Bóng đá Việt Nam: 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Năm 2020, bóng đá thế giới đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và bóng đá Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy của khủng hoảng.

Đội tuyển Việt Nam đăng quang chức vô địch AFF Cup 2018.

Đội tuyển Việt Nam đăng quang chức vô địch AFF Cup 2018.

Khép lại một năm đầy biến động, các đội tuyển bóng đá quốc gia bước vào năm 2021 với những nhiệm vụ trọng tâm như bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games, chức vô địch AFF Cup và xa hơn là tham vọng mang tên World Cup chính thức được khởi động.

Vòng loại World Cup 2022

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã đưa ra những nghị quyết hết sức quan trọng, trong đó, trước ngày 15/6/2021 phải hoàn thiện tất cả những trận đấu của vòng loại thứ hai World Cup Qatar 2022 nhằm có quỹ thời gian chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 và cũng là vòng loại cuối cùng của World Cup 2022.

Vì vậy, AFC tiếp tục bám sát tình hình tại quốc gia và đồng thời đề ra phương án dự phòng. Nếu như đến tháng 3/2021 tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và không thể tổ chức theo thể thức lượt đi - lượt về, AFC sẽ có giải pháp khác. Có thể giống như AFC Champion League hiện nay, phương án đá tập trung sẽ được áp dụng để hoàn thành các trận cuối cùng.

Đội tuyển Việt Nam nằm ở bảng G. Sau 5 lượt trận, thầy trò HLV Park Hang Seo tạm dẫn đầu với 11 điểm hơn 2 điểm so với đội nhì bảng Malaysia, 3 điểm so với Thái Lan và hơn UAE 5 điểm, nhưng đội bóng này mới đá 4 trận.

Theo lịch thi đấu dự kiến, ngày 30/3, đội tuyển Việt Nam sẽ làm khách trên sân Malaysia sau đó về sân nhà tiếp Indonesia (ngày 7/6), đội bóng không còn cơ hội đua tranh vào vòng đấu loại cuối cùng. Ngày 15/6, ông Park và các học trò sẽ kết thúc vòng loại thứ 2 bằng trận đấu với chủ nhà UAE.

Theo quy định của FIFA, 8 đội đầu bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất ở vòng loại thứ 2 sẽ giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, cũng như đủ điều kiện lọt vào vòng chung kết ASIAN Cup 2023. Để bảo đảm chắc chắn ngôi đầu bảng, đội tuyển Việt Nam cần giành thêm 7 điểm trong 3 trận đấu còn lại.

Trong trường hợp không đạt được điểm số như mong muốn, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ bị đẩy vào tình thế khó khăn. Bởi các đội bóng ở bảng G được đánh giá là có trình độ không quá chênh lệch, cho nên rất khó có những “cơn mưa” bàn thắng để gia tăng hiệu số nhằm cạnh tranh với những đối thủ ở bảng khác.

Đội tuyển nữ Việt Nam đứng trước nhiệm vụ giành vé tham dự World Cup 2023.

Giải vô địch Đông Nam Á 2020

Theo đề xuất, thời điểm tổ chức giải vô địch Đông Nam Á 2020 (AFF Cup) sẽ chính thức được dời đến tháng 12/2021, dự kiến từ 5/12/2021 đến 1/1/2022 và vẫn giữ tên gọi AFF Cup 2020. Đây là quyết định dựa trên thực tế Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trong khu vực.

Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực LĐBĐVN cho biết, AFF đã thảo luận rất kỹ. Việc dời thời điểm tổ chức AFF Cup sang tháng 12/2021, 3 ngày sau khi kết thúc SEA Games 31 được tất cả các thành viên tham dự cuộc họp ủng hộ. Sự thay đổi này giúp các quốc gia thành viên chủ động hơn về lịch thi đấu cũng như có sự chuẩn bị tốt cho các trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2022.

AFF dự kiến sẽ giữ nguyên thể thức thi đấu AFF Cup 2020 giống như năm 2018. Điều này đồng nghĩa sẽ không có quốc gia nào được đứng ra đăng cai. 2 bảng đấu (5 đội), mỗi đội được đá 2 trận sân nhà và 2 trận sân khách, thông qua kết quả bốc thăm ngẫu nhiên.

Trước đó, LĐBĐVN đã đề xuất về phương án AFF Cup được tổ chức tại 1 hoặc 2 quốc gia trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tốt tại các quốc gia Đông Nam Á. Mục tiêu của thầy trò HLV Park Hang Seo là bảo vệ thành công chức vô địch.

Mục tiêu cú đúp HCV SEA Games 31

Năm 2021, đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam gánh vác nhiệm vụ khá nặng nề, đó là chuẩn bị cho các trận đấu tại SEA Games 31 và vòng loại U23 châu Á.

Theo HLV Park Hang Seo, trận đấu hay giải nào cũng đều quan trọng như nhau. Thế nên, trong năm 2020 đội tuyển U22 Việt Nam đã có 4 lần hội quân.

Đây là động thái cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu chinh phục tấm Huy chương Vàng SEA Games 31, khi trình độ các tuyển thủ U22 hiện nay bị đánh giá là thua xa lứa cầu thủ đã giành ngôi vô địch SEA Games 30 vào năm 2019.

Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn khẳng định, LĐBĐVN (VFF) luôn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ HLV Park Hang Seo hướng đến mục tiêu lớn là vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 31.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên các giải đấu quốc tế dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2020 đều dồn vào nửa đầu năm 2021. VFF sẽ tính toán, điều chỉnh lịch thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia để đội tuyển quốc gia cũng như U22 Việt Nam có quỹ thời gian chuẩn bị tốt nhất cho các nhiệm vụ nặng nề này.

