Bóng đá thế giới chao đảo giữa 'bão' COVID-19

Từ Trung Quốc, dịch COVID -19 đang phủ bóng đen u ám lên toàn thế giới. Bóng đá cũng không nằm trong danh sách ngoại lệ. Từ châu Á đến châu Âu, hàng loạt giải đấu phải tạm hoãn và có thể hủy bỏ. Ngay cả Olympic cũng có nguy cơ phải chuyển địa điểm tổ chức.

Đội bóng giữa tâm dịch

Cho đến lúc này Vũ Hán vẫn đang là vùng tâm dịch COVI-19 với hơn 70.000 người mắc bệnh, tương đương 7% dân số toàn thành phố. Trước tình hình căng thẳng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) phải ra lệnh tạm hoãn mọi giải đấu trong nước.

Mạng xã hội nước này từng lan truyền thông tin Super League Trung Quốc có thể trở lại trong tháng 4, nhưng điều này thực tế vẫn chưa được kiểm chứng. Trong bối cảnh xấu nhất, CFA có thể cân nhắc hủy bỏ mùa giải 2020 để ngăn chặn hoàn toàn rủi ro có thể gây ra bởi dịch.

Hàng loạt ngôi sao nước ngoài đang thi đấu ở Trung Quốc cân nhắc việc ra đi khi giải vô địch quốc gia nước này hoãn vô thời hạn.

Hàng loạt ngôi sao nước ngoài đang thi đấu ở Trung Quốc cân nhắc việc ra đi khi giải vô địch quốc gia nước này hoãn vô thời hạn.

Đây thực sự là một đòn đánh nặng nề vào nền bóng đá sở hữu giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất châu Á. Họ phải chi tiền trả lương cho những ngôi sao mà chỉ có thể nhìn họ chơi bóng trên sân tập.

Với những CLB Trung Quốc, họ không ngại dùng tiền để câu kéo những cầu thủ hàng đầu thế giới đến châu Á chơi bóng. Nhưng dù có thu nhập cao đến đâu thì ai cũng phải cân nhắc khi tính mạng mình có nguy cơ lây bệnh, thế nên những ngôi sao đắt giá như Paulinho, Fellaini,... đang nghiêm túc cân nhắc việc trở lại châu Âu thi đấu. Nhanh chân nhất là Carrasco và Ighalo. Tiền đạo người Nigeria còn chấp nhận giảm lương xuống chỉ còn 1/3 so với thu nhập của anh tại Trung Quốc để đầu quân cho M.U.

Mất người là một chuyện. Các CLB Trung Quốc còn phải chịu ánh mắt kỳ thị trong mỗi chuyến tập huấn nước ngoài. Mới đây, HLV José Manuel González López của đội Vũ Hán Trác Nhĩ đã nổi giận với cách truyền thông Tây Ban Nha đối xử với cầu thủ của ông như những con bệnh mang dịch Covid-19 đến Tây Ban Nha.

"Họ là những người khỏe mạnh, đã trải qua đo thân nhiệt và xét nghiệm đầy đủ trước khi rời Trung Quốc, vì thế họ cần được đón tiếp trọng thị. Người đáng phân biệt đối xử là tôi, vì tôi còn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn họ", López nổi giận với những người đồng hương.

Ngăn chặn vẫn lây lan

Trên thực tế chẳng có công dân nào của Tây Ban Nha bị lây nhiễm Covid-19 từ cầu thủ Trung Quốc cả, nhưng quốc gia này vẫn có lý do hạn chế cho công dân từ đại lục nhập cảnh.

Những nghiên cứu mới nhất từ một số bệnh nhân cho thấy một vài người mang virus và lây nhiễm cho người khác mà hoàn toàn không có biểu hiện mắc bệnh nào cả. Trong bối cảnh đó thì phòng hơn chống, vậy nên không ít đội bóng Trung Quốc đang khốn đốn trong việc tìm chỗ tập huấn.

Để đối phó với tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp tại Vũ Hán, Liên đoàn bóng đá châu Á đã yêu cầu các đội bóng Trung Quốc thi đấu ở AFC Champions League phải thi đấu trên sân khách trong giai đoạn lượt đi.

Việc này tạo ra bất lợi không nhỏ cho những ông lớn của Super League, nhưng họ vẫn phải chấp hành nếu không muốn bị cấm thi đấu. Ngay cả những trận đấu sắp tới của đội tuyển Trung Quốc tại vòng loại World Cup khu vực châu Á cũng phải chuyển địa điểm tới Thái Lan và thi đấu trên sân không có khán giả.

Dù vậy, các nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan của AFC cũng không thể giảm thiểu tối đa nguy cơ. COVID-19 còn rất nhiều con đường khác để lây nhiễm ra các nước khác. Sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã trở thành những ổ dịch tiếp theo với số người mắc bệnh lên đến cả ngàn người. Trước tình hình này thì liên đoàn bóng đá của hai nước nói trên cũng phải ra yêu cầu tạm hoãn tổ chức giải vô địch quốc gia cho đến khi dịch cơ bản được không chế.

Châu Á không phải khu vực duy nhất phải hoãn tổ chức bóng đá vì COVID-19. Phía bên kia lục địa Á-Âu, Italia cũng đang lo sốt vó vì hàng loạt ca nhiễm mới được phát hiện từ những người du lịch châu Á trở về.

Tuần trước, Serie A đã phải hoãn hàng loạt trận đấu để đảm bảo an toàn cho người hâm mộ trước khi cân nhắc có nên tạm dừng hay không. Nếu những nhà quản lý Italia làm điều tương tự như Trung Quốc, đó sẽ là tín hiệu đáng báo động với hàng loạt sự kiện trong thời gian tới.

