Bóng đá thế giới chật vật trở lại

Các giải bóng đá trên thế giới đang dần trở lại, nhưng câu chuyện chuyên môn dường như đang bị che lấp bởi những tranh cãi ngoài sân cỏ liên quan đến dịch COVID-19. Đó thậm chí là vấn đề giữa đạo đức và tiền bạc mà bên nào cũng có những lý do biện minh cho quan điểm của mình.

Những cô búp bê đặt trên khán đài sân bóng của CLB FC Seoul gây ra nhiều ý kiến trái chiều

Những cô búp bê đặt trên khán đài sân bóng của CLB FC Seoul gây ra nhiều ý kiến trái chiều

Bundesliga là giải đấu lớn đầu tiên của châu Âu trở lại với các loạt trận rất đáng chú ý diễn ra cuối tuần qua. Bayern Munich không mấy khó khăn đả bại Union Berlin với 2 bàn thắng của Lewandowski và Benjamin Pavard. Ấn tượng hơn cả là chiến thắng 4-0 của Borussia Dortmund trước kình địch Schalke 04 trên sân Signal Iduna Park ở trận “derby” vùng Ruhn.

Nếu mọi thứ diễn ra bình thường, sân Signal Iduna Park có thể không còn chỗ trống. Những cuộc thư hùng giữa Dortmund và Schalke-04 trong quá khứ đều luôn có sức cuốn hút rất mạnh với các CĐV. Nhưng không, trận đấu diễn ra trong khung cảnh chưa từng có ở Bundesliga: các cầu thủ ra sân tách biệt với nhau, BHL và cầu thủ dự bị hai đội đeo khẩu trang ngồi ở khu vực kỹ thuật và thậm chí việc phỏng vấn của báo chí đối với cầu thủ cũng bị giới hạn trong phạm vi an toàn. Các khán đài trống vắng vì không có khán giả và BTC thậm chí tiến hành khử trùng cả các quả bóng trước trận đấu.

BTC Bundeslia (DFL) nói bóng đá trở lại là một sự khẳng định cho tinh thần chiến thắng đại dịch. Thủ hiến Bavaria, Markus Soder tuyên bố đây là một “trải nghiệm thành công” trong khi lãnh đạo nhiều đội bóng tin rằng cả châu Âu đang phải xem Bundesliga qua tivi.

Tuy nhiên, đã có không ít những chỉ trích, từ các CĐV và chính nhiều cầu thủ rằng DFL đang mạo hiểm sức khỏe của cầu thủ chỉ vì tiền. Các đội bóng ở Bundesliga sẽ mất 750 triệu euro chỉ riêng từ tiền bản quyền truyền hình nếu giải không thể cán đích. Một nửa trong số 36 đội bóng sẽ mất cân bằng thu chi tài chính. Nhưng không phải ai cũng quan tâm tới điều đó.

“Sân vận động, không phải trên ghế sofa!”. Đây là thông điệp xuất hiện trên tường sân vận động Cologne sáng 16/5. Nhiều CĐV tin rằng các trận bóng “ma”-không có khán giả-không phải giải pháp cho Bundesliga. Một số cáo buộc Bundesliga đang truyền đi thông điệp coi tiền quan trọng hơn sức khỏe cộng đồng.

Cũng vừa trở lại, giải bóng đá VĐQG Hàn Quốc, K-League lại đối diện với những câu chuyện khác. AFP cho hay CLB FC Seoul mới đây đã phải lên tiếng xin lỗi các CĐV sau khi “trót” đặt nhiều búp bê trên khán đài sân vận động Seoul World Cup, thay vì bìa carton mang hình CĐV. Theo lý giải của đội bóng này, biện pháp trên nhằm giúp cho các khán đài bớt trống vắng khi phải tổ chức trên sân không có khán giả.

Chuyện sẽ không có gì nếu không phải nhiều trong số các búp bê trên là nữ, và lại…mang áo phông của một công ty chuyên cung cấp “sex toy” ở Hàn Quốc. Nhiều CĐV tuyên bố đội bóng đã biến khán đài trở thành khu vực “X-rated”. Trước sức ép của dư luận, Ban lãnh đạo FC Seoul đã phải lên tiếng xin lỗi và gần như chắc chắn, việc này sẽ không thể tái diễn ở các vòng đấu sau.

Còn tại Thái Lan, lãnh đạo liên đoàn bóng đá nước này đang rầu rĩ trước việc bóng đá chỉ được xếp vào nhóm thứ yếu, chung với các trung tâm làm đẹp, shop cắt tóc…tức là chỉ được trở lại từ giai đoạn 2 của lệnh giãn cách xã hội sau dịch COVID-19.

Trước đó do dịch, FAT và BTC Thai-League đã quyết định đổi lịch thi đấu sang giai đoạn từ tháng 9/2020-5/2021, kế hoạch từng được một số nhà hoạt động bóng đá ở Việt Nam mô tả là “bơi ra biển lớn”.

Tuy nhiên nhiều đội bóng đã kêu ca do giải ngừng quá lâu, họ không biết kiếm đâu tiền hoạt động từ nay tới tháng 9. Thai-League từng chờ đợi có thể trở lại sớm hơn nếu được chính phủ cho phép nhưng rốt cuộc, mong muốn này không thành hiện thực.

V.P

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-thao/bong-da-the-gioi-chat-vat-tro-lai-1659833.tpo