Bóng đá Việt Nam đã nhiều lần muốn học J.League

Sự phát triển 'thần kỳ' của Nhật Bản, trong đó có bóng đá là hình mẫu mà chúng ta muốn học hỏi, hướng tới. VFF, VPF từng nhiều lần tổ chức các đoàn sang tham quan, học tập J.League. Năm 2013, VPF đã mời chuyên gia Kazuyoshi Tanabe làm Phó tổng giám đốc, tham gia điều hành V.League. Ở mùa giải chuyên nghiệp 2014 thì ông Tanaka Koji được thuê làm Trưởng giải.

Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam từng sang thi đấu tại Nhật Bản và hiểu rõ sức cạnh tranh của bóng đá xứ mặt trởi mọc

Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam từng sang thi đấu tại Nhật Bản và hiểu rõ sức cạnh tranh của bóng đá xứ mặt trởi mọc

Cùng năm, từ sự giới thiệu của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, 2 HLV Toshiya Miura và Norimatsu Takashi dẫn dắt 2 đội tuyển nam, nữ Việt Nam. Nguyên Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi ấy tuyên bố sẽ đưa bóng đá Việt Nam đi theo con đường của bóng đá Nhật Bản. Tuy nhiên, cả 4 nhân vật đến từ Nhật Bản này đều không mang đến sự thay đổi, mới mẻ như kỳ vọng. Hiện tại, theo chương trình hợp tác toàn diện giữa 2 liên đoàn, tân Giám đốc kỹ thuật VFF cũng là chuyên gia nổi tiếng người Nhật Yusuke Adachi, nhưng ông chưa để lại ấn tượng nào so với người tiền nhiệm quốc tịch Đức Gede.

Ở cấp CLB, HAGL, B.Bình Dương cũng từng bắt tay với Mito Hollyhock, Yokohama, Kawasaki Frontale; Công Phượng, Tuấn Anh từng sang Nhật thi đấu…; nhưng tất cả đều rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”.

Không ai phủ nhận sức mạnh và những đức tính ưu việt của người Nhật nói chung và sự chuyên nghiệp, khoa học của bóng đá Nhật và J.League nói riêng nhưng với những khác biệt về kinh tế, xã hội, con người…, không thể bê nguyên xi mà học làm theo. Thực hiện mô hình của bóng đá Nhật Bản không chỉ đơn thuần là đưa những con người từ đất nước đó sang và áp dụng vào một nền văn hóa - bóng đá và tư duy kiểu Việt Nam. Hy vọng CLB Sài Gòn “J.League hóa” có cách đi riêng để thành công.

Trần Đỗ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202102/bong-da-viet-nam-da-nhieu-lan-muon-hoc-jleague-3045327/