Trên bờ vực

Theo lịch dự kiến, EURO 2020 sẽ khởi tranh từ ngày 12-6 tại Rome, Italia. Tuy nhiên kế hoạch về một vòng chung kết EURO hoành tráng nhất trong lịch sử với 12 thành phố đăng cai tổ chức đang có nguy cơ đổ bể nếu dịch COVID-19 tiếp tục lây lan tại lục địa già. UEFA hiện chưa có động thái gì trước những ca nhiễm virus tăng chóng mặt tại châu Âu, nhưng họ cũng sẽ nghiêm túc cân nhắc việc hoãn giải đấu vào mùa hè nếu số người mắc bệnh gia tăng đột biến. Nếu có diễn ra, cầu thủ cũng sẽ phải thi đấu trên sân không khán giả.

Đội tuyển quốc gia nữ Trung Quốc chưa biết số phận của mình tại VL Olympic 2020 do kế hoạch thi đấu bị đình chỉ.

Ngoài bóng đá, các môn thể thao khác cũng có nguy cơ phải hứng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Nhật Bản đã chi ra cả chục tỷ USD xây dựng cơ sở vật chất phục vụ Olympic Tokyo 2020 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7.

Nhưng đến bây giờ, họ hoàn toàn có thể mất quyền đăng cai giờ chót khi quốc gia này trở thành 1 trong 3 ổ lây lan COVID-19 lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh xấu nhất có thể, Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ chuyển quyền đăng cai sang Anh để đảm bảo an toàn cho các VĐV. Điều đó cũng có nghĩa Tokyo mất trắng một khoản ngân sách không lồ cho sự kiện thể thao được đón chờ bậc nhất này.

Việc Olympic Tokyo có thể chuyển tới London hoàn toàn không phải chuyện viễn tưởng. Trước Nhật Bản, Trung Quốc đã mất quyền đăng cai vòng loại Olympic môn bóng đá nữ.

Vòng bảng có Trung Quốc được chuyển tới Australia, và các nữ cầu thủ Trung Quốc thậm chí phải tập luyện ngay bên trong hành lang khách sạn nơi họ lưu trú. AFC tin đây là biện pháp khả thi nhất để cách ly những người có nguy cơ mắc bệnh mà vẫn đảm bảo cho họ có cơ hội ra sân. Rất may là việc này không ảnh hưởng quá nhiều đến thành tích thi đấu của đội Trung Quốc.

Ở khía cạnh các CLB, việc hoãn thi đấu đã ảnh hưởng đến không ít cầu thủ và đội bóng. Trong thời gian chưa đầy 1 tháng kể từ khi CFA công bố tạm dừng các trận đấu, không dưới 5 CLB Trung Quốc đã tuyên bố giải thể vì ngân sách cạn kiệt.

Không giống như những ông lớn ở Super, những đội bóng hạng dưới không có khả năng chi trả lương cho cầu thủ trong bối cảnh giải đấu không diễn ra. Tại Italia, Juventus không lâm vào cảnh khốn đốn như thế nhưng cũng phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Mới đây cổ phiếu của đội bóng này đã sụt giảm đến 11% chỉ sau một đêm khi có tin dịch COVID-19 bùng phát tại Italia.

Hiện tại VFF vẫn đang tạm hoãn tổ chức tất cả các trận đấu ở giải vô địch quốc gia để phòng ngừa bệnh dịch lây lan. Hệ quả là 2 CLB Việt Nam thi đấu ở AFC Cup là Than Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh phải chơi trên sân khách ở những vòng đấu đầu tiên. Đây là bất lợi không nhỏ cho tham vọng vươn tầm châu lục của các đội bóng Việt Nam. Nhưng ở chiều ngược lại, Covid-19 lại vô tình mang đến một vài lợi thế bất ngờ cho các đội tuyển Việt Nam.

Cuối tháng 3, đội tuyển Việt Nam sẽ trở lại thi đấu ở vòng loại World Cup với một đội hình mạnh nhất. Nhưng đối thủ số một của Việt Nam ở bảng G là Thái Lan lại không có được lợi thế đó. Theo quy định mới được Bộ Y tế Thái Lan ban hành, những công dân đi từ vùng có dịch trở về nước phải cách ly trong 14 ngày, không được phép tham gia các sự kiện ở nơi công cộng. Điều đó cũng có nghĩa những cầu thủ Thái Lan đang chơi ở J-League như Chanathip, Dangda,... sẽ không được phép thi đấu ở trận gặp Indonesia sắp tới.

Nếu muốn ra sân, Messi Thái Lan và một vài cầu thủ khác phải tập trung sớm hơn các đồng đội 2 tuần. Điều này là bất khả thi bởi các CLB Nhật Bản sẽ không đồng ý để họ trở về nước sớm hơn lịch dự kiến. Hiện J-League đang tạm hoãn nhưng vẫn để ngỏ khả năng trở lại thi đấu vào tuần thứ 3 của tháng 3, nhưng 5 ngày là không đủ cho Chanathip đủ điều kiện ra sân thi đấu.

Ngoài đội tuyển nam, đội tuyển nữ Việt Nam cũng có cơ hội nhận được "món quà" lớn từ AFC. Theo lịch dự kiến, các cầu thủ nữ Việt Nam sẽ đấu trận play-off giành suất dự Olympic với ĐT nữ Australia. Tuy nhiên trận đấu này có khả năng sẽ diễn ra với kết quả "hòa cả làng" vì AFC đang cân nhắc hủy trận play-off còn lại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Trận đấu không diễn ra cũng đồng nghĩa với việc hai đội bị loại, và Việt Nam sẽ nghiễm nhiên dự Olympic.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/bong-da-the-gioi-chao-dao-giua-bao-covid-19-583722/