U19 Việt Nam, đội tuyển futsal nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tìm nguồn hỗ trợ đội tuyển nữ Việt Nam tập huấn tại Đức” - ông Lê Hoài Anh nói. Bên cạnh đó, việc đàm phán để tăng giá trị hợp đồng tài trợ cho các đội tuyển cũng được tính đến. Thực tế, ngoài 6 đội tuyển dự các giải châu lục, bóng đá Việt Nam còn dự các giải đấu quốc tế khác, trong đó có Giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á, ASIAD 2018… Theo tính toán, bóng đá Việt Nam sẽ dự tổng cộng 11 giải đấu quốc tế chính thức trong năm 2018.

Cũng vì vậy, việc nâng giá trị bóng đá Việt Nam thông qua thành tích của các đội tuyển, đẩy mạnh tìm kiếm nguồn thu thông qua các hoạt động bóng đá, trong đó có tổ chức thi đấu, nâng giá trị bản quyền hình ảnh… sẽ là bài toán cần có lời giải.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Nguyễn Xuân Gụ cho rằng, một số ông bầu sẽ sẵn sàng giúp đỡ tài chính cho các đội tuyển khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam gặp khó khăn. Nhưng đó không phải là giải pháp bền vững bởi phụ thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp. Sẽ tốt hơn nếu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đủ mạnh, năng động để tự nuôi mình thay vì dựa vào lòng hảo tâm của một vài cá nhân.

Minh Quang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/V-League/885703/bong-da-viet-nam-va-bai-toan-tu-than-van-dong