Tiến Linh ghi bàn giúp đội tuyển Việt Nam thắng UAE 1-0 tại Mỹ Đình.

Đội nữ Việt Nam hướng đến World Cup

Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games của thể thao Việt Nam, cả đội U22 và đội bóng đá nữ đều giành HCV tại SEA Games 30 – một kỳ tích. Vậy nên, đội tuyển nữ quốc gia cũng được trao trọng trách tiếp tục giành HCV và phải làm thể nào để các đối thủ trong khu vực thực sự khâm phục.

Kể từ sau vòng loại cuối cùng của Olympic Tokyo hồi tháng 3/2020, đội tuyển nữ Việt Nam không tập trung và không có hoạt động gì do giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2020 đã bị hoãn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vì thế, để rà soát lại lực lượng cũng như hướng đến các mục tiêu trước mắt, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ được tập trung ngay đầu tháng 1/2021. Cụ thể, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ tập luyện từ ngày 6/1/2021 đến sát Tết Nguyên đán Tân Sửu. HLV từng giúp đội tuyển nữ Việt Nam 4 lần giành HCV SEA Games mong muốn tận dụng khoảng thời gian này để giúp các cầu thủ bắt nhịp lại với nhịp độ tập luyện của đội tuyển.

Dự kiến trong năm 2021, ngoài SEA Games 31, đội nữ Việt Nam sẽ tham dự giải bóng đá nữ Đông Nam Á và có thể là vòng loại Asian Cup nữ 2022 (đồng thời cũng là vòng loại World Cup nữ 2023).

World Cup nữ 2023 tăng số đội tham dự từ 24 lên 32 đội và châu Á cũng sẽ có 8,5 suất thay vì 5 suất như những kỳ World Cup trước đó. Đây là cơ hội lớn để đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu được dự một kỳ World Cup sau 2 lần lỡ hẹn vào các năm 2015 và 2019.

Tổ chức tốt sân chơi chuyên nghiệp

Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 31 sẽ diễn ra từ ngày 21/11/2021 đến 2/12/2021 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận (Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang).

Nước chủ nhà Việt Nam dự kiến đưa vào chương trình thi đấu 40 môn thể thao với 520 nội dung, trong đó có 26 môn sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình sẽ là nơi diễn ra lễ khai mạc (ngày 21/11), lễ bế mạc (2/12) và là địa điểm thi đấu của hầu hết các môn thể thao Olympic trong chương trình Đại hội.

Mùa giải 2021 dự kiến bắt đầu bằng trận Siêu cúp Quốc gia 2020 giữa Viettel và Hà Nội FC trên sân Hàng Đẫy, ngày 9/1/2021. V-League khai mạc ngày 16/1/2021 và mùa giải 2021 được khóa sổ bằng trận chung kết Cup Quốc gia, ngày 30/9/2021.

Hiện tại, các đội bóng đang tuyển quân rầm rộ cả ở lực lượng cầu thủ lẫn HLV. Kiatisuk đến với HAGL, Alexandre Polking về CLB TPHCM và Petrovic ký hợp đồng với Thanh Hóa là ba trong số những HLV nước ngoài mới nhất sẽ trình làng ở mùa bóng tới.

Ngoài ra, trong rất nhiều bản hợp đồng “bom tấn”, đáng chú ý hơn cả Lee Nguyễn khoác áo CLB TPHCM. Tiền vệ 34 tuổi này ký hợp đồng 1 năm với mức lương gần 500.000 USD (hơn 11 tỉ đồng)/năm. Đây là mức lương còn cao hơn cả tân HLV Alexandre Polking (6 tỉ đồng/năm).

Mùa giải 2021 tiếp tục thi đấu với thể thức như năm 2020. Theo đó, các đội thi đấu 2 giai đoạn (vòng tròn 1 lượt ở mỗi giai đoạn để tính điểm xếp hạng). Sau giai đoạn 1, căn cứ vào kết quả, có 6 đội đứng đầu được xếp vào nhóm A (tranh ngôi vô địch), trong khi nhóm B là 8 đội bóng còn lại (đua trụ hạng).

Tuy nhiên, quyết định trên đang tạo nên sự tranh cãi ở các đội bóng. Khá nhiều HLV mong muốn V-League có thể thi đấu với thể thức cũ, gồm 2 lượt đi - về. Các ý kiến còn lại cho rằng, phương thức thi đấu hiện tại có ưu điểm hạn chế tốt hơn tình trạng xin - cho giữa các đội bóng ở lượt đi, khiến cuộc đua vô địch căng thẳng hơn nhưng đồng thời cũng làm giảm số trận đấu các CLB.

Bên cạnh đó, có hai khó khăn là dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, nguy cơ giải phải hủy là có. Tiếp theo là quỹ thời gian của giải ít do có nhiều giải đấu của các đội tuyển quốc gia năm 2020 chuyển sang 2021.

Liên quan đến công tác trọng tài chịu nhiều điều tiếng ở mùa giải 2020, những người có trách nhiệm thừa nhận các trọng tài có nhiều sai sót, và việc phải nâng cấp chất lượng Vua áo đen cũng như công tác phân công trọng tài là rất cấp bách. Nhưng thực tế như thế nào còn phải chờ đến khi trái bóng lăn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/bong-da-viet-nam-5-nhiem-vu-trong-tam-nam-2021-82aI0gaGR.html